Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Biết đủ, biết dừng


Lần giở cổ thư, sách cách nay chừng hơn 2.400 năm, tôi đọc: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đài, khả dĩ trường cửu”. Nghĩa là: Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy, may có thể sống lâu được.
Tới đây, tôi lại nhớ tới lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp gỡ và nói chuyện với 392 đảng viên trẻ của cả nước, ngày 27-8-2019 mới qua. Đại ý rằng, có những người không thiếu thốn gì đâu, nhưng tại sao lại tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút”. Nói nhỏ là chấm mút, còn nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên, làm dân khinh, dân coi thường. Vừa qua, có những người đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương rồi mà vẫn bị kỷ luật, đi tù. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói tiếp: Không phải vào Trung ương để cho oai, để kiếm chác cái gì, mà vào Trung ương là để hy sinh, để cống hiến, phấn đấu, để trưởng thành hơn nữa.
Xét cho cùng ra, thì đấy chính là tri túc, tri chỉ đấy!
Vận chiếu thời nay, thì ra, dù đã cách hơn 2.400 năm có lẻ, mà điều cổ nhân chiêm nghiệm, chửa thấy mấy khi sai bao giờ! Cái bất biến vẫn phàm là như thế! Một đời sống tri túc đúng nghĩa là một đời sống an lạc, thanh cao vì không còn bị khổ đau do sự chi phối của dục vọng. Muốn thoát khỏi khổ đau, thì điều kiện tiên quyết là phải vượt thoát khỏi mọi dục vọng. Người biết sống tri túc, tuy nằm trên đất cũng an lạc, người không biết sống tri túc, tuy ở trên các cõi trời nhưng lòng cũng không an nhiên, tự tại.
Thế nên, thói đời, thói người bất tri túc, bất tri chỉ vẫn sờ sờ hiện hữu!
Người không tri túc thì luôn luôn chạy theo dục vọng, tìm đủ cách để làm thỏa mãn nó. Mà dục vọng thì không bờ, không bến. Hai trăm nghìn hay ba triệu đô-la Mỹ vốn không phải của mình mà đấy là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, khi mấy vị từ Ủy viên Trung ương tới Chủ tịch, Tổng Giám đốc thủ mưu vụ AVG đã cả gan xuống tay chiếm đoạt! Thế nhưng, dù chiếm được nó một cách khuất tất, đầy ám muội rồi, liệu họ có cảm thấy rằng, hẵng còn thiếu, cần phải tìm mọi cách để chiếm đoạt thêm? Ai dám chắc là không? Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục trả lời! Nếu không, thì sao mười mấy người ấy đã phơi mặt (và nhiều người đang lẩn khuất, chờ khắc “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”), cố cam tâm tự treo gươm vào cổ mình đã đành, lại rắp mưu ám tâm phù phép, nâng khống hơn 7.000 tỉ đồng, mưu đồ ăn cắp từ ngân khố quốc gia - nơi muôn dân nuôi bằng thuế.
Người biết dừng thì tự biết quyền của mình bị giới hạn bởi quyền của người khác, quyền của công dân bị giới hạn bởi quyền của quốc gia. Sao không ít người lại cố tình chà đạp lên điều ấy, và tự chà đạp chính mình. Tùy tiện sửa chữa quy hoạch tổng thể đã được cấp trên phê chuẩn, rồi cố tình làm bừa, khiến người dân Thủ Thiêm bất bình suốt hai mươi năm qua. Dục vọng mù quáng đã dẫn dắt con người vào chốn quáng mù rồi! Và, điều chắc chắn rằng, nhiều người bị giam trong tù ngục, khi ngộ ra, thì thân tù tội lại thêm lần nữa đã tự mình cầm tù và chết thêm bởi việc làm tôi tớ cho các dục vọng tham nhũng quyền lực để mưu chiếm kim tiền quốc khố, vì “vinh thân phì gia” một cách đáng hổ thẹn, vì lợi ích phường hội nhơ nhuốc một cách đáng phải lên án và tẩy trừ.
Danh dự và của cải, cái nào cần? Tên tuổi và thân sống, cái nào quý? Sự được và điều mất, cái nào hơn? Cái dại và cái khôn, cái nào còn?
Mầm mống, cội nguồn của mọi nỗi khổ đau đời người, mọi băng hoại trong cuộc sống đều bắt nguồn từ những tham muốn vô chừng, dục vọng vô cương. Tai họa, không cái nào lớn bằng khi không biết đủ. Lỗi lầm, không cái nào lớn bằng lúc muốn chiếm cho kỳ được mọi thứ!
Đảng cương bất nệ, Quốc pháp vô thân!

3 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều người không thiếu thốn gì, nhưng vẫn tham lam, chưa làm gì đã nghĩ đến “chấm mút”. Nói nhỏ là chấm mút, còn đúng ra là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên, làm cho dân khinh, dân coi thường.

    Trả lờiXóa
  2. Dục vọng mù quáng đã dẫn dắt con người vào chốn quáng mù rồi; khi bị giam trong tù ngục, mới ngộ nhận ra thì đã quá muộn màng.

    Trả lờiXóa
  3. Cội nguồn của mọi nỗi khổ đau đời người, mọi băng hoại trong cuộc sống đều bắt nguồn từ những tham muốn vô chừng, dục vọng vô cương, không biết như thế nào là đủ.

    Trả lờiXóa