Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Một số thống kê nhỏ

[ Bảng thống kê xuất thân của những người lập triều đại, lập ra thế lực chính trị trong lịch sử nước ta bắt đầu từ thời kỳ độc lập tự chủ ]
(Nguồn Diễn đàn Lịch sử Việt Nam)
- Khúc Thừa Dụ (905-907): người lập ra nền tự chủ của họ Khúc nước ta, tạo cơ sở cho nền độc lập. Xuất thân từ họ Khúc ở Hồng Châu (Hải Dương) là một đại thế gia có uy vọng và tài sản lớn.
- Dương Đình Nghệ (?-937): kế thừa nền tự chủ của họ Khúc, xuất thân là một hào trưởng giàu có tại Thanh Hóa, làm bộ tướng cho họ Khúc, trong nhà luôn nuôi tới gần 3000 môn khách.
- Ngô Quyền (898 - 944): Lập ra nhà Ngô mở đầu thời kỳ độc lập hoàn toàn của nước ta. Ngô Quyền xuất thân từ nhà họ Ngô là một gia tộc hào phú có thế lực lớn nhiều đời là quý tộc , cha Ngô Quyền là Ngô Mân lại là châu mục ở châu Đường Lâm (Thuộc Hoan Châu - Thánh Hóa).
- Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979) : Không giống như trong các truyền thuyết dân gian, Đinh Bộ Lĩnh không hề phải là anh mục đông nghèo đi chăn trâu mà thực tế là con của thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ cha mất sớm nên ông về quê ỏ với mẹ nhưng nhà họ Đinh cũng không phải là gia tộc nghèo, sau này lớn lên ông đã được tập ấm chức vị thứ sử của cha mình lấy đó làm cơ sở đó dần gây dựng thế lực.
- Lê Đại Hành (941 – 1005): Dù không có nhiều tư liệu về thời thơ ấu của Lê Hoàn nhưng những gì còn sót lại cho ta biết ông mồ côi từ nhỏ nhưng được quan thứ sử Ái Châu là Lê Đột nhận nuôi lấy họ Lê theo họ cha nuôi.
- Lý Thái Tổ ( 974 - 1028): 3 tuổi được đưa vào chùa cho quốc sư Lý Khánh Văn rồi sau này là quốc sư Vạn Hạnh nuôi, xin nhắc mọi người một điều thời Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, các sư tăng không phải chỉ đơn thuần là người tu hành mà họ tạo ra cả một giai tầng chính trị có đặc quyền đặc lợi, thậm chí cả thế lực chính trị giống tầng lớp tăng lữ Thiên chúa giáo đương thời ở Châu Âu và Lý Công Uẩn được nuôi bởi Quốc Sư tức là người đứng đầu tầng lớp tăng lữ đó
- Nhà Họ Trần: Trước khi tham gia vào chính trị, lập nên triều Trần nhà họ Trần vốn dĩ đã là một dòng họ cực kỳ giàu có ở Hải Ấp (Nam Định), làm giàu bằng nghề chài lưới và buôn đường sông. Họ đủ giàu để xây dựng quân đội cứu nguy cho Lý Cao Tông và sau đó là tranh đoạt với các tế lực khác.
- Hồ Quý Ly (1336 – 1407) tiểu sử của ông được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:
Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947-950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ...
Tức là nhà họ Hồ cũng là phú gia địch quốc.
- Lê Thái Tổ (1385 - 1433): Xuất thân cũng là hào trưởng vùng Lam Sơn, nhiều đời quý hiển, nhà có lúc nuôi tới hơn 1000 tôi tớ, khi khởi nghĩa ông ấy đủ giàu để nuôi được 1 đội voi chiến và đội dũng sĩ Thiết Đột.
- Nguyễn Hoàng (1525 - 1613): Ông đã mở ra sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ông là con trai của Chiêu Huân Tĩnh Vương Nguyễn Kim và dòng họ Nguyễn này lại là hậu duệ của Định Quốc Công Nguyễn Bặc thời Đinh, khỏi nói cũng biết độ qúy hiển sang giàu đến đâu.
- Nguyễn Nhạc (? - 1793): Khác với cái danh xưng áo vải thì nhà họ Hồ (Họ tổ của 3 anh em Tây Sơn) là thương gia nhiều thế hệ làm nghề buôn bán, bản thân tới tận đời Nguyễn Nhạc vẫn nối nghiệp tổ tiên làm nghề buôn trầu, muối và các sản vật từ vùng núi Quy Nhơn xuống miền đồng bằng rồi đem các sản vật dưới xuôi lên bán ở mạn ngược. Gia tộc này cực kỳ giàu và 0 dính một chút nào tới chất nông dân cả, đúng ra phải nói họ là địa chủ.
- Nguyễn Thế Tổ Gia Long (1762 - 1820): Khỏi phải nói nhiều ta đều biết Nguyễn Ánh là hậu duệ của các chúa Nguyễn, con thứ 3 của vương tử Nguyễn Phúc Luân.
Cái danh sách dài dằng dặc mình vừa nêu về người lập triều đại và lập thế lực trong lịch sử Việt Nam thì đã thể hiện ngay một chân lý đơn giản "Chính trị không phải là cuộc chơi của kẻ nghèo hèn"
Tất cả các nhân vật trên nếu không là người giàu thì cũng xuất thân từ gia tộc có tiền của, nếu không có sẵn chức vị quyền lực thì cũng xuất thân từ các thế gia có danh tiếng, uy tín, là con dòng cháu giống, trâm anh thế phiệt, họ có thể dựa vào tiền vào danh tiếng, uy tín, ảnh hưởng chính trị, xã hội...để xây dựng thế lực.
Trong lịch sử nước ta chỉ có đúng 2 trường hợp duy nhất là ngoại lệ
1) Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm ( 1503 – 1570): người mở đầu cho cơ nghiệp "Phi đế phi bá, quyền nghiêng thiên hạ" hơn 200 năm của các chúa Trịnh. Ông xuất thân bân nông, mồ côi cha rồi tới mẹ sau đó đi đầu quân phù Lê diệt mạc dưới trướng An Thành Hầu Nguyễn Kim, thành con rể Nguyễn Kim (cũng tức là anh rể Nguyễn Hoàng) rồi từ từ gây dựng thế lực.
2) Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung: Ông xuất thân tại làng Cổ Trai (Hải Phòng), mặc dù cũng đã có các nghiên cứu xác định ông là hậu duệ của trạng Nguyễn Mạc Đĩnh Chi thời Trần tuy nhiên đến đời ông thì đã cách mấy trăm năm nên gia cảnh không có gì giàu có cả, cũng không có bất cứ tài liệu nào nói đến sự quý hiển hay giàu có của gia đình ông. Thời niên thiếu ông làm nghề đánh cá, sau đó đi lính vào quân túc vệ, thời gian đầu làm chức lính cầm lọng đi theo che cho vua.
Thực sự thì ngay con đường xuất thân của Mạc Đăng Dung đã cho ta thấy là ông không giàu có cao sang gì; nghèo khó -> ít học -> đi đánh cá kiếm sống -> có chút sức khỏe -> đi lính. Xuất thân không tiền bạc, không có thế lực, học hành không được nhiều ấy thế mà cuối cùng Mạc Đăng Dung lập được cả một triều đại.
Những người có thế lực, có tiền, là dòng dõi danh gia mà để lập được sự nghiệp cũng đã rất vất vả khó khăn, có lúc thập tử nhất sinh. Trong khi như Mạc Đăng Dung hay Trịnh Kiểm vốn xuất thân không có cái gì đáng kể cả, thì lập nghiệp còn khó khăn gấp 10, ấy thế mà họ vẫn thành công đủ thấy họ là người có thực tài và ý chí rất lớn, rất đáng nể phục.
(Tranh vẽ Mạc Đăng Dung - tác giả Ấm Chè)
Nguồn: Tôn Gia - Sĩ Tộc
Bài gốc: https://www.facebook.com/tongiasitoc/posts/2270643586366053

2 nhận xét: