Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” - 100 năm nhìn lại


Cách đây 100 năm (1919 - 2019), thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành ký tên “Nguyễn Ái Quốc” dưới bức thư kèm theo bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Tổng thống Mỹ và Trưởng Đoàn đại biểu các nước Đồng Minh thắng trận trong Thế chiến I họp Hội nghị tại Versailles, Pháp1 (sau đây gọi tắt là bản Yêu sách). Bản Yêu sách này, gồm 8 điểm2 được coi là một văn kiện chính trị, pháp lý đầu tiên trong đời sống chính trị của Việt Nam; trong đó, nổi lên hai vấn đề quan trọng nhất: quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do, dân chủ. Bản Yêu sách ra đời đến nay đã 100 năm, nhưng giá trị của nó không bị phai mờ.
Quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do, dân chủ
“Dân tộc” được đề cập ở đây là dân tộc - quốc gia (Nation), chứ không phải dân tộc/bộ tộc/tộc người (Ethnic). Thành phần dự Hội nghị Versailles năm 1919 chủ yếu đại biểu đến từ 27 nước đế quốc trong phe Đồng Minh thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 - 1918). Hội nghị bàn nhiều vấn đề, trong đó có việc xác nhận sự thất bại của đế quốc Đức và các đồng minh của nước này; phân chia thị trường thế giới như là chiến lợi phẩm cho các nước đế quốc thắng trận. Một trong những người đồng chủ trì Hội nghị này là Tổng thống Mỹ V.Wilson. Tại Hội nghị, Tổng thống V.Wilson tiếp tục tuyên bố theo tinh thần “Chương trình 14 điểm” đã nêu từ năm 1918 (tâm điểm của Chương trình này là nhằm thiết lập vai trò bá chủ thế giới của Mỹ và chống lại nước Nga Xô viết mới ra đời năm 1917). Tổng thống Mỹ đưa ra những lời rất mỹ miều về quyền dân tộc tự quyết, về quyền dân chủ, … chạm trúng vào tâm lý khát khao nồng cháy đối với những người yêu nước của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, trong đó có những người Việt Nam yêu nước đang có mặt tại Pháp năm 1919.
Quyền dân tộc tự quyết là quyền thiêng liêng đối với mỗi dân tộc - quốc gia, bao gồm bốn nội dung làm thành một thể thống nhất của quyền dân tộc cơ bản: (1). Độc lập; (2). Chủ quyền; (3). Thống nhất; (4). Toàn vẹn lãnh thổ. Tất cả các dân tộc - quốc gia trên thế giới, từ cổ chí kim, đều luôn muốn và giữ được quyền này. Đó cũng là điều cơ bản nhất, xuất hiện trong các hiệp định mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán và ký kết với các bên liên quan (đơn cử là Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương (tháng 7-1954) và Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lâp lại hòa bình ở Việt Nam – Hiệp định Pari, tháng 01-1973).
Tuy nhiên, Bản Yêu sách chỉ là những điều “khiêm tốn”3 đặt trong bối cảnh: “trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự”4. Bởi, chúng ta thấy tuyên bố về quyền dân tộc tự quyết của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị Versailles năm 1919 chỉ là trên đầu lưỡi, không có một chút nào về giá trị thực tế. Về sau, trong một loạt bài báo có tên là Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng “chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn”5.
Đối với quyền tự do, dân chủ, bản Yêu sách bao gồm hai nhóm quyền: (1): Quyền dân chủ trong việc thiết lập và thực thi quyền lực nhà nước. Với quyền này, bản Yêu sách đặt ra yêu cầu là việc cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân Việt Nam. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ. (2): Quyền tự do của người dân. Bản Yêu sách đề cập việc phải tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị. Đòi các quyền tự do báo chí, ngôn luận, lập hội, hội họp, cư trú ở nước ngoài và xuất dương, học tập; thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở các tỉnh cho người bản xứ.
Thật ra, đây chỉ là “những yêu sách khiêm tốn”. Nhưng, cái khiêm tốn (tối thiểu) của những yêu sách đó, đặt trong hoàn cảnh của một dân tộc đang rên xiết dưới chế độ thực dân xâm lược hà khắc thì chúng không còn là khiêm tốn (tối thiểu) nữa mà là ở mức tối đa. Bởi vì dân chủ, tự do ở chế độ thuộc địa nói chung và chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ nói riêng là giá trị quá xa xỉ.
Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Những nội dung cơ bản của Yêu sách và hành động của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn hợp với lôgíc tư duy và hành động của nhà cách mạng chuyên nghiệp. Cả cuộc đời của Người là đấu tranh cho các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Trên con đường đầy gian nan, nguy hiểm ấy, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại quyền tự do, dân chủ cho nhân dân nên đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Hiện nay, đất nước Việt Nam đang được hưởng nền hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ, văn minh. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đang lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực thi quyền dân tộc tự quyết trong một thế giới toàn cầu hóa phức tạp; đồng thời, thực hành quyền dân chủ, tự do ở một đất nước đổi mới vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, vẫn còn một số mặt hạn chế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang cố gắng khắc phục. Đó là lẽ thường của biện chứng cuộc sống, vì không có cái gì trên đời này là tuyệt hảo cả. Cái lý này không chung với những gì mà các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc về tự do, nhân quyền của Việt Nam. Cũng cần khẳng định rằng, một sự vật dẫu có xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ,… bằng những thủ đoạn tinh vi, phương tiện tân kỳ đến đấu, thì nó vẫn luôn giữ nguyên bản chất.
Khi Việt Nam đã thiết lập chế độ chính trị mới do thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), vấn đề quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Nhà nước ta là thiết lập và thực thi những quyền tự do, dân chủ thật sự của người dân. Trước hết, các quyền đó phải được bảo đảm trong Hiến pháp - bộ luật cơ bản nhất của một quốc gia. Điều này cũng được thể hiện bằng những chính sách cụ thể và chất lượng hoạt động của bộ máy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cả hệ thống chính trị. Tinh thần cơ bản nhất trong cấu tạo quyền lực của đất nước là: tất cả mọi quyền lực và quyền lực tối cao đều thuộc về nhân dân. Đó là dân chủ theo đúng quan điểm của Hồ Chí Minh: dân là chủ và dân làm chủ, chứ không phải “quan chủ”. Dân là chủ tức là nói về vị thế của dân. Dân làm chủ là nói về trách nhiệm của dân. Đó là quan điểm: Đảng từ trong xã hội mà ra chứ không phải từ trên trời sa xuống, nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho đồng bào sung sướng; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển không phải vì mục đích tự thân mà là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Theo Hồ Chí Minh: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng, mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không, quần chúng sẽ đá đít”6. Người khẳng định: “tiếng dân chính là truyền lại ý trời”7; “người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”8 và người cách mạng phải là người phục vụ nhân dân: “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”9.
Quan điểm thực tiễn của Nhà văn hóa dân chủ Hồ Chí Minh là: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”10. Cán bộ Nhà nước phải: “làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu” và “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”11. Đồng thời, phải “gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”12, “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này ủy viên khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”13; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”14.
Hiện nay, Việt Nam đang thực thi những quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do, dân chủ trong điều kiện mới - Đảng Cộng sản cầm quyền - quyền này không phải cứ tự nhận mà được, mà do nhân dân ủy thác cho. Những điều về quyền dân tộc tự quyết cũng như quyền tự do, dân chủ mà nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp năm 1919 nêu lên, rõ ràng là có biểu đạt giống nhau ở câu chữ nhưng đặt chúng vào hoàn cảnh rất khác nhau. Khác thì khác, nhưng những giá trị chung vẫn còn nguyên đó. Do thế, hiểu về chúng trong điều kiện hiện nay chắc chắn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đó là lẽ thường. Nhưng, sẽ không là lẽ thường, khi có những kẻ cứ cố tình hiểu sai, xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ của Việt Nam. Đây là những người có cái tâm đen, chống đối sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu, tức là nhận thức được và làm theo đúng quy luật khách quan. Không như thế thì không có tự do đích thực. Tự do đi liền với kỷ cương, pháp luật. Vậy, một loạt quyền tự do nêu trong Yêu sách năm 1919 và hiện nay cần được hiểu như thế nào? Từ bản Hiến pháp (năm 1946) đến bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) đã quy định rõ những quyền về tự do báo chí, tự do lập hội, tự do cư trú, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng,... cho tổ chức, cá nhân. Trong thực tế, nhiều quyền tự do đang được thực hiện và tiếp tục cụ thể hóa trong chế định của luật pháp. Tuy nhiên, có thể ở chỗ này, chỗ nọ, tổ chức, cá nhân này, tổ chức, cá nhân nọ vi phạm quyền tự do, dân chủ thì đó là những sai phạm cụ thể cần khắc phục, nhưng đó nhất quyết không phải bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã diễn đạt về tự do trong lý lẽ khó ai bắt bẻ được, đó là: tự do bày tỏ ý kiến, tự do thảo luận để tìm ra chân lý, khi đã đạt được đến mức tìm thấy giá trị ấy rồi thì quyền tự do hóa ra quyền phục tùng chân lý, mà chân lý là những gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chúng ta có thể hiểu rằng, tự do như vậy hoàn toàn và tuyệt nhiên không có chỗ đứng cho những suy nghĩ và hành động kích động bạo lực, phản văn hóa, hy sinh chủ quyền quốc gia, làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lật đổ chế độ chính trị nước nhà.
Nhân loại đang ở vào thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (4.0). Đó là điều tuyệt diệu. Nhưng, sự tuyệt diệu này phải dành cho thế giới thiện lương. Đáng tiếc, có nhiều kẻ bất lương đang lợi dụng những thành tựu của thời đại này để mưu tính cho những điều xấu xa, họ tìm mọi cách mượn tự do, dân chủ nhằm làm hỏng giá trị tự do, dân chủ đích thực. Hằng ngày, trên các phương tiện media, trên mạng internet, các thế lực xấu xa này tác oai tác quái, đánh lừa những người thiện lương, nhẹ dạ cả tin nghe theo những lời kích động, dối trá. Đáng chú ý là, những kẻ bất lương kiểu này ở trong nước được sự hậu thuẫn từ các thế lực phản động ở bên ngoài. Vì thế, ngăn chặn, đấu tranh, loại trừ những kẻ bất lương ấy cũng chính là nhằm xây dựng, bảo vệ, phát triển quyền dân tộc tự quyết, tự do dân chủ mà nhân dân ta đã đổ biết bao xương máu mới giành được. Đó là trách nhiệm chính trị, dân chủ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cũng như những người thiện lương, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
Những giá trị quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do, dân chủ của Nguyễn Ái Quốc kể từ khi bản Yêu sách gửi Hội nghị Versailles năm 1919 đến nay đã xuyên qua 100 năm. Hành trình ấy chưa dừng lại và sẽ mở ra sự thăng tiến, bồi đắp giá trị quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do, dân chủ trong thời kỳ mới. Làm phong phú thêm những giá trị quyền dân tộc - quốc gia tự quyết, giá trị quyền tự do, dân chủ trong tình hình hiện nay là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và những người Việt Nam yêu nước; đồng thời, nó phải đi liền với cuộc đấu tranh với các thế lực xấu xa lúc nào cũng tìm mọi cách phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
MẠCH QUANG THẮNG
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 469 - 471.
2 - (1). Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; (2). Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; (3). Tự do ngôn luận và tự do báo chí; (4). Tự do lập hội và hội họp; (5). Tự do cứ trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; (6). Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; (7). Thay thế chế độ ra sức lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; (8). Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 469.
4, 5 - Sđd, tr.469, 441.
6 - Sđd, Tập 6, tr. 367.
7 - Sđd, Tập1, tr. 97.
8 - Sđd, Tập15, tr. 622.
9 - Sđd, Tập 7, tr. 50.
10 - Sđd, Tập 4, tr. 21.
11, 12- Sđd tr. 52, 65.
13 - Sđd, Tập 10, tr. 572.
14 - Sđd, Tập 7, tr. 434.

4 nhận xét:

  1. Bản Yêu sách này, được coi là một văn kiện chính trị, pháp lý đầu tiên trong đời sống chính trị của Việt Nam; trong đó, nổi lên hai vấn đề quan trọng nhất: quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do, dân chủ. Bản Yêu sách ra đời đến nay đã 100 năm, nhưng giá trị của nó không bị phai mờ.

    Trả lờiXóa
  2. Trong hội nghị này Tổng thống Mỹ đưa ra những lời rất mỹ miều về quyền dân tộc tự quyết, về quyền dân chủ, … chạm trúng vào tâm lý khát khao nồng cháy đối với những người yêu nước của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, trong đó có những người Việt Nam yêu nước đang có mặt tại Pháp năm 1919.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Hồ đã giành trọn cuộc đời cho nước, cho dân; cả cuộc đời của Người là đấu tranh cho các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. Những giá trị quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do, dân chủ của Nguyễn Ái Quốc kể từ khi bản Yêu sách gửi Hội nghị Versailles năm 1919 đến nay đã qua 100 năm; nhưng vẫn chưa dừng lại và sẽ mở ra sự thăng tiến, bồi đắp giá trị quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do, dân chủ trong thời kỳ mới.

    Trả lờiXóa