Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

PHẢI CHĂNG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM LÀ MỘT THỨ “ĐẦU NGÔ MÌNH SỞ”?


                                                                                            Kiên Trung
         
Thực tiễn đã chứng minh, kinh tế thị trường là một thành tựu chung của văn minh nhân loại chứ không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội đạt ở trình độ cao, phản ánh trình độ văn minh của nhân loại và là kết quả của sự phát triển của lịch sử xã hội loài người. Vì kinh tế thị trường là thành tựu chung của văn minh nhân loại nên nó có thể được áp dụng cho mọi nước, với mọi chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Theo đó, Việt Nam cần và có thể xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường không những không đối lập mà còn là một điều kiện khách quan, cần thiết của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, do kinh tế thị trường luôn chứa đựng hai mặt - tích cực và tiêu cực. Cho nên, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những khuyết tật của thị trường, xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, tiến bộ, phấn đấu đạt được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Hơn thế nữa, trong thực tiễn, quá trình định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện ngay trong sự vận động của các thành tố kinh tế thị trường, phản ánh xu thế phát triển tất yếu của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay, chứ đâu phải là sự gán ghép, chắp vá một cách vụng về, khiên cưỡng. Điều quyết định cơ bản là, nếu như dưới chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường được xem là mục tiêu, thì dưới chủ nghĩa xã hội ở nước ta nó chỉ là công cụ, phương tiện để thực hiện mục tiêu đã xác định. Chúng ta chỉ coi kinh tế thị trường là phương tiện, cách thức để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội gắn chặt với việc không ngừng nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân, chứ hoàn toàn không phải là vì mục đích giành lấy lợi nhuận tối đa bằng mọi giá như chủ nghĩa tư bản đã và cố sức làm. Vì thế, đối với nước ta, nếu bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa đi thì kinh tế thị trường đơn giản chỉ là thứ kinh tế thị trường hoang dã, hay kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Điều đó một lần nữa chứng tỏ, Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đòi hỏi tất yếu khách quan, là điều hết sức bình thường, rõ ràng, chứ tuyệt nhiên không phải là thứ “đầu ngô mình sở” như luận điệu xuyên tạc, đặt điều của các thế lực thù địch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét