Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

NHẬN DẠNG KẺ CƠ HỘI


HP
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành tựu đầy khích lệ và niềm tin. Nhiều vầng sáng của đất nước đang trên đường đổi mới vấn còn những khoảng tối cần phải cảnh giác:
“Đời đâu phải thị trường nhân phẩm
Gian ác mang mặt lạ thánh hiền
Tình nghĩa cũng theo thời lạnh ấm
Bạc vàng đo giá trị sang hèn” (Tố Hữu).

Mặt trái kinh tế thị trường sản sinh một lực lượng nhiều màu sắc; trong đó có kẻ cơ hội – một loại vi khẩn độc hại. Một tinh thần “không kể mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột” đã trở thành phương châm xử thế của những kẻ “có máu” cơ hội. Những kẻ cơ hội có chung đặc điểm, mọi hành vi và quan hệ của họ đều xuất phát từ động cơ vụ lợi. Và trong thực tiễn cuộc sống, những biểu hiện cơ hội của kẻ cơ hội rất đa dạng, phong phú, dưới mọi hình thức, trường hợp. Một trong rất nhiều biểu hiện cơ hội và cực kỳ nguy hiểm là cơ hội về chính trị. Những kẻ cơ hội chính trị không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc cơ bản trong đường lối của Đảng. Con người của kẻ cơ hội lúc ngả theo bên này, khi ngả bên kia, cốt sao có lợi cho mình và phe cánh. Thường những lúc cách mạng gặp khó khăn, hoặc chuyển giai đoạn là lúc kẻ cơ hội sẽ lộ rõ nguyên hình của nó.
Cơ hội chính trị được gắn rất ranh mãnh và chặt chẽ với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội về đạo đức, lối sống; bất chấp mọi thủ đoạn nhằm tận dụng thời cơ, điều kiện may mắn để vụ lợi cá nhân hoặc cho phe nhóm mình. Họ chỉ chú trọng lợi ích trước mắt và bất chấp hoặc không quan tâm đến lợi ích lâu dài về sau. Đôi khi, để đạt được mục đích cá nhân, kẻ cơ hội sẵn sàng tìm mọi cách luồn lách, len lỏi, triệt để lợi dụng sự sơ hở của cơ chế, chính sách, sự yếu kém trong công tác quản lý để đục khoét của công. Trong cuộc sống kẻ cơ hội thường hoạt ngôn, hoạt giao, thực dụng, xu thời và có nhiều cách ngụy trang khéo léo. Trong quan hệ xã hội, kẻ cơ hội thường hay “ba phải”, “dĩ hòa vi quý”, gió chiều nào che chiều ấy, ai mạnh thì theo, ai thất thế thì lánh, thậm chí hùa vào đả kích, dìm dập thậm tệ. Loại cán bộ đảng viên này có thể thờ ơ tình hình cơ sở nhưng mọi di biến động của cấp trên từ tình cảm, đời tư cho đến công tác tổ chức cán bộ thì lại rất quan tâm, nắm rất sát sao.  
Những kẻ cơ hội thường hành xử theo lối “phò thịnh, không phò suy”. Khi cấp trên gần hết nhiệm kỳ, sắp sửa về hưu, hoặc khi kẻ cơ hội tìm được chỗ dựa vững chắc hơn ở cấp trên cao hơn của cấp trên, thì họ sẽ dần xa lánh, thậm chí còn “phản kích” cấp trên mà một thời họ đã hết lòng “phụng sự”. Tệ hại hơn, khi họ “đánh mùi” biết cấp trên đang bất bình một người nào đó, họ lập tức có chiêu vu cáo, hãm hại, lật đổ người đó để “tâng công” với cấp trên của họ. Kẻ cơ hội rất biết sử dụng đồng tiền để mua chuộc, che chắn tội lỗi và để “lót” đường quan lộ khi có thời cơ.
Kẻ cơ hội thường “làm thì láo, báo cáo thì hay”, thổi phồng thành tích của bản thân, đơn vị, lừa dối cấp trên, trong khi đó, tình hình của đơn vị thì bê bối, kém hiệu quả. Trong công việc, kẻ cơ hội thường đùn đẩy cho người khác những việc “khó gặm”, không “chấm mút” được gì. Họ chỉ “tìm kiếm” những việc nhẹ nhàng, dễ “kiếm chác” và có “uy danh”... Khi có sai lầm, khuyết điểm, họ sẵn sàng “đánh bùn sang ao”, đổ lỗi cho người khác, cho cấp dưới nhưng khi có công lao, thành tích thì họ vơ tất cả vào mình.
Chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực và mọi cấp độ. Nó có sức mạnh ghê gớm, có thể làm lũng đoạn tổ chức, xóa nhòa ranh giới giữa cái tốt với cái xấu. Nó là thứ giặc nội xâm, một loại vi khuẩn độc hại, một thứ ung nhọt ẩn náu trong cơ thể Đảng. Vì vậy, tăng cường đấu tranh đẩy lùi và khắc phục chủ nghĩa cơ hội dưới mọi biểu hiện của nó là vấn đề cấp thiết trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời phải sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ, với sự tham gia của mọi tổ chức, mọi lực lượng.
Hiện nay, vạch trần bản chất những kẻ cơ hội là một việc cần thiết, quan trọng và cần sự đồng thuận của cả xã hội. Để làm được điều đó, thiết nghĩ mỗi tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên phải thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, dũng cảm và chân thành. Có như thế mới loại bỏ dần những con sâu mọt trong bộ máy Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần thắng lợi của Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa đều dốt nát về mặt lý luận, nhưng lại giàu có về các thủ đoạn. Vì vậy, chúng ta cần sáng suốt nhận diện, chỉ rõ chân tướng; để có các giải pháp phòng, chống, đẩy lùi và xử lý triệt để.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.

    Trả lờiXóa