Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân của Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Gần đây, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tìm mọi cách phủ nhận Điều 4 Hiến Pháp, phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; đòi thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng. Chúng đưa ra các luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ lãnh đạo được cách mạng dân tộc dân chủ, dành độc lập dân tộc, còn xây dựng đất nước thì không đủ khả năng cần phải chia quyền các đảng phái khác; rằng thực hiện chế độ đa đảng sẽ dân chủ hơn. Những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội là hợp hiến, hợp pháp. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là sự kế thừa các bản Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và thể hiện ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam. Trước khi Quốc hội thông qua, Hiến pháp năm 2013 đã được Nhà nước tổ chức lấy ý kiến tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân và tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp. Do vậy, chúng ta hoàn toàn bác bỏ luận điệu sai trái cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình cái quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, duy nhất, vì luận điệu ấy hoàn toàn sai lầm.

Thứ hai, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đã có thời điểm xuất hiện đa nguyên, đa đảng, song lịch sử cũng đã phủ nhận đa nguyên, đa đảng, xác định vị trí độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng chứng là, trước năm 1930, ở Việt Nam đã tồn tại nhiều đảng phái chính trị, ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), còn có một số tổ chức, đảng phái chính trị khác theo đường lối cách mạng tư sản, song thực tiễn lịch sử đã cho thấy chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau 1954, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong giai đoạn này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Ngược lại, ở miền Nam, với sự tiếp sức của đế quốc Mỹ xâm lược, các thế lực phản động, tay sai đã lập nên một chính thể đa nguyên có sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị, nhưng mục đích của các đảng phái đó không vì quyền lợi của nhân dân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Do vậy, nên nhân dân Việt Nam đã phản đối, đứng lên lật đổ thể chế chính trị đó. Sau  năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, và cho đến nay, nền chính trị nhất nguyên được thiết lập, một lần nữa nhân dân Việt Nam tiếp tục lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, người đại đại diện duy nhất cho mình.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Qua hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng nước nghèo kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô từng bước được ổn định, lạm phát được kiềm chế. Đời sống nhân dân được nâng cao; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng. Bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh trạnh lành mạnh. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng , an ninh được tăng cường. Văn hóa xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Luận điệu phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội của các thế lực thù địch là hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng, sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân Việt Nam. Mọi công dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội của chúng ta./.


 

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải dựa vào nhân dân mới mang lại thành công

    Trả lờiXóa