(LLCT) - Luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công lao, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung và mục đích, vừa phủ nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, vừa xuyên tạc “mối quan hệ” giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản. Trên cơ sở lịch sử, khoa học và được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, chúng ta hoàn toàn phản bác những luận điệu xuyên tạc này và khẳng định công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, đất nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Xô Viết vào tháng 7-1955 - Ảnh tư liệu TTXVN
Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên và cũng là người lựa chọn, triển khai trong thực tiễn con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam từ những năm 20 thế kỷ XX. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin đã, đang và sẽ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Hiểu rõ những giá trị Hồ Chí Minh trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam, các thế lực phản cách mạng luôn âm mưu, tìm mọi thủ đoạn tấn công, xuyên tạc Hồ Chí Minh, trong đó luận điệu nhằm phủ nhận công lao, sự nghiệp của Hồ Chí Minh đối với nhân dân, dân tộc Việt Nam luôn là tâm điểm.
Việc nhận diện, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công lao, sự nghiệp của Hồ Chí Minh không những là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân, mà đó còn là đạo lý ghi nhận công ơn của lãnh tụ, của các lớp thế hệ cách mạng đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước nhà.
1. Luận điệu xuyên tạc công lao, sự nghiệp Hồ Chí Minh phần lớn nằm trong số những người Việt Nam phản động ở nước ngoài, trực tiếp hoặc có liên hệ, chịu ảnh hưởng của những người làm tay sai cho thực dân, đế quốc. Đây là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu sống ở Mỹ, Canađa, Úc, Pháp, Đức v.v.. và do định kiến, nuôi dưỡng tư tưởng, tâm lý thù hận, muốn “phục quốc” hoặc vì lợi ích cá nhân mà chống phá cách mạng Việt Nam. Phương thức, thủ đoạn của chúng là viết báo, in sách, lập trang mạng cá nhân để đưa tin, bình luận hay tham gia vào các đảng phái, hội đoàn, “cộng đồng” khác nhau; móc nối, kích động các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, dựa vào các thế lực phản động quốc tế để nhận tài trợ, giúp sức... nhằm mục đích tuyên truyền xuyên tạc hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thời gian gần đây, những luận điệu trên ngày càng xuất hiện nhiều ở trong nước với nhóm người có tư tưởng “xét lại” lịch sử, người cơ hội, bất mãn chính trị và một bộ phận nhân dân do nhận thức thấp, ham danh, hám lợi hoặc chịu tác động, lôi kéo từ các thế lực chống phá cách mạng mà hùa theo, phụ họa, nói lại các luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh.
Luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công lao, sự nghiệp Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung và mục đích, vừa nhằm phủ nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, vừa xuyên tạc “mối quan hệ” giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản như: “sự lựa chọn đi theo chủ nghĩa cộng sản của Hồ Chí Minh là đơn giản”, “chọn đại”, “không trên cơ sở trí tuệ” và “Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là phương tiện” hoặc ngược lại, cho rằng Hồ Chí Minh mượn danh yêu nước, giải phóng dân tộc nhưng thực chất là “tay sai”, có nhiệm vụ sáp nhập Việt Nam vào thế giới cộng sản v.v.. Từ những sự xuyên tạc này, họ đổ “tội” cho Hồ Chí Minh và xem đây là nguyên cớ dẫn đến các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX; là tụt hậu, cản trở sự phát triển đất nước.
2. Dựa vào cơ sở lịch sử, khoa học và được thực tiễn kiểm nghiệm, chúng ta hoàn toàn phản bác những luận điệu xuyên tạc trên và khẳng định công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh đối với nhân dân, đất nước Việt Nam.
Thứ nhất, chúng ta khẳng định, con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin của dân tộc là sự lựa chọn lịch sử
Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, với cách tiếp cận khách quan, lịch sử, cụ thể, thì bất kỳ trí tuệ nghiêm cẩn nào cũng đều thấy rõ: giành độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân là một đòi hỏi bức thiết. Nhân dân lên tiếng “phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”, trong khi các phong trào yêu nước với nhiều khuynh hướng khác nhau nổi lên, từ “Cần Vương” “phò vua cứu nước” đến quân chủ lập hiến theo mô hình Nhật Bản (Phan Bội Châu) hay dân chủ tư sản dựa vào Pháp để cải cách xã hội (Phan Châu Trinh)... nhưng tất cả đều không thành công.
Ở đây, cần thiết phải nói thêm về tư tưởng cải cách của cụ Phan Châu Trinh, bởi thời gian gần đây, một số người nhân danh khoa học đề cao tư tưởng của Cụ. Họ cho rằng, phương pháp cách mạng bất bạo động của cụ Phan là duy nhất phù hợp với tình hình Việt Nam và có thể tránh cho dân tộc những cuộc chiến tranh. Song, thực tiễn lịch sử cho thấy, độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân không bao giờ có thể trông đợi vào sự ban ơn của thực dân Pháp. Pháp luôn xác định Đông Dương và nhất là Việt Nam là địa bàn béo bở để khai thác. Hai cuộc khai thác thuộc địa, cuộc sau có quy mô lớn hơn cuộc trước nhiều lần đã chứng minh điều đó. Thậm chí về sau, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi đã mất quyền cai trị Đông Dương vào tay Nhật, Pháp vẫn khẳng định quyết tâm đặt lại chế độ thực dân ở đây. Một sự thật là “mẫu quốc” không bao giờ đưa tiến bộ, dân chủ đến thuộc địa, mặc dù Pháp là nôi sản sinh các giá trị Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Không chỉ thế, để vô hiệu hóa sự chống đối, đầu thế kỷ XX, chính quyền Pháp còn quảng bá, cổ súy cái gọi là Pháp - Việt đề huề. Họ tung ra “bánh vẽ” về việc nước Pháp dìu dắt, khai hóa dân tộc Việt nhằm mê hoặc dân chúng...
Những điều trên trực tiếp lý giải tại sao cụ Phan Châu Trinh - người cổ vũ tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh cùng nhiều người yêu nước khác đã bị Pháp lưu đày. Tất cả đã chứng minh, chủ trương ỷ Pháp cầu tiến bộ không thể là lựa chọn duy nhất đúng cho Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Độc lập dân tộc sẽ mãi chỉ là ước mơ xa vời nếu cả dân tộc không thống nhất thành một khối dưới sự lãnh đạo của tư tưởng cách mạng khoa học, phù hợp với yêu cầu của thời đại để giành lại. Do đó, ý kiến đề cao tư tưởng Phan Châu Trinh thực chất nhằm hạ thấp giá trị, ý nghĩa của cách mạng giải phóng dân tộc, cuộc chiến tranh cách mạng mà nhân dân Việt Nam đã tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh để giành lại, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự dẫn dắt của tư tưởng phong kiến và tư sản đã không đáp ứng được yêu cầu của xã hội Việt Nam. Cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Lịch sử khách quan đặt ra cho dân tộc lúc này là phải có một lý luận tiên tiến, đúng đắn dẫn đường. Và theo quy luật, khi nào lịch sử đặt ra yêu cầu, thì lịch sử cũng sản sinh ra những điều kiện và những con người đáp ứng yêu cầu đó. Lãnh tụ là những người xuất hiện đúng thời điểm, nắm bắt được yêu cầu của lịch sử, đủ tài năng giải quyết được nhiệm vụ do lịch sử đặt ra. Trong một lớp người tiếp tục nung nấu tìm đường cứu nước, lịch sử đã đặt lên vai Hồ Chí Minh.
Từ một thanh niên yêu nước, thương dân tha thiết và mẫn cảm chính trị, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã rời đất nước, sang phương Tây tìm đường cứu nước. Trải qua gần mười năm, đi hầu khắp các châu lục, hoạt động ở cả thế giới tư bản cũng như các thuộc địa của chúng và tìm hiểu hết thảy các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới như cách mạng tư sản Pháp, cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng tư sản Mỹ, nhưng không ở đâu giải đáp được mong mỏi của Hồ Chí Minh là con đường giải phóng triệt để cho nước, cho dân.
Ở đâu Hồ Chí Minh cũng thấy, chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác và vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột rất dã man; ở đâu người dân mất nước cũng khổ cực như nhau. Ngay tại Pháp, Mỹ, Hồ Chí Minh trực tiếp thấy rõ “tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1).
Giữa lúc bế tắc đó, năm 1917, khi Hồ Chí Minh đang ở Pháp, với “Mười ngày rung chuyển thế giới”, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Thắng lợi của cuộc cách mạng không chỉ làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước và số phận hàng triệu con người ở Nga, “biến người nô lệ thành người tự do”, mà vượt qua phạm vi quốc gia, có ý nghĩa “mở một thời đại mới của lịch sử loài người”, “chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”(2).
Ngay thời điểm đó, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, các cuộc cách mạng công nhân đã nổ ra. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản ra đời cùng với các phân bộ của nó. Giai đoạn 1918-1921, một loạt đảng cộng sản được thành lập ở Đức, Áo, Hunggari, Ba Lan, Phần Lan, Áchentina, Hy Lạp... Nhiều quốc gia - dân tộc thuộc chế độ thuộc địa của Nga hoàng trước đây và các nước khác ở châu Âu cũng nổi dậy đấu tranh chống chế độ tư sản và phong kiến để thành lập nên các nhà nước Xôviết. CNXH hiện thực từ một nước trở thành một liên bang của nhiều nước: Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) vào năm 1922. Đối với các dân tộc ở Á, Phi, Mỹ Latinh, dù “chưa thật biết rõ Lênin là ai, thậm chí còn không biết nước Nga ở đâu”, nhưng “bằng cách truyền miệng”, họ cũng biết, ở đó “đã lật đổ bọn bóc lột mình và tự quản lý lấy công việc của mình, không có bọn chủ và bọn toàn quyền” và “đứng đầu những con người dũng cảm ấy là người dũng cảm nhất: Lênin. Do đó, người ta được biết Lênin không những đã giải phóng dân tộc mình, mà còn muốn giải phóng các dân tộc khác”(3).
Trên thực tế, ở Ấn Độ diễn ra phong trào chống thực dân Anh; ở Triều Tiên nhân dân khởi nghĩa chống Nhật; ở Trung Quốc có phong trào Ngũ Tứ mang tính chất dân tộc dân chủ, thu hút hàng triệu người.
Riêng ở Việt Nam, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, “trên báo và trong dân... chủ nghĩa cộng sản trở thành vấn đề thời sự”(4). Nổi bật là trên báo chí với cuộc tranh luận về đảng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa bônsêvích của nước Nga có thể đến Việt Nam được không, có thể thâm nhập vào xã hội làm thay đổi xã hội Việt Nam không. Những hoạt động này làm cho người Việt Nam hiểu và chú ý nhiều hơn đến Cách mạng Tháng Mười, học thuyết và chính thể cộng sản. Ngay với Phan Bội Châu, sau quá trình tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin, Liên Xô, cũng đã biểu thị sự cảm tình với CNXH và đặt nhiều kỳ vọng vào con đường mà Hồ Chí Minh đã tìm thấy. Cuốn sách Xã hội chủ nghĩa do ông viết năm 1930 gồm 27 tiết đã chỉ rõ: “Xã hội chủ nghĩa là xe tăng của nhà triết học để xông vào thành lũy của chủ nghĩa đế quốc, mà cũng là toán quân vô địch của nhà nhân từ để phá tan đồ đảng của chủ nghĩa tư bản”.
Như vậy, thực tế lịch sử cho thấy, với tầm vóc, ý nghĩa, sức hấp dẫn, lan tỏa của Cách mạng Tháng Mười Nga (trong đó có chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ V.I.Lênin, Liên Xô) đã lôi cuốn các quốc gia, dân tộc vào một cao trào cách mạng mang tính thế giới. Đồng thời với đó là việc tìm hiểu, tiếp nhận nó cũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến không những ở châu Âu, Bắc Mỹ, mà còn ở các thuộc địa từ châu Á sang châu Phi, châu Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lênin đến với dân tộc ta là kết quả tất yếu, khách quan, không thể khác được, có chăng chỉ khác về mặt thời điểm sớm hay muộn trong thời kỳ lịch sử đó, hay ở cách thức và chủ thể dẫn đường.
Từ những cơ sở thực tiễn và lý lẽ trên cho thấy, luận điệu quy Hồ Chí Minh có tội với lịch sử dân tộc khi đã tiếp nhận và phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là hoàn toàn phi lý, không đúng với hiện thực lịch sử.
Thứ hai, Hồ Chí Minh lựa chọn con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin của dân tộc còn dựa trên căn cứ khoa học.
Mặc dù như Hồ Chí Minh nói, khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra “tôi chưa hiểu ý nghĩa của cuộc Cách mạng Nga. Trình độ tiếng Pháp của tôi còn kém và nhận thức chính trị của tôi còn bị hạn chế”(5), “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó... chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết”(6). Song, “từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế” như tham gia nhiều cuộc sinh hoạt chính trị trong Đảng Xã hội Pháp, nghiên cứu tác phẩm của C.Mác, nhất là bộ “Tư bản”(7), “thích đọc các tác phẩm của V.I.Lênin về các vấn đề thuộc địa”(8), thậm chí ngày 11-02-1920, Hồ Chí Minh đã trình bày đề tài “Chủ nghĩa Bônsêvích ở châu Á” tại Hội nghị những người Thanh niên Cộng sản Pháp quận II, Paris(9), đặc biệt khi “đọc đi đọc lại nhiều lần” và “hiểu được phần chính”(10) Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, tư tưởng “lập trường” của Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến căn bản về chất, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản.
Năm tháng sau, khi phải “xác định rõ thái độ của mình” tại Đại hội Tua (12-1920) (lúc này, Người “đã nắm vững tiếng Pháp và đã có thể tiến hành tự học chính trị một cách sâu sắc và có thể hiểu rõ các vấn đề quốc tế”(11)), Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, trở thành người cộng sản, khẳng định sự lựa chọn và tin theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Như thế, không phải như luận điệu xuyên tạc cho rằng, Hồ Chí Minh lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là vội vàng, “không bắt nguồn từ những suy tưởng nghiêm chỉnh của trí tuệ” (Lữ Phương). Quả nhiên, điều này với nhiều người là không đơn giản, bởi vào thời điểm này, các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây đang là mẫu mực định hướng cho sự phát triển của nhân loại, Cách mạng Tháng mười Nga nổ ra vang dội nhưng bị thực dân bưng bít, xuyên tạc... Song với Hồ Chí Minh thì khác. Người có thời gian dài với gần 20 năm khảo nghiệm, tìm kiếm các con đường giải phóng dân tộc ở trong và ngoài nước; bằng con đường “vô sản hóa” đã đi khắp thế giới thực dân và thuộc địa hình thành nên tư tưởng và con người “quốc tế vô sản”. Người đã hòa mình, thâm nhập vào giai cấp vô sản, hiểu được khả năng, sức mạnh của họ khi được giác ngộ, tổ chức; qua nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, cùng với phẩm chất thông minh, nhạy bén chính trị và bằng khát khao giải phóng dân tộc và giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột một cách thực chất... Tất cả điều này, từ lý luận đến thực tiễn, tất yếu đã đưa Hồ Chí Minh đến sự lựa chọn lý tính, có cơ sở khoa học con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười của dân tộc.
Thứ ba, tính khoa học, đúng đắn của sự lựa chọn con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin của dân tộc đã được thực tiễn kiểm nghiệm.
“Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Goethe). Lịch sử - như đã nói, trước Hồ Chí Minh, các con đường cứu nước dưới ngọn cờ phong kiến, ngọn cờ tư sản, hay ngọn cờ nông dân; dù bằng bạo lực (như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học) hay hòa bình (như Phan Châu Trinh)... đều thất bại. Ngay sự lựa chọn và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam tự nó chưa nói lên sự trường tồn của hệ tư tưởng đó đối với cách mạng nước ta. Vấn đề cốt tử là ở khả năng tỏa sáng, chỉ đường, tính hấp dẫn lôi cuốn của nó với một dân tộc đang vươn lên để giành lại độc lập, tự do.
Hơn thế nữa, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ được khẳng định bằng thắng lợi của giai cấp công nhân trong đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng mà chủ yếu được thể hiện ở kết quả của sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những thắng lợi không ai có thể phủ nhận được: Cách mạng Tháng Tám 1945, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và ngày nay là công cuộc đổi mới đất nước.
Một luận điệu khác nữa đang được các thế lực phản động ra sức bóp méo là gán ghép cho Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam “tội” vận dụng học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin đưa tới cảnh “nồi da nấu thịt” trong suốt 30 năm (1945-1975)! Thực ra, đây là sự nhắm mắt làm ngơ của những kẻ cố tình vu cáo. Bởi hầu hết trong số những người lên tiếng ở chủ đề này đều sinh ra, lớn lên và đã chứng kiến, thậm chí có người từng tham gia một hoặc cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Do đó, họ thừa hiểu rằng, đâu là nguồn gốc và ai là kẻ thủ phạm gây ra các cuộc chiến tranh đó.
Không lẽ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, sau bao lần chèo chống để cố giành, giữ lấy hòa bình bằng giải pháp đàm phán như đã dự các hội nghị: Đà Lạt (1946), Phôngtennơblô (1946), Giơvevơ (1954), Paris (1968-1973) và cũng không ít lần trong hai cuộc chiến tranh đã để ngỏ cơ hội thương lượng hòa bình với những sự nhân nhượng nhất định, nhưng càng nhân nhượng thì kẻ thù càng lấn tới, buộc Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động toàn dân tộc đứng lên kháng chiến để bảo vệ, giành lại nền độc lập, tự do của dân tộc, lại bị cho là “có tội”? Còn những kẻ mang hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, chất độc hóa học, phương tiện chiến tranh tối tân nhất từ một số quốc gia Âu, Mỹ và chư hầu của chúng ở các châu lục khác giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội Việt Nam thì được coi là hiệp sĩ của hòa bình? Điều đó thật phi lý.
Như vậy, nguyên nhân, bài học thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua không gì khác là có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối gắn độc lập dân tộc với CNXH, trên nền tảng lý luận khoa học và cách mạng tiên tiến là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là công lao, sự nghiệp to lớn của Hồ Chí Minh đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, mà không thế lực, luận điệu nào có thể xuyên tạc được.
__________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.296.
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.387, 585.
(4) Giáo sư Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, t.III: Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr.62-63.
(5), (8), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.10, 11, 11.
(6), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.561, 562.
(7), (9) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.1 (1890-1929), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.75-78, 91-92.
TS NGUYỄN VĂN ĐẠO
Trường Đại học Văn Lang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét