Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CHỦ TRƯƠNG THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CẤP TỈNH

 Văn Hóa

Vừa qua, một số trang mạng xã hội và truyền thông của các thế lực thù địch, phản động như: Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, RFA, VOA, RFI… đã có những bài viết xuyên tạc, đả phá Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Bộ Chính trị trình Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tán thành. Các thế lực thù địch, phản động cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng “chỉ là mị dân”, ngụy biện “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam”. Chưa hết, chúng cho rằng, chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không cần thiết, chỉ tốn tiền của dân”, cho rằng việc làm này là “giả tạo”…

Thực chất, những luận điệu này nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ, từ đó kêu gọi muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, phải đa nguyên, đa đảng… Những luận điệu này cho thấy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra bức tranh tối màu về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, phủ nhận mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng; gieo rắc tâm lý bất an, gây ra sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trước thực tế đó cần nhận thức sâu sắc rằng, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết, quan trọng. Thực tế cho thấy, năm 2006, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng được thành lập và được xác định là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) của Đảng đã quyết định tổ chức lại Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, chuyển đổi mô hình Ban chỉ đạo trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sang mô hình Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Những năm qua, mặc dù kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được là rất quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét. Một số cấp ủy, tổ chức đảng quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác này tại địa phương đã bộc lộ bất cập, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; do đó nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết, thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đây là những cơ sở để phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề này./.

1 nhận xét:

  1. Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; do đó phải chống tham nhũng triệt để.

    Trả lờiXóa