Phạm Trung
Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Những đặc trưng cơ bản về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Đảng ta nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn.
Đến nay, mô hình chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam đã được định hình với tám đặc trưng cơ bản. Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng khẳng định: “Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục
đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã
hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh
tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến
bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc
trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng
phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các
nước trên thế giới”[1].
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
là một xã hội phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ
không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới
các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải một xã hội có sự cạnh tranh bất
công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và
các phe nhóm. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một xã hội hướng tới sự phát triển
bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các
thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải một xã hội khai thác, chiếm đoạt
tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam là một xã hội có hệ thống chính trị với quyền lực thực sự thuộc về
nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải hệ thống
chính trị chỉ cho một thiểu số giàu có.
Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa
xã hội là xây dựng một kiểu xã hội mới về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội, là một quá trình lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Đây là cả
một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác,
liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Đặc trưng bản chất chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân trong tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng thời, đây là những
luận cứ khoa học để bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch muốn xuyên tạc, chống
phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
[1]Nguyễn Phú Trọng (2021), “Một số vấn
đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam”, Báo Quân đội nhân dân online,
ngày 16/5/2021, 20:38.
bài rất hay
Trả lờiXóa