Phạm Trung
Giai đoạn hiện nay của thời đại được tính từ thời
điểm năm 1991 đến nay. Đây là giai đoạn chủ nghĩa xã hội khắc phục khó khăn
khủng hoảng, từng bước phục hồi và phát triển. Những biến cố bất ngờ từ sự sụp đổ
của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đến sự thoái trào của
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế làm xuất
hiện nhiều quan điểm, tư tưởng cho rằng những cống hiến vĩ đại của C.Mác không
còn giá trị gì nữa, triết học Mác, chủ nghĩa Mác đã chết, v.v.. Song, thực
tiễn lịch sử đã cho thấy, với bản chất cách mạng và khoa học, những cống hiến vĩ đại của C.Mác vẫn còn nguyên
giá trị trong thế kỷ XXI.
Kỷ
niệm 201 năm ngày sinh của C.Mác (05/5/1818 - 05/5/2019)
Sinh thời C.Mác đã có rất nhiều cống hiến vĩ đại
cho nhân loại về triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Trong đó, không thể không kể đến quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết giá
trị thặng dư của C.Mác.
Không thỏa mãn với phương pháp tiếp cận và cách
giải thích duy tâm, siêu hình trong lịch sử triết học về lịch sử xã hội loài
người, C.Mác đã phát hiện ra nguồn gốc, động lực thúc đẩy sự vận động, phát
triển của lịch sử. Nguồn gốc, động lực sự vận động, phát triển của lịch sử xã
hội loài người không phải là sức mạnh siêu tự nhiên hay tư tưởng, ý chí của con
người mà suy cho cùng đó là sản xuất vật chất, lợi ích vật chất của con người.
Quần chúng nhân dân mới là những người sáng tạo chân chính ra lịch sử. C.Mác đã
luận giải một cách khoa học rằng, không chỉ sự phát triển của các hình thái
kinh tế - xã hội mà sự thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội
cũng là một quá trình lịch sử tự nhiên. Đây là quy luật tất yếu của lịch sử.
Vậy tại sao đến nay, hệ thống
chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã bị sụp đổ, chủ nghĩa tư bản không
những chưa bị diệt vong mà còn chiếm thế áp đảo? Đó là do nhiều nhà lãnh đạo,
nhiều nhà nghiên cứu sau C.Mác đã quá say sưa với thắng lợi của chủ nghĩa xã
hội, muốn thúc đẩy nhanh sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản mà không thấy được
điều kiện để cho sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ
nghĩa tư bản chưa chín muồi, đúng như C.Mác đã chỉ ra: “không một hình
thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình
thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những
quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những
điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản
thân xã hội cũ.”[1].
Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã vén bức
màn bí mật về hiện tượng các nhà tư bản ngày càng giàu có còn người lao động
ngày càng bị bần cùng hóa. Ngày nay, những thành tựu của khoa học và công nghệ,
đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dễ làm cho người ta nhầm
tưởng rằng chủ nghĩa tư bản không còn bóc lột người lao động mà chỉ bóc lột giá
trị thặng dư từ máy móc hiện đại. Người lao động không cần phải đấu tranh cho
chủ nghĩa xã hội, chỉ cần phát triển khoa học và công nghệ thì xã hội sẽ phát
triển, cuộc sống sẽ được nâng lên. Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác không
còn ý nghĩa gì nữa.
Nhưng chúng ta phải nhận thức
được rằng, dù máy móc có hiện đại đến đâu chăng nữa, cũng là do người lao động
sáng tạo ra, và không thể thiếu sức lao động của con người. Đúng như C.Mác đã dự
báo: “Những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của
con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói
và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, từ xưa tới
nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó lại đang biến thành
nguồn gốc của sự nghèo khổ”[2].
Do vậy, hiện nay, một nghịch lý ngày càng dễ nhận thấy rằng: Khoa học, công
nghệ càng phát triển, con người sản xuất ra ngày càng nhiều của cải vật chất thì
khoảng cách, tốc độ phân hóa giàu nghèo ngày càng rộng và nhanh hơn. Điều đó
chứng minh, bản chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi, học thuyết giá trị
thặng dư của C.Mác vẫn giữ nguyên giá trị.
Như vậy, chỉ từ hai cống hiến vĩ đại của C.Mác là
quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, soi vào giai đoạn
hiện nay của thời đại có thể khẳng định rằng những cống hiến ấy vẫn giữ nguyên
giá trị, triết học Mác, chủ nghĩa Mác vẫn trường tồn. Chỉ có dựa vào chủ nghĩa
Mác mới có thể giải phóng được giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên
toàn thế giới. Nhưng cần phải lưu ý rằng, không được coi hệ thống lý luận ấy
như một giáo điều, phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn
và phải thường xuyên được bổ sung, phát triển.
[1]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQGST, Hà Nội
1994, tr.15-16.
[2]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQGST, Hà Nội
1994, tr.10.
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa