Văn hóa
Vừa qua, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, một số người đã đứng ra thành lập và tuyên truyền các hình thức của tà đạo như: “Long Hoa Di Lặc”, “Chân không”, “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Hà Mòn”, “Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”… Những việc làm này của các tà đạo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đáng chú ý, hoạt động của tà đạo “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn diệu âm”, “Dương Văn Mình”, “tà đạo Hà Mòn”, tà đạo “Hoàng Thiên Long”… tuyên truyền mê tín dị đoan; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; khống chế, lừa gạt người dân để trục lợi; gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giữa các tôn giáo, gia đình ly tán. Vấn đề này ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội; một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống chính quyền nhân dân (“tà đạo Hà Mòn”)… Mặt khác, hoạt động của các tà đạo gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, đến tháng 11/2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân; luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo;... thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc...”. Điều 24 của Hiến pháp Việt Nam 2013 xác định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đồng thời, “nghiêm cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Theo đó, mọi người dân Việt Nam đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo; mặt khác hoạt động tôn giáo phải trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để có những hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội. Mọi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những hoạt động của các tà đạo, tích cực tham gia xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét