Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

KHÔNG CÓ CHUYỆN SẼ “HẠ CÁNH AN TOÀN” NẾU DÍNH SAI PHẠM


Hồng Thủy
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, bản thân một số cán bộ không gương mẫu, không nghiêm khắc, tự đòi hỏi mình, không chịu tu dưỡng rèn luyện, để cho chủ nghĩa cá nhân, các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm dẫn dắt, chi phối trong quá trình công tác “lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế, chính sách để ăn cắp của công, thu vén cá nhân”. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang đẩy mạnh không hề có vùng cấm, bất kể người đó là ai, đã và đang giữ cương vị nào. một số cán bộ đã xin từ chức….

Cụm từ "hạ cánh an toàn" trước đây vẫn được nhắc tới để nói về việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân, bất kể lúc đương chức có vi phạm thế nào. Thế nhưng, thời gian qua, cụm từ này đã được thêm một chữ "Không" ở giữa, tức là "hạ cánh không an toàn" khi rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự sau khi đã nghỉ công tác. Trường hợp gần đây nhất là khởi tố ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa. Việc xử lý nghiêm minh, công khai các cán bộ nghỉ hưu dính sai phạm trước đó nhằm tuyên chiến với những cán bộ tha hóa muốn đi "chuyến tàu vét" để có thêm quyền lợi chút nào hay chút nấy. Sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp củng cố niềm tin trong nhân dân, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với những cán bộ đang và sẽ có ý định "nhúng chàm".
Theo Kết luận điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bị can Vũ Huy Hoàng biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) có diện tích hơn 6.000m2 đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công Thương, Tổng Công ty Sabeco để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo, văn phòng cho thuê và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và các đồng phạm, quyền sử dụng khu đất này đã bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí do hành vi phạm tội của các bị can này gây ra cho ngân sách Nhà nước là đặc biệt lớn. Trước đó, vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, ông Vũ Huy Hoàng đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ này nhiệm kỳ 2011 - 2016 sau khi để xảy ra rất nhiều sai phạm, đặc biệt trong công tác cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng. Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ, ông này đã thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo. Bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương) lần này bị khởi tố và hiện đang bị truy nã vì liên quan đến những sai phạm rất nghiêm trọng ở Tổng Công ty Sabeco. Cách đây không lâu, câu chuyện cổ phần hóa ở Công ty Điện Quang vẫn khiến dư luận thắc mắc khi hầu hết các thành viên trong gia đình bà Thoa sở hữu phần lớn cổ phần của doanh nghiệp này. Điều đáng nói đây là doanh nghiệp bà Thoa đã là Chủ tịch trước khi lên chức Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Cuộc chiến chống tham nhũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động và trực tiếp chỉ đạo mấy năm nay với biết bao kỳ vọng của dân không cho phép ai thoát tội. Đừng nghĩ cứ hạ cánh là an toàn. Chống tham nhũng không có ngoại lệ. Cuối năm 2014, Ban Bí thư quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ vì những sai phạm, khuyết điểm khi còn đương chức, đó là sai phạm trong thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ. Ở thời điểm đó, ông Truyền đã nghỉ hưu được 3 năm. Cũng từ đây, khái niệm "Đã sai phạm là không thể hạ cánh an toàn" xuất hiện. Liên tiếp sau đó, nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu cũng bị vạch rõ sai phạm, phải nhận các hình thức kỷ luật. Trong đó có cả, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam lê Phước Thanh.
Không chỉ xử lý kỷ luật Đảng, nhiều cán bộ về hưu vẫn bị khởi tố và phải chịu những án phạt nghiêm khắc như nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phải chịu án tù chung thân về tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công. Hai nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến lần lượt phải chịu các mức án 17 và 10 năm tù giam vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai, khiến nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng. Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cũng chịu hình phạt 4 năm tù giam về tội "Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng".
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có một thời gian dài, những cán bộ sai phạm đã không bị xử lý sau khi về hưu, hoặc có xử lý cũng chưa thực sự nghiêm khắc. Chính điều đó đã tạo nên tâm lý thu vén cá nhân, coi nhẹ đạo lý và luật pháp. Cũng chính điều đó tạo ra sự bất công, dung dưỡng cho những sai phạm mà hậu quả của nó không thể giải quyết xong trong một sớm, một chiều. Nhưng ở nhiệm kỳ này, mọi chuyện đã khác. Việc cương quyết xử lý những những cán bộ vi phạm kỷ luật, dù đương chức hay đã nghỉ hưu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật. Có như vậy pháp luật mới được thực thi nghiêm trong bộ máy Nhà nước. Nhưng trên hết, niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền sẽ ngày càng được củng cố../.

2 nhận xét:

  1. Mọi cán bộ nếu có sai phạm thì dù đã nghỉ hưu vẫn phải xử lý theo quy định

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa