Cứ bảo xã hội chúng ta đạo đức, thuần phong mỹ tục… đang bị xuống cấp. Nhưng khi mạnh tay với những hành vi này lại bị không ít người phản đối? Đấy mới là cái họa lâu dài.
Có một lần tôi đứng xem cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ dẫn giao thông tại ngã tư Nguyễn Thái Học - Chu Văn An (Hà Nội).
Có một gã thanh niên đi xe vượt đèn đỏ bị cảnh sát giữ lại.
Hỏi giấy tờ xe, gã không mang.
Hỏi bằng lái, gã cũng… không mang.
Anh thiếu úy cảnh sát phải lập biên bản xử phạt.
Đầu tiên là gã năn nỉ xin đừng phạt và dúi vào tay anh cảnh sát tờ 500 ngàn. Anh gạt ra và nói thẳng thắn: “Anh cất tiền, đừng để tôi phải lập biên bản về việc này”.
Gã lại rút điện thoại gọi cho ai đó, rồi cầm điện thoại đưa cho anh thiếu úy, nói lạnh lùng: “Ông nghe đi, có người muốn nói chuyện với ông”.
Anh cảnh sát lộ vẻ khó chịu và cũng thẳng thừng: “Tôi không có nghĩa vụ phải nghe điện thoại trong lúc này. Ai muốn xin cho anh, bảo người đó lên gặp giám đốc”.
Nghe cuộc đối thoại ấy, tôi thầm khen anh cảnh sát. Và chờ đợi xem “màn kịch” này diễn tiếp thế nào.
Thật ngạc nhiên, gã kia đứng quay lưng về anh cảnh sát và bắt đầu… chửi đổng. Gã lèm bèm chửi cảnh sát rằng, chúng mày là bọn thế nọ thế kia, rằng hôm nay lại tỏ vẻ trong sạch không ăn tiền… Gã chửi không lớn tiếng, mà chỉ đủ nghe.
Người vi phạm Luật Giao thông có hành vị chống đối lực lượng cảnh sát giao thông
Anh cảnh sát bực mình: “Này anh kia, anh chửi ai đấy”?
Gã tỉnh bơ: “Tôi có chửi ông đâu? Tôi chửi bọn… ngoài đường!”.
Rồi gã lại tiếp tục lèm bèm chửi đổng.
Anh cảnh sát bực quá quát: “Anh im đi cho tôi nhờ”.
Như chỉ chờ có thế, gã gào lên: “A, ông cậy ông là công an, ông quát dân à? Lịch sự để đâu, ai dạy ông ăn nói với dân thiếu kính trọng lễ phép như vậy”.
Thấy gã to tiếng, hai cảnh sát giao thông nữa đến. Gã vẫn bất chấp và phân bua với mấy người dân xúm lại xem: “Các ông xem, cảnh sát cậy quyền cậy thế bắt tôi im miệng… Ai có cái bút, tờ giấy cho tôi xin, tôi ghi số hiệu tay này, tôi gửi đơn lên trên, xem nó là con nhà ai mà dám hỗn láo với dân như thế”.
Có vài người dân cũng vào hùa: “Các ông công an phải xem lại cách nói với dân đi”; “Chắc là thằng này không chịu làm luật đây mà…”.
Anh cảnh sát uất đến tận cổ. Mặt anh đỏ lên, quai hàm bạnh ra, nhưng vừa lúc ấy, có một tốp cảnh sát 141 phóng xe tới. Trong tốp này có hai cảnh sát hình sự mặc thường phục. Thấy đám đông, anh em dừng lại. Lập tức, gã im bặt và nói to: “Thôi, các anh phạt, em chịu”.
Một cảnh sát hình sự mặc thường phục hỏi chuyện anh thiếu úy cảnh sát giao thông. Sau khi nghe kể lại, anh cảnh sát hình sự lừ lừ nhìn gã và nói thong thả: “Mày chửi lại cho tao nghe xem nào?”. Như bị bắt vía, gã ấp úng: “Em… em có chửi ai đâu”. Anh cảnh sát hình sự nhìn gã từ đầu đến chân, rồi hỏi: “Trông chú mày quen quen, hình như có lần vào số 7 Thiền Quang rồi phải không?”. Gã cười cầu tài: “Dạ, em cũng đã biết anh ạ. Thôi em xin anh, em cũng có nói năng hơi… bị hỗn. Anh đại xá!”. Chỉ chờ có thế, anh cảnh sát hình sự mỉm cười tinh quái, rồi à lên: “Tao nhớ mày rồi. Lật áo lên!”. Gã tái mét mặt, lúng túng… Anh cảnh sát hình sự túm lấy gã, tốc áo lên. Mọi người trố mắt khi thấy lưng gã xăm hình một cô gái cởi truồng, cười nhăn nhở. Anh nói to: “Thằng này gọi là Bình “củi”, Bình “xăm”. Hai tiền án, ba tiền sự. Mới được ra tù cuối năm ngoái. Bây giờ đi xe không giấy tờ, không bằng lái, vượt đèn đỏ, lại chửi công an. Vậy theo bà con, nên xử nó thế nào?”. Thế là cả đám đông lại nhao lên: “Nhốt thằng này vào”; “Phải xử thật nghiêm, thằng mất dạy”.
Rồi gã được dong về Phòng Cảnh sát hình sự. Còn mấy anh cảnh sát giao thông thở phào như vừa được thoát hiểm.
Được chứng kiến cảnh này, tôi cứ thầm nghĩ: “Nếu lúc nãy cảnh sát 141 không tới kịp, không hiểu anh cảnh sát giao thông nóng mắt, cho gã cái bạt tai… thì sự thể sẽ như nào?” - Sẽ là ầm ĩ lên chuyện cảnh sát giao thông “đánh dân, chửi mắng dân”; rồi hàng loạt tờ báo sẽ xúm vào “lên án” và chưa biết chừng, lý lịch “tam đại” nhà anh cảnh sát sẽ được réo lên báo? Rồi lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, chỉ huy đội sẽ ù tai về điện thoại yêu cầu được phỏng vấn và cũng chưa biết chừng, lãnh đạo Công an TP Hà Nội và có khi cả lãnh đạo Bộ cũng phải lên tiếng “thừa nhận rằng…”.
Tôi chợt nhớ tới Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, ngày ấy là Thứ trưởng Bộ Công an, tiếp một phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ. Ông Trưởng đoàn Hoa Kỳ đưa ra một số tấm ảnh về cảnh sát bảo vệ bịt miệng một bị cáo là thầy tu đang bị xét xử tại một phiên tòa và cao giọng phán xét rằng, Việt Nam vi phạm nhân quyền, đồng thời đề nghị Bộ Công an Việt Nam có hình thức xử lý thích đáng với những cảnh sát này. Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng hỏi lại ông ta: “Ngài có nhìn thấy vành móng ngựa bị ông thầy tu này đạp đổ không? Ngài có cần xem lại băng video quay cảnh ông ta chửi bới quan tòa, rồi xúc phạm cả lãnh tụ Hồ Chí Minh không?”. Ông trưởng đoàn nói: “Tôi có biết ông này đã… lỡ lời. Nhưng có cần thiết phải như vậy không?”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng nói thong thả: “Tôi với ngài là người từng trải, bạc cả đầu rồi. Chúng ta có đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh để kiềm chế trước những hành vi mất dạy của ông thầy tu này. Nhưng với những anh cảnh sát mà chắc chắn tuổi đời chỉ bằng con, cháu chúng ta thì liệu họ có đủ sức kiềm chế trước những kẻ coi thường pháp luật, không coi đạo lý ra gì không? Nhất là khi ông ta còn xúc phạm lãnh tụ của cả dân tộc chúng tôi? Khi tôi còn trẻ, nếu gặp phải trường hợp như thế này, có khi tôi còn cứng rắn hơn thế đấy”. Nghe Thượng tướng nói thế, ông Trưởng đoàn Hoa Kỳ đành gật đầu và cười: “Kể cũng khó kiềm chế thật?”.
***
Xã hội ta bây giờ ngày càng lắm những chuyện chướng tai gai mắt, hay nói một cách “thẳng thắn” hơn là lắm kẻ “mất dạy”.
Có những kẻ ngang nhiên ngồi lên đầu tượng đài.
Có những kẻ ngang nhiên trêu chọc, thách thức cảnh sát trong khi người cảnh sát đó đang thi hành nhiệm vụ.
Ở Hà Nội, không hiếm thấy những kẻ nhuộm tóc xanh đỏ, để đầu trần, phóng xe máy bạt mạng và nếu thấy cảnh sát thì còn: “Vẫy tay, vẫy tay… chào nhau”.
Rồi những học sinh ngang nhiên đi xe máy đến trường.
Thật khổ cho cảnh sát. Nếu có đuổi theo bắt giữ chúng, nếu an toàn thì không sao, nhưng nếu chúng lao vào người khác hoặc lao vào gốc cây, cột điện mà bị tai nạn thì lập tức búa rìu dư luận lại giáng xuống đầu người thi hành công vụ.
Có cảm giác rằng, xã hội chúng ta quá thiếu những biện pháp để trị những kẻ “mất dạy” và thậm chí còn “bảo vệ” chúng.
Và cũng có cảm giác rằng, những người thi hành công vụ đang không được thông cảm, ủng hộ và bảo vệ. Cho nên, tâm lý ngại va chạm, ngại xử lý, thiếu kiên quyết trước những hành vi mất dạy đang ngự trị trong nhiều anh em công an, nhất là ở những công việc “nóng” như cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự…
Và bi kịch cho xã hội chúng ta là ở chỗ: Chính nhiều bậc cha mẹ đã nuông chiều con cái, tạo cho chúng cách cư xử, nói năng “mất dạy”. Và khi con cái đã mất dạy hoặc vi phạm pháp luật, bị xử lý thì họ đổ tại “xã hội”. Gia đình là một tế bào của xã hội. Nhiều tế bào bị “ung thư” thì xã hội ắt cũng bị “ung thư” mà thôi.
Một vấn đề nữa là xã hội chúng ta đang thiếu những biện pháp cứng rắn, kiên quyết để trừng trị những kẻ có hành vi mất dạy, mà nặng về giáo dục suông. Ở Singapore đấy, có kẻ mất dạy, bị chính quyền nọc ra đánh giữa quảng trường, mặc cho chính quyền Mỹ kêu gào, phản đối… Nhưng chẳng ai dám quy kết chính quyền Singapore là “thiếu dân chủ” cả.
Cứ bảo xã hội chúng ta đạo đức, thuần phong mỹ tục… đang bị xuống cấp. Nhưng khi mạnh tay với những hành vi này lại bị không ít người phản đối? Đấy mới là cái họa lâu dài.
(Petromtimes)
Ai cúng cho mình là đúng và coi thường người khác thì 10 anh công an cũng chịu; cứ luật mà làm thì sẽ phải im hơi lặng tiếng hết.
Trả lờiXóaNhững người vi phạm giao thông thường nghĩ mấy anh công an sướng lắm; nhưng cho làm công an thử vài giờ xem sao? chắc sẽ bỏ chạy luôn.
Trả lờiXóaAi cũng vậy thôi khi trực tiếp làm việc gì mới thấy hết những khó khăn vất vả trong việc ấy; hãy đặt mình vào vị trí của người khác mà xem xét.
Trả lờiXóa