Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

NGUYỄN THỊ BÌNH – “BÔNG HOA THÉP” CỦA NỀN NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Cương Trực

Cho đến nay, quá trình đàm phán Hội nghị Paris trong suốt 5 năm (1968 - 1973), ngoài tên tuổi của những nhà ngoại giao như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, nhân dân Việt Nam và bè bạn thế giới vẫn nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình như một nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ XX. Bà được ví là “bông hồng thép” của nền ngoại giao Việt Nam.

Trước hết, có nhiều yếu tố hội tụ để làm nên “bông hồng thép” Nguyễn Thị Bình. Bà là một trí thức từng theo học “trường Tây”, một nhà yêu nước và cách mạng, một nhà ngoại giao xuất sắc, một nhân vật lịch sử của những thời khắc lịch sử của đất nước. Tại Hội nghị Paris, bà đảm nhận vai trò Trưởng đoàn Đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất ký vào bản Hiệp định 4 bên. Những ứng xử khéo léo và phong cách ngoại giao sắc sảo của người phụ nữ duy nhất trên bàn đàm phán đã thu hút sự chú ý của dư luận phương Tây. Sự xuất hiện của Bà ở Paris đã là “điểm cộng lớn” cho đoàn đàm phán của ta, tạo lợi thế trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận thế giới, đặc biệt là đối với báo chí. Bà đã tạo ấn tượng khi thể hiện là người có thể kết hợp “cương - nhu” mà chúng ta áp dụng trên bàn đàm phán. Bà có phong cách đi đứng nhanh nhẹn, nói năng, đối đáp, xử trí linh hoạt. Thêm vào đó, bà sử dụng tiếng Pháp lưu loát, hiểu biết sâu rộng về tiếng Anh. Những thước phim về Bà tại Pari khi được công bố đã đem lại nhiều cảm xúc với sự trân trọng và kính phục của toàn thể người dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế.

Ấn tượng về một người phụ nữ vô cùng cứng rắn nhưng cũng hết sức “nữ tính” với tà áo dài Việt Nam đã trở thành một trong những “át chủ bài” của Đoàn Đàm phán Việt Nam. Bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “kép” của một Trưởng đoàn là đàm phán, đồng thời tranh thủ dư luận. Bà góp phần quan trọng tạo ra “phong thái ngoại giao Việt Nam”, đàng hoàng, tự tin, cần thì rất cương quyết, nhưng đồng thời cũng mềm mỏng và uyển chuyển. Vai trò và sự đóng góp của vị “sứ giả hoà bình” Nguyễn Thị Bình là một biểu tượng sáng giá của Việt Nam ở những nǎm cuối thế kỷ XX. Với phong cách ngoại giao tài tình, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trên bàn đàm phán cùng với dáng vẻ duyên dáng của mình, “bông hồng thép” Nguyễn Thị Bình đã có nhiều đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao giai đoạn 1968 - 1975. Là biểu tượng cho phẩm giá tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, trong thời gian làm ngoại giao cũng như sau này lãnh đạo đất nước, Bà Nguyễn Thị Bình luôn giành được sự thiện cảm, khâm phục, kính trọng của các chính khách, giới báo chí, kể cả những người bên kia chiến tuyến.

1 nhận xét:

  1. Bà Nguyễn Thị Bình luôn giành được sự thiện cảm, khâm phục, kính trọng của các chính khách, giới báo chí, kể cả những người bên kia chiến tuyến.

    Trả lờiXóa