Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

CÁI SAI TRÁI, SỰ ÍCH KỶ NẢY MẦM TỪ NHỮNG KẺ BÊNH VỰC VÀ CỔ VŨ NÓ.


Khi CĐM thi nhau chia sẻ một video đám sinh viên HongKong tạt xăng tính thiêu sống một người dân phản đối biểu tình, người xem mà choáng váng. Chưa rõ đầu đuôi ra sao, thực hư thế nào, số phận người bị biến thành ngọn đuốc sống kia như nào, nhưng đọc nhiều cmt của cư dân mạng Việt Nam mà sững sờ về sự cay nghiệt của từ ngữ.
Họ, những "kền kền mang vỏ bọc tri thức" thể hiện thái độ ghét Cộng sản Trung Quốc bằng cách ủng hộ sinh viên Hong Kong, và cho rằng: Đáng kiếp cho việc bênh vực Tàu khựa.
Câu chuyện "ở tận HongKong" thì có vẻ hơi xa, nhưng nó phản ánh bộ mặt nhẫn tâm và "ác" của những "nhà tự do dân chủ Việt Nam". Ở đâu có xung đột giữa "người dân" và "chính quyền" đều có dấu răng của chúng. Lẽ dĩ nhiên, chúng bênh vực "phe yếu thế" là người dân, bất chấp đúng sai. Tôi đồ rằng chẳng may một khi Đế quốc giật dây, Việt Nam xảy ra "cách mạng màu", đám người này sẽ là những kẻ chống phá đầu tiên.
Cũng một vụ cháy, cuối năm 2016, một trận hỏa hoạn ở Karaoke trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 12 người. Một câu chuyện đau lòng, nhưng khi biết thông tin 12 nạn nhân là học viên lớp cao cấp chính trị - có một đám người lại quay sang hả hê trên nỗi đau với triết lý: Chết là đáng.
Hay như vụ một tay cảnh sát có chút men, có hành vi khiếm nhã, hành hung phục vụ ở một trạm dừng chân, ba đời anh ta bị lôi ra tế sống, lý lịch toàn gia bị người ta đào bới đến chân tơ, và trút xuống bao nhiêu lời cay nghiệt cả với thân nhân anh ta, những người chả liên quan. Chao ôi, tôi thấy buồn cười. Có lẽ chuyện nó sẽ rất khác nếu anh ta không phải công an, tôi nghĩ thế!
Cách đây mấy tháng, ở Hải Phòng xảy ra một vụ TNGT khi có một trẻ trâu phóng xe với tốc độ bàn thờ đâm trực diện vào anh CSGT khi anh vẫy tay ra tín hiệu dừng xe. Thế mà có rất nhiều "kền kền khoác vỏ bọc tri thức" ở Tinh Tế, Oto+ ... vẫn bênh vực đứa trẻ trâu hỗn hào, họ còn xúc phạm anh CSGT là "ngulon" vì "quen thói hoạnh họe" - tôi thấy ngán ngẩm cho cái văn hóa Mạng xã hội đang quá xuống cấp.
Buồn cười nhất ở chỗ, một bộ phận cư dân mạng có tính rất lạ - thậm chí là ngu xuẩn khi đi bênh vực cho những kẻ phạm pháp như một cách thể hiện sự bất mãn với chính quyền. Họ mặc định bênh vực người nghèo một khi xung đột với người giầu, bất chấp đúng sai. (Đáng buồn, thường thường sự hung tàn và sai trái nảy sinh từ trong cái nghèo và sự ngu dốt.)
Cách đây mấy năm, một anh Thượng sĩ công an ra tay trấn áp một gã côn đồ bán hàng rong, xung đột xảy ra, cả làng cả xã hô hào: Cảnh sát đánh dân. Người ta thậm chí còn chung tay lên án công an, góp tiền ủng hộ sự sai quấy - chỉ bởi gã hung đồ là dân nghèo và phía bên kia là cảnh sát.
Nhưng kẻ tàn ác ấy tự khoác lên mình chiếc áo ủng hộ lẽ phải và công lý, sự hả hê được coi là tất yếu mỗi khi người giầu hay quan chức lâm vào thảm cảnh. Hay bởi chăng sự ghen ghét đã nảy mầm bén rễ từ sâu trong những con người ấy?
Và một thế hệ những người lớn nhẫn tâm như thế này, lạ kỳ như thế này sẽ tiếp tay và làm sản sinh ra một lứa trẻ hung dữ và ích kỷ.
Mạnh Tử thì cho rằng "Nhân chi sơ tính bản thiện", Tuân Tử lại cho rằng "nhân chi sơ tính bản ác". Tôi thiết nghĩ, trẻ sơ sinh thì đâu biết gì mà thiện với ác. Như Hồ Chủ Tịch đã từng nói trong bài thơ Nửa đêm - Nhật ký trong tù, rằng: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên".
Vậy đấy các bạn ạ. Con người, do ảnh hưởng phần nhiều của giáo dục và môi trường sống ... mà hình thành tình cách riêng, phân ra thiện, ác, hiền, dữ khác nhau. Vậy nên, trẻ ngoan hư ... đều do người lớn mà ra.
Đáng buồn thời buổi bùng nổ CNTT, internet phát triển khiến thông tin bẩn tràn lan, là một khi văn hóa ngoại lai xâm nhập, người lớn bận làm kinh tế ít quan tâm đến trẻ nhỏ. Ngày càng có nhiều đứa trẻ hoặc tự kỷ, hoặc hỗn hào ... lỗi này phần lớn ở người lớn đã không sát sao hoặc vô tình dạy hư trẻ.
Để đánh vào thị hiếu, các kênh truyền thông thích sản xuất content dung tục, rẻ tiền. Một thế giới mạng có quá nhiều cái ác, quá nhiều sự cay nghiệt và rất ít yêu thương. Cũng chính vì những kênh truyền thông bẩn như thế này, nhiều đứa trẻ sẽ lầm tưởng những hành động trẻ trâu ngổ ngáo của mình là cool ngầu, nhiều em gái teen cũng sẽ cho rằng đó mới là khí khái nam nhi.
Ngày hôm trước, phiên tòa xét xử Khá Bảnh đã diễn ra, đáng chú ý khi Bảnh được đông đảo các bạn trẻ học sinh Bắc Ninh xúm xít tung hô, các anh em giang hồ tới đưa tiễn. Đấy không giống hình ảnh một bị cáo sắp bước lên vành móng ngựa, nó giống người ta chào đón một ngôi sao đang bước lên thảm đỏ. Đáng chú ý nhất, khi bản án được tuyên, người ta lại bênh Bảnh và tiếp tục chửi chính quyền.
Giới trẻ bây giờ, thần tượng của chính là những Huấn Hoa Hồng, Thắng Cá Chép, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền ... những gã giang hồ vướng vòng lao lý, và đều vi phạm pháp luật. Chúng dễ dàng học theo thần tượng, đánh đập hành hung người các cô cậu bé khác vì cái gọi là "ở trên đời không có đúng sai, chân lý thuộc về kẻ mạnh", hay không chùn tay khi chém người khác vì bạn, được tung hô là "nghĩa khí giang hồ".
Lướt facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp những vụ trẻ con hỗn hào, hung dữ. Nào là nhóm học sinh ở Hưng Yên lột đồ làm nhục bạn cùng lớp. Nào là thông tin 5 nữ sinh quây đánh bạn, bắt quỳ, hành hung bạn thậm tệ ở Diễn Châu, Nghệ An. Nào là nam học sinh đâm giáo viên chủ nhiệm lòi ruột vì bị thầy chửi mắng. Hay có những nhóm trẻ trâu mang dao chặn cướp xe trên quốc lộ, mang mã tấu chém người khác vì bị quy nhìn đểu... Vân vân và mây mây, đó là những tín hiệu đỏ cảnh cáo về sự xuống cấp về mặt đạo đức của thế hệ trẻ Việt Nam.
Nhiều người trong chúng ta thường có suy nghĩ rằng những đứa trẻ hỗn hào, ngổ ngáo đều thuộc gia đình bất ổn, kinh tế khó khăn hay thành phần xã hội. Nhưng không hẳn thế. Ngày càng nhiều đứa trẻ hư, ích kỷ và ác độc là con của những gia đình tri thức, có kinh tế ổn định.
Nguyên nhân vì sao các bạn biết không? Trẻ nhỏ bị người lớn làm hư và được internet tiếp tay đấy. Trong thời đại mạng internet kết nối thông tin tràn lan, cái ác, tính bạo lực, sự ngông cuồng lan truyền nhanh hơn những bài học có giá trị.
Trẻ nhỏ, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, tư duy rất dễ nhạy cảm trước cả cái đẹp, cái tốt và cái xấu, cái ác. Vậy nên sự quan tâm bảo ban, răn dạy của người lớn để điều chỉnh hành vi, nhân cách của trẻ là rất cần thiết. Ấy vậy mà...
Trẻ con ở trường vừa học luật ATGT, hôm sau được bố mẹ chở đi học, để kịp giờ làm phụ huynh vượt luôn đèn đỏ, đi lấn lòng lề đường. Đôi lúc bị CSGT bắt phạt, năn nỉ xin xỏ không được vội dúi tiền để qua và sau đó chửi "chó vàng". Trẻ con nó học hư nhanh lắm đấy.
Chúng ta bận việc hay mệt mỏi, để "đỡ bị trẻ làm phiền" bạn quăng ngay cho trẻ cái điện thoại, cái ipad ... để mặc trẻ thích làm gì thì làm mà không biết, thông tin độc - văn hóa đen tràn lan internet. Như anh bạn tôi từng nói: Bố mẹ thời trẻ giao con cho giúp việc, vậy thì về già chớ trách con cái nó thuê ô-sin hầu ông bà. Nhân quả cả thôi.
Con bạn đi học quấy phá, mắc lỗi ... bị thầy giáo phạt úp mặt vào tường, bị gõ thước sưng tay. Không tìm hiểu rõ đầu đuôi bạn làm ầm lên tố giáo viên bạo hành nọ kia, viết đơn gửi Phòng gửi Sở kiện cáo. Thông tin được lều báo thêm mắm dặm muối, cư dân mạng lao vào chửi thầy chửi cô, chửi cả Bộ GD, chửi nốt chính quyền. Dần dà trẻ nó hình thành tư duy: Ta cứ quậy phá hung hăng, có gì đã có bố mẹ lo, xã hội ủng hộ.
Hoặc như nhiều thầy cô giáo, mang áp lực cuộc sống hoặc áp lực công việc trút hết sự hằn học vào học sinh. Thầy không ra thầy tất trò sẽ chẳng ra trò.
Khi giả dối, ác độc, tranh đấu lên ngôi, chủ nghĩa vật chất được đẩy lên làm xu hướng chủ đạo, dẫn dắt con người rời xa các giá trị tinh thần mang tính dưỡng dục hành vi. Lợi ích, bao gồm cả nghĩa thỏa mãn về tinh thần, trở thành thước đo để xác lập hành vi.
Đáng buồn và cũng đáng báo động lắm!
-------------------
(C) Le Viet - VPC Group

3 nhận xét:

  1. Con người, do ảnh hưởng phần nhiều của nền giáo dục và môi trường sống mà hình thành tính cách riêng, phân ra thiện, ác, hiền, dữ khác nhau. Thế nên, trẻ ngoan hay hư đều do người lớn mà ra.

    Trả lờiXóa
  2. Khi giả dối, ác độc lên ngôi, chủ nghĩa vật chất được đẩy lên làm xu hướng chủ đạo, dẫn dắt con người rời xa các giá trị tinh thần mang tính dưỡng dục hành vi con người.

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay có rất nhiều người thường hùa theo số đông, hùa theo thần tượng, thậm chí còn ủng hộ cho các việc làm xấu, không phân biệt đúng sai, thật giả; những việc làm đó đã cổ vũ cho cái sai, cái ác tiếp tục nhân rộng, lây lan ra ngoài xã hội; điều này hết sức nguy hiểm cho gia đình và cho cả xã hội.

    Trả lờiXóa