Bài phát biểu mang thông điệp hòa bình, thúc đẩy lòng tin và hợp tác phát triển, thu hút nhiều sự chú ý. Đáp ứng sự quan tâm của độc giả, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài viết nhằm làm rõ hơn nội hàm này.

Bài 1: Nền quốc phòng toàn dân, toàn diện 

“Tự cường, tự cứu” - nguyên tắc căn bản để duy trì độc lập dân tộc 

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) khẳng định, bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn chiến lược đối với các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, gắn với thực tiễn cùng những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về quốc phòng, an ninh. Trong đó, khẳng định xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, nhưng các vấn đề an ninh truyền thống vẫn còn nhiều phức tạp, điển hình là cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Vì thế, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh chung ấy, mỗi quốc gia lựa chọn cho mình chiến lược ứng phó khác nhau và Việt Nam kiên trì lựa chọn giải pháp hòa bình, thể hiện rõ ràng ở nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ và tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. 

Cùng chia sẻ quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Hoàng Thị Hà, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho biết, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, các nước đều nêu bật sự cần thiết phải nâng cao năng lực quốc phòng, quân sự nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia. “Đây là nhu cầu tự vệ chính đáng và đó cũng là thông điệp quan trọng của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại diễn đàn. Nguyên tắc tự cường, tự cứu là điều căn bản trong việc duy trì nền độc lập dân tộc”, theo bà Hoàng Thị Hà. 

Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ
Bộ trưởng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19. Ảnh: THU TRANG 

Thông điệp về quốc phòng, an ninh của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, theo đánh giá của một số học giả, nhà quân sự trong và ngoài nước, cho thấy vai trò và vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế khi khẳng định rõ nền quốc phòng toàn dân mang tính chất hòa bình và tự vệ. Theo chuyên gia Hoàng Thị Hà, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn theo xu hướng phân cực và tối đa hóa quyền lực tiếp tục được đẩy mạnh, các nước vừa và nhỏ-đặc biệt tại Đông Nam Á-đang đứng trước nhiều bài toán khó, bao gồm thách thức làm thế nào để giữ vững tính độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước? Với nguồn lực có hạn, làm thế nào để vừa nâng cao năng lực quốc phòng, vừa ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cũng như những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như thiên tai, khủng bố và dịch bệnh? Với sự trở lại của cách tiếp cận “cân bằng quyền lực” và “răn đe quân sự” của các nước lớn, làm thế nào để tiếp tục duy trì vai trò của ASEAN trong thúc đẩy an ninh hợp tác? Các nước lớn đã và sẽ tiếp tục tăng cường chú ý và đầu tư chiến lược vào Đông Nam Á. Điều này góp phần nâng cao vai trò địa chính trị của Đông Nam Á và đem đến cả thách thức lẫn cơ hội cho các nước trong khu vực. 

Việt Nam mong muốn công khai, minh bạch trong tăng cường tiềm lực quốc phòng

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á còn cho biết thêm, một số bộ trưởng quốc phòng của các nước tham dự đối thoại cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực răn đe, ứng phó và điều này đồng nghĩa với việc phải tăng ngân sách quốc phòng-điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu đang làm.

Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, “đây là một nghịch lý của quan hệ quốc tế trong thời đại hiện nay, rằng để bảo đảm hòa bình, cần nâng cao sức mạnh quân sự. Nghịch lý này sẽ có hệ lụy phức tạp trên hai phương diện. Thứ nhất, chạy đua vũ trang-đặc biệt giữa các cường quốc-sẽ được đẩy mạnh. Thứ hai, sẽ tiếp tục chứng kiến ở một cấp độ cao hơn tình trạng tiến thoái lưỡng nan về mặt an ninh-nghĩa là việc một hay nhóm nước tối đa hóa an ninh của chính mình gây ra lo ngại, nghi kỵ và chạy đua vũ trang từ các quốc gia khác”.  

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, tăng cường khả năng quốc phòng phải bảo đảm sự minh bạch, tránh nghi kỵ, hiểu lầm, khiến suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Thông điệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam được giới học giả đánh giá rất có ý nghĩa đối với diễn đàn thúc đẩy hợp tác, vì hòa bình, phát triển như Shangri-La, vì đã góp phần giải quyết những mối quan ngại xung quanh vấn đề tăng cường tiềm lực quốc phòng, sức mạnh quân sự nói chung của các nước. Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết cho rằng, trong bối cảnh đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng là xu thế không thể tránh khỏi và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi là vô cùng cần thiết để xu thế đó không bị biến thành một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, bởi hợp tác luôn đi đôi với cạnh tranh. Để giữ gìn hòa bình và phát triển thịnh vượng cho nhân loại, các quốc gia cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo Đại tá Vũ Thành Văn, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), một trong những điểm nhấn quan trọng trong thông điệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 chính là khẳng định: “Việt Nam mong muốn công khai, minh bạch trong tăng cường năng lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội nhằm tránh gây nghi kỵ, hiểu lầm, mất lòng tin chiến lược giữa các nước, dẫn tới chạy đua vũ trang, kéo theo những hệ lụy khó lường”. Việt Nam hiện đại hóa vũ khí, trang bị là để bảo vệ Tổ quốc, không hề có dụng ý răn đe sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực chống lại nước khác; đúng như chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết nhấn mạnh thêm, bản chất nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam cũng đã thể hiện sự minh bạch. Cụ thể, tăng cường tiềm lực quốc phòng không chỉ là tăng cường sức mạnh quân sự mà là tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, cả về chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học-công nghệ, quân sự. Hiện đại hóa quân đội không chỉ là hiện đại hóa vũ khí, trang bị mà còn là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tinh thần, hiện đại hóa về tổ chức, biên chế, nghệ thuật quân sự... Theo Đại tá Vũ Thành Văn: “Quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện. Tăng cường khả năng quốc phòng là tăng cường tiềm lực trên mọi phương diện, chứ không đơn thuần chỉ là hiện đại hóa vũ khí, trang bị”. 

Vừa bảo vệ mình, vừa đóng góp bảo vệ hòa bình thế giới

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh thông điệp Việt Nam “thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc”, sau khi đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, chịu nhiều đau thương, mất mát. Việt Nam khao khát thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết, hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam không tách rời hòa bình của khu vực và trên thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta”. Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh chung, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Vì vậy, Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc vừa là để bảo vệ, gìn giữ hòa bình của mình, vừa góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Về phần mình, Đại tá Vũ Thành Văn cho biết, trong phát biểu của Việt Nam tại các kỳ Đối thoại Shangri-La luôn truyền tải một thông điệp có ý nghĩa, đó là: Mong muốn an ninh khu vực và thế giới được duy trì ổn định, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh chung gìn giữ hòa bình; các nước giải quyết tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích các quốc gia.

(còn nữa)

MỸ HẠNH