Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa tư bản và chính sách đối với giai cấp tư sản ở Việt Nam, nhìn lại sự vận dụng chính sách ấy trong thực tiễn



Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu cho đại diện gia đình doanh nhân Bạch Thái Bưởi - một trong những nhà tư sản dân tộc yêu nước tiêu biểu nhất ở nước ta vào đầu thế kỷ XX. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa tư bản và chính sách đối với giai cấp tư sản ở Việt Nam
Về những đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa tư bản
1- Trong chủ nghĩa tư bản, các nhà tư bản chiếm các tư liệu sản xuất (như nhà máy, nguyên liệu...) làm của riêng.
2- Nhà tư bản không lao động mà thuê công nhân sản xuất để bóc lột công nhân. Công nhân phải bán sức lao động mới có ăn. Ngoài sức lao động họ không có máy móc và nguyên liệu gì cả.
3- Nhà tư bản thuê công nhân mục đích là cốt kiếm lãi.
4- Dùng máy móc phải tập trung đông người. Do đó để sản xuất thì sức lao động hóa ra tập thể. Lao động đã tập thể, thì các tư liệu sản xuất và những thứ sản xuất ra, phải là của chung. Nhưng nhà tư bản chiếm hữu toàn bộ kết quả sản xuất, chỉ trả cho công nhân một ít tiền công.
5- Về mặt sản xuất, so với chủ nghĩa phong kiến thì chế độ tư bản là một tiến bộ to. Phong kiến, chỉ nhờ sức người và sức súc vật mà sản xuất. Tư bản thì dùng máy móc mà sản xuất. Dùng máy móc tái sản xuất gấp 10, gấp 100, mà người ta lại ít khó nhọc hơn.
6- Chủ nghĩa tư bản thường có khủng hoảng kinh tế.
7- Nhà tư bản chẳng những bóc lột công nhân trong nước họ, mà còn xâm lược và bóc lột các nước khác. Do đó, chủ nghĩa tư bản trở nên chủ nghĩa đế quốc(2).
“Tất cả những người lao động trên thế giới đều có một mục đích chung là thoát khỏi áp bức bóc lột, được sống sung sướng tự do… Nhưng để đi đến mục đích ấy, mỗi nước phải tùy theo điều kiện thiết thực của mình mà tiến dần”(3).
“Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện”(4).
Như vậy, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản chỉ được xóa bỏ dần chứ không thể xóa bỏ ngay lập tức.
Phải đặc biệt chú ý vai trò của giai cấp tư sản nói chung tại các nước thuộc địa và phụ thuộc không giống vai trò của giai cấp tư sản tại các nước tư bản
“Giai cấp tư sản dân tộc là giai cấp tư sản không dính líu với đế quốc, hoặc dính líu rất ít. Một mặt thì họ bị đế quốc và phong kiến ngăn trở, cho nên họ cũng muốn chống đế quốc và phong kiến. Nhưng mặt khác, họ là giai cấp bóc lột, cho nên họ cũng sợ giai cấp bị bóc lột nổi lên đấu tranh… Do đó mà tư sản dân tộc vừa muốn cách mạng vừa muốn thỏa hiệp. Bởi vậy giai cấp công nhân cần phải vừa đoàn kết với họ, vừa đấu tranh với họ để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Có như vậy, giai cấp tư sản dân tộc mới phát triển được tác dụng cách mạng của họ, và phát triển kinh tế của họ”(5).
Trong một thời kỳ và một trình độ nhất định, giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng
“Những giai cấp ủng hộ và tham gia cách mạng tức là động lực cách mạng… Tư sản dân tộc cũng bị đế quốc và phong kiến áp bức ngăn trở, cho nên họ cũng có thế đứng về phe cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, bốn giai cấp ấy (là công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc) đoàn kết thành mặt trận thống nhất, đánh đế quốc và phong kiến đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi”(6). Bởi vậy, “trong giai đoạn này, phải bảo vệ tư sản dân tộc, vì họ cũng chống đế quốc, chống phong kiến và họ là một lực lượng để phát triển công nghệ, nông nghiệp và thương nghiệp”(7). “Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các ban công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công thương hăng hái kinh doanh”(8).
“Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đã ủng hộ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ ngày hòa bình lặp lại, họ có đóng góp một phần trong công cuộc khôi phục kinh tế. Hiện nay, chúng ta có điều kiện để cải tạo họ theo con đường xã hội chủ nghĩa”(9).
“Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội... Đối với bọn phản động ở lại phá hoại thì phải tiêu diệt, nhưng đối với các nhà tư sản khác thì… không bắt ép mà thuyết phục họ chung vốn với chính phủ. Các nhà tư sản sẽ hợp tác với chính phủ để sản xuất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân”(10).
“Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ, mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”(11).
“Cải tạo hòa bình đối với giai cấp tư sản dân tộc. Về kinh tế, chúng ta không tịch thu tư liệu sản xuất của họ mà dùng chính sách chuộc lại. Về chính trị, chúng ta vẫn cho họ có quyền lợi thích đáng, họ vẫn được giữ địa vị một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc”(12).
Trước đây, nước ta chưa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngoại kiều, có thể coi như quan điểm của Người về lĩnh vực này. Các bạn (ngoại kiều) “người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và tri thức đến chung sống với nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam. Vì vậy, các bạn cứ yên lòng làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ các bạn”(13).
Như vậy, cải tạo hòa bình đối với các nhà tư sản dân tộc và ngoại kiều không phải bằng cách xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ, mà hướng dẫn họ hoạt động phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước và hợp tác với Nhà nước dưới hình thức công tư hợp doanh hay hình thức khác. Khi cần thiết thì chuộc lại chứ không tịch thu tư liệu sản xuất của họ.
Nhìn lại việc thực hiện chính sách đối với kinh tế tư bản tư nhân ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay
Bảo hộ và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong giai đoạn 1954 1957
Nghị quyết của Bộ Chính trị v tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng (Nghị quyết của Bộ Chính trị họp từ ngày 5 đến ngày 7-9-1954) đã chỉ rõ việc cải tạo xã hội một cách hấp tấp thường gây nên tình trạng hỗn loạn và dẫn tới những thất bại đáng tiếc. Bởi vậy, “khi vào thành chỉ tiếp quản những cơ quan, xí nghiệp và tài sản của chính quyền cũ (chính phủ thuộc địa và ngụy quyền). Còn tài sản của tư nhân khác, như xí nghiệp, hiệu buôn, nhà cửa, v.v. của những nhà công thương nghiệp Việt Nam hay của những nhân viên ngụy quyền thì nhất luật không được động đến, trái lại phải khuyến khích họ kinh doanh như cũ”(14). Đối với công thương nghiệp của địa chủ cũng nhất loạt không đụng đến, phàm là công thương nghiệp có lợi cho quốc kế, dân sinh đều được khuyến khích phục hồi và phát triển.
“Đối với công thương nghiệp của Pháp kiều, theo Hiệp định ở Giơ-ne-vơ, ta không tịch thu cũng không bài trừ hoặc tiếp quản. Ta cần thi hành lời hứa thừa nhận quyền lợi kinh tế của Pháp ở Việt Nam, nhưng bắt họ phải tuân theo pháp luật của Chính phủ ta và phục hồi kinh doanh, không được đình chỉ kinh doanh”(15).
“Phải giải thích cho công nhân hiểu rõ, chỉ có dưới điều kiện nâng cao sản xuất và phục hồi kinh tế quốc dân mới có thể cải thiện và nâng cao mức sống của công nhân. Nếu không làm như vậy mà nâng quá cao điều kiện lao động và tiền công, chỉ nhìn đến lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ, trái với lợi ích toàn bộ và lợi ích lâu dài, làm cho xí nghiệp đóng cửa hay không duy trì được, thì sẽ không có lợi cho giai cấp công nhân và cho nền kinh tế nói chung”(16). Chủ trương đúng đắn nói trên là một trong những nhân tố góp phần hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế bằng mức trước chiến tranh, vào cuối năm 1957.
Nóng vội xóa bỏ kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế cá thể, tiểu chủ, manh nha từ năm 1958, đẩy mạnh từ năm 1976 đến năm 1987
Báo cáo về nhiệm vụ kế hoạch ba năm (1958 - 1960) phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 11-1958) đã đề ra nhiệm vụ cải tạo các thành phần kinh tế tư bản tư doanh và sản xuất cá thể theo chủ nghĩa xã hội, dần dần biến nền kinh tế quốc dân thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thuần nhất.
Báo cáo Tại Hội nghị lần thứ 16 mở rộng (họp từ ngày 16 đến ngày 30-4 và từ ngày 1 đến ngày 10-6-1959) của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh đã đề ra chủ trương đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh đi tới nhằm xóa bỏ thành phần kinh tế tư bản tư doanh và xóa bỏ giai cấp tư sản là một trong những trọng tâm trước mắt...
Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 22-4-1978, của Bộ Chính trị đã thấy thiếu sót  trong chỉ đạo công tác cải tạo có lúc thiên về thay thế chế độ sở hữu một cách đơn giản và cải tạo theo kiểu hành chính... Chưa gắn việc cải tạo quan hệ sản xuất với việc phát triển lực lượng sản xuất. Nhưng vẫn đặt ra yêu cầu cụ thể trước mắt là xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chỉ thị số 57-CT/TW, ngày 15-11-1978, của Bộ chính trị còn nhấn mạnh cần phải kiên quyết xóa bỏ bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn và phần bóc lột của trung nông lớp trên.
Những sai lầm trên là một trong những nguyên nhân khiến nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 của thế kỷ XX.
Kinh tế tư nhân, kể cả tư bản tư nhân, được phát triển theo pháp luật, không hạn chế về quy mô, địa bàn hoạt động, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) quy định: Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức, kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước. Quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tùy theo ngành, nghề và mặt hàng... Trong lĩnh vực lưu thông, phải xóa bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân.
Phải đến Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (năm 1989) mới quy định: kinh tế tư nhân, kể cả tư bản tư nhân, được phát triển theo luật pháp, không hạn chế.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) xác định: Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006), lần thứ XI (năm 2011) và lần thứ XII (năm 2016) nhấn mạnh thêm: Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Và đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (tháng 5-2017), xác định: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những chủ trương đúng đắn nói trên đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của nước ta tăng trưởng nhanh và đời sống của nhân dân ta không ngừng được cải thiện.
Mấy nét sơ lược về tình hình thực hiện chính sách đối với kinh tế tư bản tư nhân trên đây cho thấy: Khi chúng ta nhận thức và vận dụng đúng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đối với giai cấp tư sản thì đều đạt được thắng lợi. Trái lại, khi nào nhận thức và vận dụng sai quan điểm của Người thì đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội./.
-------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 497
(2) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 204-205
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 209
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 592
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 214-215
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 211
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 210
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 361
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 587
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 227
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 589
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 15
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 361
(14), (15), (16) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 15, tr. 292 - 300

GS, TS. Đỗ Thế Tùng

4 nhận xét:

  1. Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.

    Trả lờiXóa
  2. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Hồ của chúng ta có nhận định thiên tài; Bác luôn nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình và đưa ra những kế sách hết sức hợp lý.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Hồ luôn có tầm nhìn xa, trông rộng, Bác luôn phán đoán chuẩn xác các vấn đề; do đó Bác đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công.

    Trả lờiXóa