Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

MỘT ĐẢNG DUY NHẤT CẦM QUYỀN VỚI VIỆC PHÁT HUY DÂN CHỦ




Tác giả: Vĩnh Chân
Đã từ lâu, các thế lực thù địch luôn đẩy mạnh việc chống phá cách mạng nước Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn cực kỳ nham hiểm, một trong những thủ đoạn họ đã tiến hành là “đòi hỏi” Việt Nam nên và cần phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, bởi thực hiện như vậy mới đảm bảo dân chủ.
Thực tiễn cho thấy, khi Đảng trở thành đảng duy nhất cầm quyền, rất thuận lợi cho quá trình dân chủ hóa trong xã hội, tạo được sự ổn định chính trị, thống nhất quyền lực. Đảng Cộng sản là tổ chức duy nhất đứng ra tập hợp ý kiến của toàn Đảng, toàn dân để quyết định mục tiêu, phương hướng xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, không phải điều hòa, nhân nhượng, đấu tranh với các tổ chức đối lập. Đây là điều quý báu tạo ra sự tác động thuận bảo đảm quá trình dân chủ hóa xã hội diễn ra. Tuy nhiên, chế độ một đảng duy nhất cầm quyền cũng tiềm ẩn nguy cơ làm xơ cứng và mất dân chủ trong xã hội. Nó dễ dẫn Đảng đến sự chủ quan, duy ý chí, quan liêu trong hoạch định chủ trương, đường lối; sự lãnh đạo theo lối mệnh lệnh và quan liêu; dễ dẫn đội ngũ cán bộ, đảng viên sa vào tiêu cực, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, cửa quyền…, tất cả các nguy cơ trên đều tác động cản trở, kìm hãm quá trình dân chủ hóa xã hội.
Vậy làm sao để một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền mà không trở thành chuyên quyền, đảng trị, dân vẫn là chủ, còn Đảng thì vừa là người lãnh đạo, lại vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân? Làm sao để một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền mà không sa vào tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng có hại cho dân chủ? Đây là vấn đề, cũng là khó khăn lớn đặt ra đối với vai trò lãnh đạo của mọi Đảng Cộng sản cầm quyền nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.
Để giải quyết những vấn đề đó nhằm phát huy và thực hành dân chủ, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng phải thật sự trở thành tấm gương về dân chủ trong xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Mức độ thực hiện quyền dân chủ của nhân dân được xem là thước đo đánh giá tính đúng đắn trong sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo để nhân dân làm chủ ngày càng tốt hơn, dân chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn.
Muốn thực hiện được điều đó, một mặt, Đảng phải xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, con đường đi lên của đất nước, sự hưng thịnh của dân tộc; Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là nhà nước, tổ chức thực hiện bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã vạch ra; lãnh đạo việc thể chế hóa, pháp luật hóa các nghị quyết của Đảng; thiết kế bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, quản lý và rèn luyện cán bộ phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách.
Mặt khác, để có đủ khả năng, điều kiện lãnh đạo đúng đắn và có hiệu  quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống cách mạng tốt đẹp, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong gương mẫu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm cao trí tuệ, có phương pháp lãnh đạo khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Nhờ vậy, Đảng trở thành biểu tượng về dân chủ - nhân tố có ý nghĩa quyết định tới dân chủ hóa hệ thống chính trị và dân chủ hóa trong đời sống xã hội, thể hiện sự ưu việt nhất về dân chủ trong hiện thực./.


1 nhận xét: