Bạo lực cách mạng mang tính nhân văn, nhân đạo, hòa bình là tư tưởng đầu tiên và là nội dung cơ bản, quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh về quân sự. Nghiên cứu, nhận thức đúng vấn đề này có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và là căn cứ khoa học đấu tranh phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái hiện nay.
Với “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã không quản gian nan, vất vả quyết dấn thân để đạt được ham muốn nhân văn cao cả đó. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2; “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”3.
Bạo lực được hiểu là sức mạnh của một giai cấp, nhà nước (thậm chí là liên minh nhà nước) hoặc tập đoàn xã hội sử dụng để cưỡng đoạt, trấn áp hoặc chống lại sự cưỡng đoạt, trấn áp, cho nên có bạo lực tiến bộ, cách mạng và bạo lực phản động, phản cách mạng, tùy thuộc vào mục đích, bản chất của lực lượng sử dụng nó. Việc Hồ Chí Minh lựa chọn bạo lực cách mạng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bởi, tội ác mà chủ nghĩa thực dân, đế quốc đối với dân tộc Việt Nam quá lớn. Song, “bạo lực” mà Người sử dụng hàm chứa tính nhân văn, nhân đạo rất sâu sắc.
Lịch sử đã minh chứng, trong hơn 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp thực thi chính sách bóc lột dân ta đến tận xương tủy, chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước đòi độc lập. Đặc biệt, nạn đói từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người (bằng 10% dân số Việt Nam lúc bấy giờ) chính là hậu quả của chính sách cai trị vô nhân đạo của thực dân Pháp gây ra. Tuy nhiên, chúng hung hăng đàn áp, ức hiếp người dân bản xứ, nhưng bạc nhược đầu hàng phát xít Nhật. Khi nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì chúng lại tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ lại nhảy vào, với ý đồ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trong gần 20 năm hiện diện tại Việt Nam, chúng đã gây ra bao nhiêu tội ác rùng rợn, như vụ: thảm sát Mỹ Lai; Khánh Giang - Trường Lệ; Thạnh Phong, v.v. Đặc biệt, chúng còn ném hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam xuống hơn 10% diện tích đất miền Nam và ném hàng triệu tấn bom xuống miền Bắc, làm chết hàng triệu dân thường và để lại di chứng lâu dài cho nhiều triệu người các thế hệ người Việt Nam. Với những tội ác đó, thì việc “Hễ là người Việt Nam” sẵn sàng “thà hy sinh tất cả”, kiên quyết đứng lên, “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”, “kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”, thì mới là nhân văn, nhân đạo. Với cách tiếp cận như vậy, tư tưởng bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh hoàn toàn thống nhất với tư tưởng nhân văn, nhân đạo và hòa bình. Đó là sự tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của cha ông ta “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Người quan niệm: “…dụng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu dân, cứu nước”4.
Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta cho thấy: bạo lực mà Hồ Chí Minh sử dụng là bạo lực của quần chúng, là sức mạnh tổng hợp của lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Người chỉ rõ hình thức đấu tranh “hoặc là đấu tranh vũ trang, hoặc là đấu tranh chính trị của quần chúng, hoặc là lấy đấu tranh chính trị của quần chúng làm chủ yếu, kết hợp một cách linh hoạt với đấu tranh vũ trang theo mức độ thích đáng ở những nơi có thể làm được”5. Chính cách tổ chức lực lượng và sử dụng hình thức đấu tranh như vậy mà bạo lực cách mạng theo tư tưởng của Người khi thực hiện đã đưa đến kết quả nhân đạo và hòa bình. Điều này được minh chứng rõ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lực lượng chính trị của quần chúng giữ vai trò chủ yếu, quyết định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhanh chóng giành chính quyền trên cả nước mà sự tổn thất của cả ta và địch đều không đáng kể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Ma-ri-uýt Mu-tê ký bản Tạm ước Việt - Pháp, ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu |
Trong chỉ đạo chiến lược, Hồ Chí Minh luôn thể hiện quyết tâm bảo vệ hòa bình, ngăn chặn và không muốn chiến tranh xảy ra. Người luôn tích cực, kiên trì tìm kiếm cơ hội hòa bình dù rằng rất nhỏ. Minh chứng là, trước âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp ra sức phá hoại cuộc đàm phán Việt - Pháp dẫn đến Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tan vỡ. Để cứu vãn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động gặp Thủ tướng Pháp Gioóc-giơ Bi-đôn và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Ma-ri-uýt Mu-tê, ký Tạm ước 14-9-1946, nhằm vớt lại chút hy vọng về một khả năng hòa bình, dù hết sức nhỏ bé và mong manh. Sau này, mặc dù đế quốc Mỹ tìm mọi cách để phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), nhưng Hồ Chí Minh cùng Đảng ta luôn nhắc nhở đồng bào ta kiên trì đấu tranh chính trị để bảo vệ và thực hiện Hiệp định cho đến khi buộc phải tiến hành đấu tranh vũ trang. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người đã nhiều lần gửi thông điệp cho Tổng thống Mỹ, đề nghị đàm phán hòa bình, kết thúc chiến tranh, nhưng phía Mỹ đáp lại bằng việc leo thang chiến tranh. Khi chiến tranh xảy ra, Hồ Chí Minh luôn chủ trương dùng phương thức ít đổ máu nhất cho cả ta và địch. Người luôn tìm kiếm các giải pháp chính trị, tăng cường hoạt động ngoại giao, làm cho nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là nhân dân Mỹ hiểu rõ bản chất hiếu chiến, phản động của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, từ đó tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, gây sức ép buộc chính quyền thực dân, đế quốc thi hành hiệp định đã ký.
Khi cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì theo đuổi khả năng hòa bình, sớm kết thúc chiến tranh. Trong Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp ngày 07-01-1947, Người mong muốn: “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc”6. Khi bị cự tuyệt, Người chua xót thốt lên: “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”7. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Ri-sớt Ních-xơn ngày 25-8-1969, Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ”8. Người chủ động đề nghị: “Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”9. Khi mọi cố gắng của Hồ Chí Minh bị cự tuyệt, buộc chúng ta phải chiến đấu thì Người vẫn chỉ đạo: một tay đánh, một tay đàm, mở cửa cho nó ra. Đối với tù binh, hàng binh, Người chỉ thị cho quân và dân ta phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: “Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”10. Nhờ được đối xử tốt, những tù binh và hàng binh người Pháp, Mỹ và chư hầu sau khi được ta trả lại tự do, đoàn tụ với gia đình, nhiều người trong số họ đã trở thành những sứ giả hòa bình, bắc nhịp cầu đoàn kết giữa nhân dân nước họ với chúng ta. Như vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh sử dụng công cụ bạo lực không phải để trấn áp, trừng phạt mà để cảm hóa các tù binh, giúp họ trở thành những chiến sĩ hòa bình.
Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng bạo lực cách mạng còn thể hiện ở sự quan tâm của Người đối với việc giáo dục tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Nhờ giáo dục tinh thần yêu nước, thương nòi cho các tầng lớp nhân dân mà Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh sáng lập đã nhanh chóng đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên “một lực lượng chỉ đánh thắng địch chứ địch không thể đánh thắng”, nhờ đó mà “cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi”. Người giải thích: “Ta dùng sức mạnh tinh thần mà đánh thắng sức mạnh vật chất của địch. Tinh thần đoàn kết... Đoàn kết là một sức mạnh vô địch. Nó sẽ đánh thắng cả giặc thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ”11. Việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục giúp nhân dân nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước ít phải sử dụng công cụ bạo lực. Ngay cả những kẻ làm tay sai cho địch, Người không những không trừng phạt mà còn yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương “phải lợi dụng mọi cơ hội, mọi hình thức để tuyên truyền giác ngộ cho những kẻ lầm đường kia”12, điều đó càng làm sâu đậm thêm tính nhân văn trong tư tưởng về sử dụng bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh.
Đối với lực lượng nòng cốt thực hiện bạo lực cách mạng, Người giao nhiệm vụ mang đậm tính nhân văn sâu sắc: “chính trị trọng hơn quân sự”, tức là lấy tuyên truyền làm phương thức cơ bản để đấu tranh với kẻ thù, cũng chính là yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Người yêu cầu cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải thương yêu lẫn nhau như những người ruột thịt; coi trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần đoàn kết quốc tế, có lòng nhân đạo, có sự phân biệt rõ ràng giữa những kẻ xâm lược, hiếu chiến với nhân dân lao động, yêu chuộng hòa bình và công lý nhằm tăng bạn, bớt thù.
Thực tiễn trên cho thấy, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn tìm mọi cách để tránh xảy ra chiến tranh, nên đã phải nhiều lần nhân nhượng; nhưng càng nhân nhượng các thế lực thực dân, đế quốc hiếu chiến càng lấn tới, buộc quân và dân ta phải “đứng lên” cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc. Sự thực đó bác bỏ hoàn toàn sự bịa đặt của các thế lực thù địch cho rằng, Hồ Chí Minh và Đảng ta “hiếu chiến” nên mới đưa dân tộc vào cuộc chiến tranh hao người, tốn của.
Thượng tá NGUYỄN ĐÌNH BẰNG
_____________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 187.
2 - Sđd, Tập 12, tr. 30.
3 - Sđd, Tập 15, tr. 391.
4 - Sđd, Tập 4, tr. 286.
5 - Sđd, Tập 12, tr. 720.
6 - Sđd, Tập 5, tr. 15.
7 - Sđd, Tập 4, tr. 510.
8, 9 - Sđd, Tập 15, tr. 602, 603.
10 - Sđd, Tập 4, tr. 29-30.
11 - Sđd, Tập 6, tr. 509.
12 - Sđd, Tập 5, tr. 532.
Bạo lực cách mạng mang tính nhân văn, nhân đạo, hòa bình; đó là tư tưởng đầu tiên và là nội dung cơ bản, quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh về quân sự.
Trả lờiXóaChúng ta phải nghiên cứu, nhận thức đúng về bạo lực cách mạng; điều đó có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và là căn cứ khoa học đấu tranh phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái hiện nay.
Trả lờiXóaChúng ta phải nhận thức được: bạo lực mà Hồ Chí Minh sử dụng là bạo lực của quần chúng, là sức mạnh tổng hợp của lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân.
Trả lờiXóaThực tiễn ở Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn tìm mọi cách để tránh xảy ra chiến tranh; nhưng càng nhân nhượng các thế lực thực dân, đế quốc hiếu chiến càng lấn tới, buộc quân và dân ta phải “đứng lên” cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc. Sự thực đó bác bỏ hoàn toàn sự bịa đặt của các thế lực thù địch cho rằng, Đảng ta “hiếu chiến” nên mới đưa dân tộc vào cuộc chiến tranh hao người, tốn của.
Trả lờiXóa