Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Không thể xuyên tạc giá trị của “Tuyên ngôn độc lập”


Tuyên ngôn Độc lập được Bác Hồ tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945 là tuyên ngôn lập quốc của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng của nhân dân ta về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, vẫn có luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc giá trị của bản Tuyên ngôn này, cần phải đấu tranh phản bác.
Họ xuyên tạc rằng, Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945 là sự “sao chép”, “khuôn theo” những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791(!) Rằng, Tuyên ngôn Độc lập không mang giá trị nhân văn, còn Hồ Chí Minh và những người cộng sản “sính dùng bạo lực”. Cần khẳng định: đó là những luận điệu sai trái, bóp méo sự thật lịch sử của những kẻ vẫn đang tự giam mình trong bóng đêm thù hận, theo đuổi mưu đồ chính trị lỗi thời, đi ngược với lợi ích, truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc.
1. Tuyên ngôn Độc lập mang đặc trưng giá trị văn hóa, nhân văn của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đồng thời, Người nhắc lại lời Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Song, cần thấy rằng, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã mở rộng và phát triển quyền của con người thành quyền tự do, độc lập của dân tộc. Cho nên, không thể xuyên tạc: Tuyên ngôn Độc lập là sự “sao chép”, “khuôn theo”!
Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Mỹ từ thuộc địa Anh. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Còn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp ghi rõ quyền tự do, dân chủ của mọi công dân trước pháp luật; có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc chống chế độ phong kiến. Cả hai bản Tuyên ngôn này, đều ghi dấu ấn tích cực và tiến bộ trong sự phát triển tư tưởng chính trị, nhân văn của nhân loại. Điều đáng tiếc là, sau khi giai cấp tư sản ở Mỹ và Pháp giành được quyền thống trị, họ đã đi ngược lại những giá trị văn hóa, nhân văn đó khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và nhiều dân tộc khác.
Việc Hồ Chí Minh dẫn lời Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp thể hiện bản lĩnh văn hóa tuyệt vời của vị lãnh tụ cách mạng. Bởi, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp trở thành kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam, còn các lực lượng can thiệp Mỹ đứng sau, giật dây quân Tưởng chống phá cách mạng nhằm thực hiện âm mưu thay thế quân Pháp thống trị các nước Đông Dương. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp và tiếp đó là đế quốc Mỹ. Nhưng chúng ta không chống lại người Pháp, người Mỹ, cũng như nền văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ. Ngược lại, chúng ta trân trọng và tiếp thu những giá trị văn hóa, chính trị mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ tạo ra trong lịch sử đấu tranh cho sự tiến bộ của nhân dân và dân tộc họ. Mặt khác, từ việc dẫn Tuyên ngôn của Mỹ, Hồ Chí Minh muốn cho nhân dân thế giới thấy rằng, nhân dân Việt Nam đấu tranh chống xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình là quyền chính đáng, thiêng liêng, không ai có thể xâm phạm. Việc dẫn Tuyên ngôn của nước Pháp, Hồ Chí Minh cũng muốn để nhân dân thế giới hiểu rõ rằng, nước Pháp đã từng giương cao ngọn cờ đấu tranh chống chế độ phong kiến để thực hiện dân chủ và tiến bộ.
Quyền tự do và bình đẳng là lý tưởng nhân văn của nhân loại từ khi xã hội có giai cấp và tình trạng áp bức, bóc lột. Đấu tranh cho tự do và bình đẳng của con người và mọi người là mục tiêu nhân văn của nhân loại tiến bộ. Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã phát triển, mở rộng quyền của “tất cả mọi người” thành quyền của “tất cả các dân tộc trên thế giới”. Đó chính là lý tưởng nhân văn triệt để cách mạng của Người. Theo Bác, độc lập, tự do là điều kiện tiên quyết đem lại hạnh phúc, tiến bộ cho nhân dân và dân tộc Việt Nam, cũng như cho nhân dân và các dân tộc trên thế giới. Độc lập dân tộc là cái quý nhất, nhưng cốt lõi của độc lập dân tộc phải chính là quyền lợi của nhân dân, mọi người dân phải được hưởng ấm no, hạnh phúc. Có độc lập dân tộc thì quyền của con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất. Những kẻ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để phá hoại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc chính là đối tượng chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ giá trị của Tuyên ngôn Độc lập.
2. Tuyên ngôn Độc lập mang đặc trưng giá trị tinh thần nhân đạo, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam
Các thế lực thù địch, bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay cho rằng: Hồ Chí Minh và những người cộng sản “sính dùng bạo lực”, ngày 02-9-1945 là ngày đánh dấu cả giang sơn Việt Nam bắt đầu “nhuộm đỏ”, từ đó sinh ra mọi thứ “hận” về sau nên gọi là ngày “đại quốc hận”. Đây là sự vu khống, xúc phạm, bôi nhọ trắng trợn Chủ tịch Hồ Chí Minh và giá trị của Tuyên ngôn Độc lập.
