HT
Trước tình hình diễn biến tàu Haiyang Dizhi
8 (Hải Dương Địa chất 8, tàu thăm dò địa chất) của Trung Quốc đã xâm phạm biển
thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây ở Biển Đông trong thời gian vừa qua. Để
góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia của đất nước, một trong những điều
thiết yếu là cần phải nhận thức, hiểu rõ các khái niệm về vùng biển của Việt
Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam
năm 2012. Chiểu theo luật quốc tế, vùng biển Việt Nam được quy định thành 5
vùng: Vùng nội thủy, Đường cơ sở, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh
hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa, Quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Các vùng biển của Việt
Nam theo quy định của UNCLOS.
Đồ họa: Camau.gov.vn.
1. Nội thủy
“Nội
thủy” (còn gọi “vùng nước nội địa (Internal waters)”) là vùng nước nằm phía bên
trong đường cơ sở (baseline) để tính chiều rộng của lãnh hải (nói tắt là “đường
cơ sở”) và giáp với bờ biển. Đường cơ sở này do quốc gia ven biển quy định vạch
ra. Từ đó trở vào gọi là nội thủy, từ đó trở ra gọi là lãnh hải.
Vùng nước nội thủy về mặt pháp lý đã nhất thể
hóa với lãnh thổ đất liền nên có chế độ pháp lý đất liền, nghĩa là đặt
dưới chủ quyền toàn vẹn,
đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra
nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó.
Nước ven biển có quyền không cho phép.
Nội
thủy của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ
biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước thực
hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ
đất liền.
2. Đường cơ sở
Theo
quy định của Luật Biển Việt Nam, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ
công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường
cơ sở sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Theo Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thì đường cơ sở của Việt Nam là những đường thẳng gãy khúc nối liền 11 điểm, từ
điểm A1 (hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu, Kiên Giang) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ,
Quảng Trị).
Các điểm chuẩn xác
định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam
0
- Nằm trên ranh giới phía tây nam của vùng nước lịch sử của Việt Nam và
Campuchia
A1 - Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang
A2 - Tại hòn Đá lẻ ở đông nam Hòn Khoai, tỉnh Minh Hải (cũ)
A3 - Tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo
A4 - Tại Hòn Bông Lang - Côn Đảo
A5 - Tại Hòn Bảy cạnh - Côn Đảo
A6 - Tại Hòn Hải (nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Thuận Hải (cũ)
A7 - Tại Hòn Đôi, tỉnh Thuận Hải (cũ)
A8 - Tại Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Khánh (cũ)
A9 - Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Phú Khánh (cũ)
A10 - Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Nghĩa Bình (cũ)
A11 - Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ)
A1 - Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang
A2 - Tại hòn Đá lẻ ở đông nam Hòn Khoai, tỉnh Minh Hải (cũ)
A3 - Tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo
A4 - Tại Hòn Bông Lang - Côn Đảo
A5 - Tại Hòn Bảy cạnh - Côn Đảo
A6 - Tại Hòn Hải (nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Thuận Hải (cũ)
A7 - Tại Hòn Đôi, tỉnh Thuận Hải (cũ)
A8 - Tại Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Khánh (cũ)
A9 - Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Phú Khánh (cũ)
A10 - Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Nghĩa Bình (cũ)
A11 - Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ)
Các điểm tạo nên đường sơ sở vẫn để ở các tỉnh
cũ vì được ghi theo tuyên bố 12/5/1977. Trong
khi đó Tuyên bố ngày 15-5-1996 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
thì đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa)
gồm 28 điểm nối liền các điểm nhô ra nhất là các đảo, đá, bãi cạn thuộc quần
đảo. Tuyên bố “đường yêu sách lưỡi bò” đã gây lo ngại sâu sắc cho các nước
trong khu vực biển Đông, trực tiếp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Vì Hoàng Sa
vốn là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc vạch đường cơ sở như vậy
đương nhiên coi vùng nước bên trong các đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa là nội
thủy của Trung Quốc, không quốc gia nào có quyền qua lại.
3. Lãnh hải
Lãnh hải (Territorial sea) là lãnh thổ biển, nằm ở phía
ngoài nội thủy. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc
gia trên biển. Công ước quốc tế về Luật biển 1982 quy định chiều rộng lãnh hải
của mỗi quốc gia ven biển là 12 hải lý tính từ đường cơ sở.
Quốc gia ven biển cũng có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ
trong vùng lãnh hải, song không tuyệt đối như nội thủy. Nghĩa là quyền của quốc gia ven biển
được công nhận như ở lãnh thổ của mình (về lập pháp, hành pháp và tư pháp),
trên các lĩnh vực phòng thủ quốc gia, cảnh sát, thuế quan, đánh cá, khai thác
tài nguyên, đấu tranh chống ô nhiễm, nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên các tàu
thuyền nước ngoài có quyền đi qua vùng lãnh hải của nước ven biển mà không phải
xin phép trước nếu họ không tiến hành bất kỳ hoạt động gây hại nào.
Lãnh
hải của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển có chiều rộng 12 hải
lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới
quốc gia trên biển của Việt Nam.
Nhà nước thực hiện
chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển
năm 1982.
Tàu
thuyền của tất cả các quốc gia được hướng quyền đi qua không gây hại trong lãnh
hải Việt Nam trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt
Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khi thực hiện quyền đi qua
không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tàu quân sự nước ngoài thông báo trước
cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Nhà
nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt
Nam.
4. Vùng tiếp giáp lãnh hải
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm
ngoài lãnh hải. Quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt
và hạn chế đối với các tầu thuyền nước ngoài. Phạm vi của vùng tiếp giáp lãnh
hải không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở.
Vì vùng này đã nằm
ngoài vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nên quốc gia ven biển
chỉ được thực hiện thẩm quyền hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định đối với
các tàu thuyền nước ngoài mà thôi. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật
biển năm 1982 (Điều 33) quy định trong vùng tiếp giáp, quốc gia ven biển có thể
tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết nhằm để ngăn ngừa những vi phạm đối
với luật lệ về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư; đồng thời trừng phạt
những vi phạm đã xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.
Nằm trong vùng
đặc quyền kinh tế, nên quốc gia ven biển cũng có chủ quyền về khai thác, thăm dò các tài nguyên biển vì mục đích hòa
bình ở vùng biển này. Riêng đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo
cổ, Điều 303 Công ước về Luật biển 1982 quy định mọi sự trục vớt các hiện vật
này từ đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia
ven biển thì đều bị coi là vi phạm xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của
quốc gia đó và quốc gia đó có quyền trừng trị.
Vùng
tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp
liền và nằm ngoài lãnh hải Việt nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới
ngoài của lãnh hải. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải
nhằm ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất
nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.
Tổ công tác của BTL Vùng Cảnh sát biển 4
kiểm tra một tàu cá không có số hiệu chở thuốc lá lậu tại khu vực biển Gành Dầu,
huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (Nguồn: Canhsatbien)
5. Vùng đặc quyền kinh tế
Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zone) là vùng biển
nằm ở ngoài lãnh hải có phạm vi rộng không vượt quá 200 hải lý
tính từ đường cơ sở. Như vậy phạm vi lãnh hải rộng 12 hải lý bên trong
vùng đặc quyền kinh tế nên chiều rộng riêng của vùng đặc quyền kinh tế là 188 hải
lý. Vùng đặc quyền kinh tế bao gộp trong nó cả vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng đặc
quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền
riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật biển 1982 quy định.
Đối với các quốc gia
ven biển:
Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn
và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc
không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển
cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh
tế.
Đối với các quốc gia khác:
- Được hưởng quyền tự do hàng hải,
hàng không.
- Được tự do đặt dây cáp và ống dẫn
ngầm. Khi đặt đường ống phải thông báo và thỏa thuận với quốc
gia ven biển.
- Được tự do sử dụng
biển vào các mục đích khác hợp pháp về
Vùng
đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp
liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam hợp với lãnh hải thành vùng biển có chiều rộng
200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trong
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Nhà nước thực hiện chủ quyền về việc thăm
dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển,
đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; thực hiện quyền chủ quyền về các hoạt động
khai thác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; thực hiện quyền
tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình
trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Nhà
nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm
và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam mà không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài
phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp
và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền của Việt Nam.
Tổ
chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên,
nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên,
hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của
Chính phủ Việt Nam.
6. Thềm lục địa
Thềm lục địa (Continental shelf) nói nôm na
là cái nền của lục địa. Nó bắt đầu từ bờ biển, kéo dài thoai thoải ra khơi và
ngập dưới nước, đến một chỗ sâu hẫng xuống thì hết thềm. Thực tế ở nơi nào bờ
biển bằng phẳng thì vùng đáy biển này trải ra rất xa. Ở nơi nào bờ biển khúc
khuỷu, vùng này co hẹp lại gần bờ hơn. Các nhà địa chất học gọi vùng đáy biển
thoai thoải đó là thềm lục địa.
Về mặt pháp lý quốc tế, Công ước về Luật biển năm 1982 định
nghĩa: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự
nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa,
hoặc đến cách đường cơ sở dùng để
tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa
của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn. Thềm lục địa có thể được mở rộng hơn nữa
nhưng không vượt ra khơi quá 350
hải lý cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy
thềm lục địa cách đường cơ sở từ 200 đến tối đa là 350 hải lý tùy theo nền của
lục địa.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò
và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như
dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Vì đây là đặc
quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như
vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó. Nghĩa là chỉ quốc gia ven biển
mới có quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích
gì. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không
được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt
hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác.
- Khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ
đường cơ sở, quốc gia ven biển phải nộp một khoản đóng góp tiền hay hiện vật
theo quy định của công ước.
- Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học.
Mọi nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia
ven biển.
- Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt các dây cáp và
ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận
với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc đường cáp đó.
Thềm
lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo
dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến
mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách
đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải
lý tính từ đường cơ sở.
Trong
trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở
thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở
hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.
Nhà
nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thằm dò, khai thác tài
nguyên. Quyền này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động
thăm dò hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa Việt Nam nếu không có sự đồng
ý của Chính phủ Việt Nam. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển,
cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại
mỏ Bạch Hổ (Nguồn: Dantri)
Nhà
nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp
pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam mà không làm phương hại
đến chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt
Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
Tổ
chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên,
nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa Việt Nam
trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy
định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.
7. Quyền tài phán của quốc gia ven biển
Quyền
tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển được quy định, cấp
phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo,
thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo
nhân tạo các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn
giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia
đó.
Những kiến thức Công ước của Liên Hợp Quốc
về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012 và qua thực tế hành động của
tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8, tàu thăm
dò địa chất) của Trung Quốc,
có thể khẳng định dứt khoát rằng,
Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với
vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam của Việt Nam, trong đó có
Bãi Tư Chính và Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đây là cơ sở để
chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia của đất nước./.
Cần phải khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào chồng lấn hay tranh chấp với vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam của Việt Nam, trong đó có Bãi Tư Chính và hành động của Trung Quốc thời gian qua là đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đây là cơ sở để chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia của đất nước.
Trả lờiXóaCông tác tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ then chốt góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Trả lờiXóaĐảng và Nhà nước ta đã kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với sách lược phù hợp, khẳng định tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế; gắn kết chặt chẽ giữa chính trị, ngoại giao, lịch sử pháp lý.
Trả lờiXóa