Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

“CÁCH XEM XÉT VIỆC ĐỜI VÀ CÁCH TU DƯỠNG CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG”[1]



Phạm Trung
Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng là tài liệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh biên soạn trên cơ sở nghiên cứu những quan điểm của các nhà cách mạng như C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Xtalin, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, v.v.. Người viết tác phẩm này vào cuối năm 1949. Nội dung cơ bản của tác phẩm đề cập đến hai vấn đề: Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng.
1. Người cách mạng phải xem xét việc đời trên quan điểm biện chứng
Theo Hồ Chí Minh, việc đời là việc cách mạng, là việc giải phóng dân tộc, giải phóng loài người, giải phóng giai cấp cần lao. Người cách mạng vừa phải phấn đấu cho        sự nghiệp cách mạng, vừa phải có cách xem xét “việc đời của chủ nghĩa cách mạng” một cách đúng đắn.
Cách xem xét việc đời của chủ nghĩa cách mạng đúng đắn là phép biện chứng duy vật. Trên cơ sở phê phán cách xem xét của chủ nghĩa duy tâm “Trong bầu trời cái gì cũng lặng lẽ, không thay đổi, cũng đình đốn, không biến hoá.”, Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển trong xem xét việc đời. Người chỉ rõ “khi xem xét các hiện tượng, xem các lực lượng, chẳng những phải xét chỗ nó dính líu với nhau và hạn chế lẫn nhau, mà còn phải xét chỗ nó vận động, biến hoá, phát triển, chỗ nó sinh và chỗ nó chết.”[2].
Hồ Chí Minh cho rằng, trong phép biện chứng duy vật, quan trọng nhất là quan điểm phát triển, “Theo biện chứng pháp, quan trọng nhất là, cái gì đang sinh nở và phát triển, dù hiện nay hình như nó chưa được vững chắc; chứ không phải cái gì hiện nay nó hình như vững chắc, nhưng đã bắt đầu suy dần, chết dần. Vì cái gì đang sinh nở và phát triển, mới là cái mạnh mẽ hơn.”[3]. Theo đó, xã hội không có cái gì là “bất di, bất dịch”, chế độ tư hữu và bóc lột không phải là quan niệm “muôn đời không đổi”.
Người cách mạng phải xem xét việc đời trên quan điểm biện chứng. Phải xem tới trước, không ngoảnh lại sau, cái gì thoái bộ thì nhất định chết, cái gì phát triển thì nhất định thắng, “Muốn cho khỏi sai lầm trong chính trị, thì phải nhìn tới trước, nhìn về tương lai, chứ không phải nhìn ngoảnh lại sau, nhìn về quá khứ.”[4]. Người cách mạng phải nhận thức rõ rằng: Chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ chết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công. Phấn đấu để cải tạo xã hội, để thực hiện chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Nếu có phương pháp biện chứng duy vật trong xem xét việc đời sẽ giúp người cách mạng có thái độ đúng đắn, niềm tin vững chắc vào tiền đồ của cách mạng, suốt đời kiên quyết phấn đấu, để thực hiện sự nghiệp cách mạng hoàn toàn.
2. Người cách mạng phải không ngừng tu dưỡng về mọi mặt
Người cách mạng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là phấn đấu cải tạo xã hội cũ, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng vinh dự có được trách nhiệm vĩ đại ấy. Trách nhiệm của người cách mạng là đổi thế giới cũ thành một thế giới mới, thế giới xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu thực hiện một xã hội tiến bộ, tốt đẹp, không có người bóc lột, áp bức, không có địa chủ, tư bản, không có chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phátxít, không có người ngu dại, lạc hậu, loài người sẽ giúp đỡ nhau, thương yêu nhau, v.v..
Người cách mạng phải giữ vững đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là phải thật thà, trung thành, hăng hái, coi lợi ích của cách mạng hơn tính mạng của mình, phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho Đảng. Đồng thời, bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, phải giữ đúng nguyên tắc, ra sức đấu tranh chống những tư tưởng và hành vi sai lầm, vi phạm đạo đức cách mạng.
Người cách mạng phải giữ vững lập trường và quan điểm của giai cấp vô sản. Lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản là lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong tu dưỡng và rèn luyện, người cách mạng phải đấu tranh theo đúng đường lối chính trị của Đảng, phải dùng chủ nghĩa Mác - Lênin mà nghiên cứu tình hình, xác định phương châm chính trị, nhiệm vụ chính trị, hình thức đấu tranh giai cấp, v.v..
Người cách mạng phải ra sức đấu tranh cách mạng, nghiên cứu chính trị. Ngoài việc nghiên cứu, giữ vững lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản, người cách mạng còn phải ra sức tham gia sinh hoạt chính trị và đấu tranh chính trị; luôn luôn nghiên cứu sự biến hoá của thời cuộc, vạch rõ sự sai lầm và tính phản động của trào lưu chính trị của mỗi lúc; tuyên truyền chính sách, phương châm và sự yêu cầu của Đảng; động viên quần chúng đấu tranh cho lợi ích kinh tế và chính trị thiết thực của họ. Trong lúc đấu tranh cách mạng, phải luôn luôn thực hiện kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm đường lối chính trị của ta.
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cách mạng phải xem xét mọi việc trên quan điểm biện chứng, muốn cho sự nghiệp cách mạng thành công cần phải tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt suốt đời. Tư tưởng trên có ý nghĩa lịch sử to lớn, trực tiếp chỉ đạo thực tiễn những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những yêu cầu về rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên. Đến nay, tư tưởng trên vẫn giữ nguyên giá trị, có tác dụng chỉ đạo, định hướng hành động cho mọi cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


[1] Hồ Chí Minh (1949), “Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng”, Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.280 - 303.
[2] Sđd, tr.281.
[3] Sđd, tr.281.
[4] Sđd, tr.282.

1 nhận xét: