Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG TRONG CUỘC ĐẤU TRANH VỚI NẠN THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Trần Mai Chi
Hiện nay, Đảng ta xác định: “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đững đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị...”[1]. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, đó là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng từ cấp cao nhất trong bộ máy của Đảng, Nhà nước bằng những chiến lược và hành động thực tiễn, được cụ thể hoá và công khai hoá để nhân dân giám sát chứ không chỉ dừng lại ở những nghị quyết, những lời nói mang tính hô hào, phong trào, khẩu hiệu.
Trong hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp có vị trí quan trọng và trực tiếp quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Khi người đứng đầu các cấp đã giương cao ngọn cờ chống tham nhũng chắc chắn sẽ tập hợp xung quanh mình lực lượng mạnh mẽ chống tham nhũng. Do đó, người đứng đầu phải thực sự trong sáng, liêm chính, là tấm gương sáng về đạo đức lối sống, không chấp nhận tham nhũng. Sự trong sáng, liêm chính đó bắt đầu từ bản thân, tới tập thể và những người thân xung quanh, gần nhất như: tập thể lãnh đạo, các cộng sự, các cấp dưới trực tiếp cho đến những người trong gia đình phải tạo thành tấm gương tập thể, chiếu vào cộng đồng xung quanh, tạo những vùng sáng liêm chính liên tục trong toàn xã hội. Đồng thời, “kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý...”[2].
Việc xây dựng quyết tâm chính trị ở đây còn phải gắn liền với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo Đảng lãnh đạo trong khuôn khổ luật pháp, không can thiệp vào các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, và kiên quyết xóa bỏ “các vùng cấm” trong thực tế. Đảng cần phát huy dân chủ thực sự, nâng cao tính công khai, minh bạch về hoạt động của đội ngũ cán bộ các cấp, công khai địa chỉ, điện thoại, thư điện tử, tăng cường các mối quan hệ trực tiếp giữa người dân và cán bộ, đảng viên. Tăng cường các buổi tiếp dân, trực tiếp đối thoại với dân, không lựa chọn hay hạn chế diện người được tham gia tiếp xúc. Bên cạnh đó, cần thẩm tra lại những vụ thanh tra đã phát hiện tham nhũng nhưng sau đó lại kết luận chỉ xử lý hành chính, đưa ra xét xử công khai tất cả các trường hợp đúng người, đúng tội, không để lọt người, lọt tội, cũng không để oan sai.





[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.211.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Sđd, tr.212. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét