Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Đạo Tin Lành và Sự Phát Triển Của Chủ Nghĩa Tư Bản


Nước Nhật Bản thời Mạc Phủ du nhập đạo Tin Lành nhưng lại cấm Cơ Đốc Giáo, giới quý tộc Nhật Bản lúc đó đều chỉ làm ăn với người Hà Lan theo Tin Lành mà cấm cửa người Tây Ban Nha Thiên Chúa Giáo, cho dù người Tây Ban Nha đến Nhật Bản truyền đạo rất sớm. Sở dĩ vậy nên Fukuzawa ban đầu cũng học tiếng Hà Lan chứ không phải tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, Mạc Phủ bị các đế quốc đưa tàu chiến đến đe dọa, buộc phải mở cửa cho họ làm buôn bán. Ban đầu giới quý tộc phản đối Mạc Phủ hèn nhát, bán đứng Nhật Bản cho đế quốc, quay sang ủng hộ Nhật Hoàng, đánh bại Mạc Phủ, nhưng sau khi nắm được chính quyền thì Nhật Hoàng và giới quý tộc ngay lập tức áp dụng chính sách của Mạc Phủ, đó là mở cửa cho phương Tây. Đây chính là lúc ông Fukuzawa mang cái vốn tiếng Hà Lan lơ ngơ ra tỉnh thì thấy toàn biển hiệu tiếng Anh, đọc chả hiểu gì, vì thế nên ông ấy mới đi học tiếng Anh để tiếp tục sự nghiệp khai hóa văn minh cho dân Nhật Bản.
Để làm rõ mối quan hệ giữa đạo Tin Lành và chủ nghĩa tư bản thì chúng ta cần phải làm rõ nguồn gốc của đạo Tin Lành và đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, từ đó mới có thể trình bày được mối quan hệ của chúng.
1. Nguồn gốc của đạo Tin Lành
Đạo Tin Lành có hai nhánh là Calvin và Luther, nhánh Calvin sau này được du nhập vào Anh trở thành Anh Giáo và Thanh Giáo, còn nhánh Luther chủ yếu phát triển ở các tiểu quốc Đức.
Vào lúc đạo Tin Lành ra đời, các thành thị tự do tồn tại nhờ đặc quyền thương mại ở Đức bắt đầu đi vào giai đoạn suy tàn. Giới quý tộc thành thị không còn tham gia vào các hoạt động thương mại nữa mà sống nhờ vào thuế khóa mà thị dân và thương nhân đóng góp. Giới quý tộc thành thị cũng không trực tiếp tham gia vào các hoạt động nhà nước nữa, công việc này do tầng lớp viên chức dân sự (civil magistrate) đảm nhiệm. Các viên chức dân sự vừa phải làm nhiệm vụ cai quản thành thị, giải quyết xung đột giữa thị dân và quý tộc, vừa phải bảo vệ sự độc lập của thành thị trước sự nhòm ngó của các vua chúa với quân đội trong tay.
Kẻ thù chủ yếu của giới viên chức dân sự không đến từ công việc của họ, trái lại là nhà thờ. Nhà thờ cũng đang bước vào giai đoạn suy tàn, trở nên tham lam cùng cực, tìm mọi cách bóp nặn dân chúng, điển hình là câu chuyện về ông tổng giám mục ở giáo phận của Luther, nộp tiền cho Giáo Hoàng để được cai quản hai giáo phận và sau đó đem bán sự chuộc tội như bán rau cho giới quý tộc và thường dân để kiếm tiền bù lại. Một mặt sự tham lam của nhà thờ khiến cho dân chúng căm ghét, mặt khác gây ra những tổn thất cho nguồn thu của chính quyền dân sự, mà những người trực tiếp phải gánh chịu là viên chức dân sự. Do vậy, các viên chức dân sự luôn tìm mọi cách loại bỏ quyền lực của Giáo Hội trong địa phận của mình.
Mâu thuẫn giữa Giáo Hội và các vua chúa Đức lên đến đỉnh điểm khi vua Tây Ban Nha Thiên Chúa Giáo trở thành hoàng đế La Mã Thần Thánh không cho phép các tiểu quốc Đức bầu ra vua của họ. Các vua chúa Đức quay sang liên minh với các thành thị tự do để chống lại hoàng đế La Mã Thần Thánh, học thuyết Tin Lành nhanh chóng được áp dụng. Đặc trưng của học thuyết Tin Lành lúc này là:
Thứ nhất, phủ nhận thẩm quyền chuộc tội của Giáo Hội, coi mọi người dân đều là giáo sĩ, đều có quyền đọc kinh thánh và tạo dựng công đức để được Chúa Trời xá tội vào ngày phán xét.
Thứ hai, công nhận quyền lực thế tục của nhà nước, coi viên chức nhà nước là đại diện cho Chúa Trời trên trần thế. Người dân phải tuân lệnh của các viên chức nhà nước để tạo dựng công đức thay vì tuân lệnh Nhà Thờ.
Như vậy, đạo Tin Lành bắt nguồn từ những xung đột của xã hội tiền tư bản chủ nghĩa và phục vụ cho xã hội tiền tư bản. Giới viên chức dân sự sử dụng nó để bảo vệ cho sự độc lập của thành thị tự do và biện minh cho quyền nổi loạn vũ trang chống lại vua chúa. Giới thị dân sử dụng nó để chống lại giới thượng lưu thành thị. Giới thượng lưu thành thị cũng sử dụng nó để củng cố quyền lực chống lại sự đe dọa của thị dân. Vua chúa sử dụng nó để chống lại quyền lực của Nhà Thờ vốn là chỗ dựa của đế quốc La Mã.
Mặc dù đạo Tin Lành có đề cập tới 'đạo đức lao động' và việc giải phóng thương mại khỏi các kìm hãm của thời phong kiến. Song có hai điều bị bỏ qua trong vấn đề này. Thứ nhất, đạo Tin Lành không bao giờ giải thích được tại sao lao động lại đồng nhất với lợi nhuận. Thứ hai, thương mại thời tiền tư bản dựa trên nguyên lý 'mua rẻ bán đắt' tức là đặc quyền buôn bán giữa các thị trường phân tán, không liên quan gì đến động lực thị trường của chủ nghĩa tư bản, vốn dựa trên cạnh tranh bằng năng suất lao động trên một thị trường thống nhất, nên tinh thần vì lợi nhuận của nó cũng hoàn toàn khác với tinh thần vì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản, đạo Tin Lành cũng không giải thích được tại sao có sự biến đổi từ thương mại thời phong kiến sang thương mại thời tư bản, khác nhau hoàn toàn về chất.
2. Đặc trưng của chủ nghĩa tư bản
Đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là sự cưỡng bức của thị trường đối với nhà tư bản, họ buộc phải mua bán để tìm kiếm lợi nhuận bất kể họ muốn gì và tham lam ra sao, nhưng lợi nhuận này không phải đến từ việc mua rẻ bán đắt, mà ngược lại đến từ sự tiết kiệm lao động thông qua việc không ngừng nâng cao lao suất lao động. Mặt khác, người lao động bị tước hết các tư liệu sản xuất và sinh hoạt, buộc phải bán sức lao động và mua tư liệu sinh hoạt trên thị trường. Đây là những thứ hoàn toàn xa lạ, chưa từng có tiền lệ trong các xã hội trước đó. Các xã hội tiền tư bản luôn dựa trên tiền đề là người lao động bị cột chặt vào tư liệu sản xuất. Giới quý tộc bóc lột người lao động thông qua việc nắm giữ các chức năng nhà nước và được hưởng phần sản phẩm thặng dư mà người lao động đã tạo ra, hay nói cách khác, sự bóc lột kinh tế tiền tư bản gắn liền với chức năng nhà nước.
3. Mối quan hệ giữa đạo Tin Lành và chủ nghĩa tư bản
Các học giả phương Tây nổi tiếng như Max Weber và R. H. Tawney đều cho rằng đạo đức Tin Lành là phù hợp với chủ nghĩa tư bản, do vậy đạo Tin Lành đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điểm mấu chốt trong lập luận của họ là giả định rằng chủ nghĩa tư bản là sự phát triển của thương mại, một hoạt động kinh tế có từ thời tiền sử, và gắn liền với thương mại là sự giải phóng các đô thị tự do. Hay nói cách khác chủ nghĩa tư bản đã luôn tồn tại trong xã hội loài người, nó chỉ bị các cản trở của xã hội kìm hãm và khi được giải phóng, nó nhanh chóng phát triển thành một hình thái kinh tế hoàn chỉnh. Đạo Tin Lành khuyến khích 'đạo đức lao động' và tinh thần tìm kiếm lợi nhuận, xóa bỏ thái độ coi thường của cải của Cơ Đốc Giáo, do vậy phù hợp với chủ nghĩa tư bản và tạo ra động lực giúp chủ nghĩa tư bản phát triển.
Song thương mại thời tiền tư bản không hề mang tính tư bản chủ nghĩa, trái lại nó mang tính phong kiến và dựa trên các đặc quyền phong kiến. Các đô thị thương mại phát triển nhất thời phong kiến của Châu Âu không bao giờ phát triển thành các đô thị tư bản chủ nghĩa, trái lại chủ nghĩa tư bản lại ra đời ở vùng nông thôn nước Anh. Thời phong kiến hoàn toàn không có những động lực cưỡng bức của chủ nghĩa tư bản và do đó đạo Tin Lành bảo vệ cho những nguyên lý chống lại chủ nghĩa tư bản.
4. Tại sao các học giả lại cho rằng đạo Tin Lành thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản?
Sau khi chủ nghĩa tư bản ra đời ở nông thôn nước Anh bằng cách tước đoạt tư liệu sản xuất của nông dân, bắt họ trở thành công nhân làm thuê, thì chủ nghĩa tư bản nhanh chóng lan ra khắp Châu Âu. Đồng thời tư bản Anh cũng phá bỏ luôn điều kiện để các nước khác tư bản hóa, đó là việc tước đoạt tư liệu sản xuất của nông dân. Vào lúc này giai cấp quý tộc đã suy yếu, buộc phải dựa vào nhà nước để tồn tại, việc tước đoạt nông dân sẽ đụng đến cơ sở kinh tế của nhà nước, đồng thời họ lại phải nhanh chóng tư sản hóa trong điều kiện đối mặt với sự canh tranh khốc liệt từ tư bản Anh. Các nước Châu Âu lục địa bước vào thời kỳ hiện đại với một kế sách duy nhất là kết hợp giữa nhà nước chuyên chế và chủ nghĩa tư bản. Các viên chức dân sự trở nên quyền lực hơn bao giờ hết, họ trở thành đại diện cho nhà nước trong mối quan hệ với dân chúng, họ có thẩm quyền quyết định sinh mạng của cả dân thường lẫn các nhà tư bản cá thể, họ đứng trên cả quý tộc lẫn giáo sĩ. Đây chính là lúc đạo Tin Lành phát huy sự thần thánh của bản thân. Vòng hào quang của Chúa Trời rời bỏ các tu sĩ Thiên Chúa Giáo béo múp để đến ngự trị trên đầu của các viên chức dân sự. Sự tuân thủ nhà cầm quyền thế tục đảm bảo cho công tích chuộc tội của con chiên. Nhà nước trở thành giáo hội mà không cần phải truyền giáo. Viên chức nhà nước trở thành giáo sĩ mà không cần phải viện dẫn Kinh Thánh. Tóm lại, không phải sự phát triển của chủ nghĩa tư bản định hình cho đạo Tin Lành hay ngược lại, mà chính là nhà nước chuyên chế đã định hình cho những giá trị của đạo Tin Lành, đem nó vào kết hợp với chủ nghĩa tư bản. Giới học giả bảo vệ cho quan điểm đạo Tin Lành thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thực ra là để biện minh cho vai trò của nhà nước chuyên chế trong việc nâng đỡ chủ nghĩa tư bản.
Nguồn:Facebook

3 nhận xét:

  1. Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.

    Trả lờiXóa
  2. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa
  3. Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.

    Trả lờiXóa