Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

NHẬN DIỆN MỘT SỐ HÀNH VI LỆNH CHUẨN CỦA QUÂN NHÂN TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Gió biển
          Quân đội là tổ chức xã hội đặc thù, hoạt động trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; điều lệnh, điều lệ của quân đội. Mỗi quân nhân đều phải thực hiện và tuân thủ hệ thống các quy tắc, chuẩn mực đó. Nếu đi ngược lại hoặc vi phạm các quy tắc, chuẩn mực trên thì được coi là những hành vi lệnh chuẩn. Thực chất, hành vi lệnh chuẩn quân nhân là biểu hiện của “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” của quân nhân. Hiện nay, những biểu hiện lệch chuẩn của quân nhân thể hiện rất đa dạng từ nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đến ý thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta có thể nhận diện hành vi lệnh chuẩn của quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay trên một số nội dung chủ yếu sau:

           Thứ nhất, không chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, phân công của tổ chức: Đây là một trong những biểu hiện dễ dàng nhận thấy ở người quân nhân. Khi được giao nhiệm vụ, người quân nhân có phản ứng thái quá, thể hiện tính vô ý thức tổ chức kỷ luật, thậm chí không chấp hành mệnh lệnh, không nhận, từ chối, thoái thác nhiệm vụ. Do đó, với những trường hợp này, cấp ủy, chỉ huy đơn vị sẽ dễ dàng nhận diện và kịp thời có những biện pháp xử lý kịp thời theo đúng điều lệnh, điều lệ của quân đội, quy định của đơn vị.
          Thứ hai, chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, phân công của tổ chức nhưng chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ không cao: Đây là một biểu hiện rất khó nhận ra và rất khó xử lý đối với cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Điều này được thể hiện khi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ gì người quân nhân cũng nhận, không có phản ứng hay ý kiến phản hồi. Song, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ lại có biểu hiện thiếu ý chí quyết tâm, lười nhác, làm việc cầm chừng, dựa dẫm, ỷ lại vào người khác; chất lượng, hiệu quả thực hiện công việc được giao ở mức thấp. Do đó, với những trường này, cấp ủy chỉ huy cần chủ động gặp gỡ giáo dục, động viên, giúp đỡ kịp thời để giúp người quân nhân nhận thức rõ và phát huy vai trò trách nhiệm trong công việc.
          Thứ ba, lựa chọn công việc có lợi cho bản thân: Trước khi được giao nhiệm vụ, người quân nhân đã chủ động gặp gỡ cấp trên để đề đạt, gợi ý xin việc nhẹ, việc dễ, việc có lợi cho mình, đùn đẩy những việc khó khăn, nặng nhọc cho người khác. Đây là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cục bộ hẹp hòi, ích kỷ, một căn bệnh hết sức nguy hại nếu không được tẩy rửa sẽ ngày càng phát triển. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong sử dụng người, giao việc. Tuyệt đối tránh xu nịnh, bè cánh, cục bộ mà giao việc.
          Thứ tư, tham ô, tham nhũng, lãng phí: Đây là biểu hiện lệch chuẩn rất sức nguy hại trong quân đội. Hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí có thể diễn ra ở mọi đối tượng quân nhân kém rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Điều này càng đặc biệt nguy hại đối với những người có chức, có quyền, những quân nhân nắm giữ ở những vị trí “nhạy cảm” trong đơn vị. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phát huy tinh thần nêu gương của người cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ chủ chốt; thực hiện nghiêm túc các chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng, nhất là chế độ phê bình và phê bình, chế độ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

          Một đơn vị tốt trước tiên phải có những quân nhân tốt, do đó, việc nhận diện và phòng, chống những lệch chuẩn của quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ là một trong những biện pháp quan trọng góp phần vào nâng cao chất lượng người quân nhân, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

2 nhận xét:

  1. Để có quân nhân tốt cần phải tăng cường giáo dục và quản lý

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải thường xuyên chú trọng công tác giáo dục và quản lý quân nhân

    Trả lờiXóa