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chính trị tổng kết những giá trị chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc và tiến trình đấu tranh cách mạng vì nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Để giành được quyền bình đẳng của dân tộc và quyền bình đẳng của mỗi con người, nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, áp bức bất công. Là một dân tộc có truyền thống văn hiến, luôn nêu cao tinh thần nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, chúng ta trân trọng giá trị nhân văn, thành quả tiến bộ mà nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp giành được trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng, tự do, bác ái của các dân tộc, của con người. Song, thực dân Pháp, đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản Pháp lúc bấy giờ đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để xâm lược nước ta, áp bức nhân dân ta. Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân thế giới thấy rõ hành động của thực dân Pháp xâm lược đối với Việt Nam là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Những hành động vô nhân đạo, phi nghĩa của thực dân Pháp được thực hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế,… bằng những thủ đoạn dã man, tàn độc, bóp nghẹt quyền tự do, quyền sống của nhân dân Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã cho nhân dân thế giới và nhân dân Pháp thấy rõ truyền thống nhân đạo, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Mặc dù thực dân Pháp là kẻ thù trực tiếp, song đối với người Pháp, nhân dân ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo, sẵn sàng giúp đỡ nhiều người Pháp, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”1.
Tinh thần nhân đạo cao cả, đấu tranh vì lẽ phải, công bằng là một giá trị đặc trưng của truyền thống văn hóa, nhân văn Việt Nam. Giá trị đó được hình thành, phát triển và tỏa sáng trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần nhân đạo, chính nghĩa, nhân văn là sức mạnh của văn hóa, sức mạnh nội sinh giúp cho dân tộc ta đấu tranh và chiến thắng các thế lực hiếu chiến xâm lược. Tuyên ngôn Độc lập được Bác Hồ tuyên đọc ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình vừa để cho nhân dân thế giới thấy rõ truyền thống văn hiến, văn minh của dân tộc Việt Nam, vừa là lời cảnh báo với thực dân Pháp và các thế lực xâm lược về tính chất chính nghĩa và sức mạnh văn hóa của nhân dân Việt Nam. Chính sức mạnh đó, đã quét sạch mọi thế lực xâm lược để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
3. Tuyên ngôn Độc lập thể hiện thiện chí hòa bình và khí phách của dân tộc Việt Nam
Nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, khát khao có cuộc sống trong một nước độc lập, tự do. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết đấu tranh để đạt được khát vọng đó. Sau cuộc biến động ngày 09-3-1945, thực dân Pháp đã đầu hàng quân Nhật và bỏ chạy, song được sự tiếp sức của các thế lực hiếu chiến, núp dưới danh nghĩa quân đội đồng minh, thực dân Pháp lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với nhãn quan chính trị sâu rộng và nhạy bén, Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấu dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, Người đanh thép tuyên bố thoát ly hẳn mọi quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam; đồng thời, khẳng định rõ ý chí quyết tâm của toàn dân Việt Nam chống lại âm mưu của thực dân Pháp. Đây cũng chính là lời cảnh báo đối với các thế lực hiếu chiến xâm lược, chỉ cho chúng thấy khí phách, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, với khát vọng độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Một dân tộc có truyền thống văn hiến, yêu chuộng hòa bình, luôn dũng cảm đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc và sự tiến bộ, văn minh của nhân dân thế giới, dân tộc đó đương nhiên có quyền hưởng tự do và độc lập. Sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là một sự kiện khẳng định rõ trước toàn thế giới rằng: dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành một nước tự do và độc lập.
Tuyên ngôn Độc lập ra đời đã hơn 70 năm, song tinh thần và giá trị của Tuyên ngôn Độc lập vẫn đang tỏa sáng. Đây là một di sản văn hóa, sức mạnh nội sinh của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tinh thần, giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Mọi mưu đồ xuyên tạc giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ thất bại trước lý tưởng cao đẹp của bản Tuyên ngôn đó.
Đại tá, PGS, TS. LÊ QUÝ TRỊNH, Thiếu tá NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

______________

1 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa