Kiên Trung
Lịch sử đã ghi nhận, vào
các năm 1957 và 1960, Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế
đã họp ở Matxcơva, trên cơ sở tiếp thu sáng tạo di huấn của V.I.Lênin, đúc rút
kinh nghiệm từ thực tiễn sinh động của cách mạng thế giới, đã xác định: nội dung cơ bản của thời đại chúng ta là sự
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng Cách mạng xã hội
chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại ở nước Nga. Nhận định về nội dung thời đại như
vậy là sự khái quát mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết
phục, do đó đã được sự nhất trí cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế.
Tuy nhiên, từ cuối thập kỷ
80 của thế kỷ XX cho đến nay, chúng ta đã và đang chứng kiến những biến đổi sâu
sắc trên thế giới về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật,…
trong đó có nhiều biến động bất ngờ, nhiều sự kiện biến hóa khôn lường, đầy
kịch tính. Đặc biệt, sau sự sụp đổi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đã và đang có nhiều quan
điểm hoặc vô tình không hiểu hoặc cố tình cho rằng, thời đại ngày nay không còn
là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác,
theo họ, cần phải xác định lại nội dung, tính chất của thời đại ngày nay.
Trên cơ sở phương pháp tiếp cận hình thái kinh
tế - xã hội của C.Mác, chúng ta hiểu rằng, trong một thời đại bao giờ cũng diễn
ra quá trình hình thành, phát triển và thống trị của một hình thái kinh tế - xã
hội mới tiến bộ, và quá trình suy tàn, tiêu vong của hình thái kinh tế - xã hội
cũ lạc hậu. Hai quá trình này đan xen, đấu tranh với nhau và là động lực thúc
đẩy sự phát triển của xã hội trong thời đại đó. Theo đó, thời đại ngày nay chính là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản
lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Trong đó, thắng lợi của cách mạng
xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và việc giai cấp công nhân đóng vai trò là
trung tâm của lịch sử đã quyết định diện mạo, chiều hướng phát triển và nội
dung, tính chất của thời đại ngày nay.
Mặt khác, khi nói thời đại ngày
nay là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế
giới không có nghĩa là trong suốt cả thời kỳ lịch sử ấy, chủ nghĩa xã hội chỉ
có phát triển đi lên, không có những bước thoái trào, thất bại, thụt lùi. Điều
này, chính V.I.Lênin đã từng chỉ rõ: “Trong
mỗi thời đại đều có và sẽ còn có những phong trào cá biệt, cục bộ, khi tiến,
khi lùi; đều có và sẽ còn những thiên hướng khác nhau đi chệch ra khỏi phong
trào chung và nhịp độ chung của phong trào”. Do vậy, hiện nay chủ nghĩa xã hội tuy bị tổn thất nặng nề, nhưng những
thành tựu phát triển của nó cũng như sự thật về tiến trình quá độ tiến lên chủ
nghĩa xã hội của thế giới là không thể phủ nhận, không thể đảo lộn. Sự đổ vỡ,
tan dã của hệ thống xã hội chủ nghĩa không thể làm chấm dứt, kể cả làm gián
đoạn tiến trình lịch sử quá độ lên chủ nghĩa xã hội của thế giới.
Hơn nữa, nếu xem xét nội
dung cơ bản của thời đại ngày nay mà chỉ căn cứ vào những diễn biến trong một
giai đoạn lịch sử nhất định (như thập kỷ 90 của thế kỷ XX vừa qua), mặc dù
những diễn biến đó rất quan trọng, nhưng nếu cắt dời chúng với những thời kỳ có
liên quan thì quả là một sự phiến diện, chủ quan, thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản hiện
đại mặc dù có khả năng điều chỉnh, thích nghi và đang tạm thời chiếm ưu thế về
kinh tế, khoa học công nghệ và cả quân sự, song không phải vì thế mà nói rằng,
giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản đóng vai trò trung tâm, quyết định chiều
hướng vận động của thế giới, cũng như quyết định nội dung, tính chất của thời
đại ngày nay.
Với những cơ sở nói trên, chúng ta hoàn toàn
khẳng định: trong điều kiện hiện nay, tuy tình hình thế giới đã, đang và sẽ có
nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, nhưng hệ thống xã hội chủ
nghĩa thế giới đang tạm thời lâm vào thoái trào, chủ nghĩa tư bản vẫn còn khả
năng điều chỉnh, thích nghi,… song điều đó không làm thay đổi hoặc mất đi bản
chất, xu hướng và nội dung cơ bản của thời đại ngày nay như sự xuyên tạc của các
thế lực thù địch. Trong đó, nội dung của
thời đại được xác định vẫn là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa
xã hội trên phạm vi toàn thế giới bắt đầu từ thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng
Mười Nga vĩ đại năm 1917. Và, tính chất của thời
đại ngày nay là cuộc đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt giữa chủ nghĩa xã
hội đang trong quá trình hình thành, phát triển với chủ nghĩa tư bản đã hết vai
trò lịch sử, đang trong quá trình suy tàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét