Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Đánh giá sai lệch của Nghị viện châu Âu

CAND-Vừa qua, cơ quan nghiên cứu của Nghị viện châu Âu công bố bản báo cáo về các hoạt động hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới của Liên minh châu Âu (EU Support for human rights defenders around the world). Đáng tiếc, nội dung của bản báo cáo nàychứa đựng những thông tin không khách quan, sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Theo nội dung của báo cáo mới được đưa ra, Liên minh châu Âu cho rằng, họ đã gặp nhiều giới hạn trong việc bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam; vu cáo những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bị kiểm soát ngặt nghèo, chính quyền Việt Nam sẵn sàng đàn áp những người hoạt động nhân quyền “một cách trắng trợn”.

Từ đó, đặt ra yêu cầu đòi hỏi Việt Nam thoả hiệp, thả các “tù nhân chính trị” để đạt được lợi ích… Để bảo vệ cho những luận điểm trên, cơ quan này đưa ra dẫn chứng về trường hợp của Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… và kết luận việc bắt giữ, kết án các đối tượng này là “tuỳ tiện”, việc xét xử “không công bằng, làm oan người vô tội”?!

Đây không phải là lần đầu Nghị viện châu Âu đưa ra những đánh giá, nhận định sai trái, thiếu khách quan, thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Điều này đã đi ngược lại lợi ích, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Phải khẳng định rõ, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo các quy định của pháp luật. Việt Nam luôn ủng hộ và chào đón các cơ quan, tổ chức quốc tế đến nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch, khách quan, tôn trọng lẫn nhau.

Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng đối thoại một cách hết sức cởi mở trên lĩnh vực quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau với cộng đồng thế giới và đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm tốt của đất nước trong đảm bảo quyền con người.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia vào cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Thông qua cơ chế này, Việt Nam thể hiện rõ chính sách, nỗ lực cũng như thành tựu của đất nước trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Thực tế, Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận, đánh giá cao trên lĩnh vực này và đã được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 -2016.

Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ, thậm chí cả một số cơ quan của nước ngoài lại cố tình phớt lờ sự thật, thường xuyên thể hiện cách nhìn nhận phiến diện, thiếu thiện chí, chính trị hoá khi đánh giá về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Thay vì tiếp xúc trực tiếp, thu thập thông tin từ đại đa số người dân Việt Nam và các nguồn dữ liệu tin cậy, họ lại liên hệ, lấy ý kiến từ các đối tượng chống phá đất nước để quy chụp rằng Việt Nam “đàn áp nhân quyền”. Một báo cáo chắp vá, lấy ý kiến từ chính những đối tượng phạm pháp, chống phá đất nước thì đủ hiểu bản chất của báo cáo, nội dung trong đó là gì!

Thời gian qua, các đối tượng chống phá núp dưới bóng dân chủ, nhân quyền đã nhận được sự hậu thuẫn, giúp đỡ trên nhiều mặt từ một số cơ quan, tổ chức nước ngoài. Từ đó, những kẻ này gia tăng hoạt động phá hoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Những cái tên được Nghị viện châu Âu phù phép bằng cụm từ “tù nhân chính trị” như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thực chất là những “ngọn cờ” chống phá trong nước được các thế lực xấu dựng lên và nuôi dưỡng. Mặc dù số này luôn miệng hô khẩu hiệu đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, bám víu từ các nguồn hỗ trợ bên ngoài nhưng lại thường xuyên kích động thù hằn, tụ tập các đối tượng xấu trong nước để gây rối trật tự công cộng. Cùng với đó, các đối tượng đẩy mạnh việc tán phát những tài liệu, thông tin độc hại nhằm gây nhiễu loạn dư luận, hình thành các nhận thức sai lầm trong xã hội.

Mục đích của những kẻ này là phá vỡ sự ổn định về chính trị của đất nước, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị. Với những hành vi sai phạm đã thực hiện, việc các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ, xử lý là đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, không phải là hành động “đàn áp người đấu tranh” như những gì các đối tượng xấu và một số cơ quan nước ngoài có cái nhìn phiến diện về Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà phủ nhận những kết quả tích cực đã đạt được trong việc bảo đảm nhân quyền.

Nhân quyền là một lĩnh vực rộng, liên quan trực tiếp đến đời sống của con người, là tổng hợp của các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong đó, những quyền cơ bản, thiết yếu, thực tế nhất là quyền được sống, quyền được bình đẳng, quyền được phát triển trong một xã hội an toàn, quyền được học tập, quyền được lao động…

Một vài số liệu dẫn chứng cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong bảo vệ quyền con người là: Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020; đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tại Việt Nam không có khủng bố, người dân được sinh sống và lao động trong môi trường an ninh, an toàn, ổn định… Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam xếp vị trí 77 (tăng 2 bậc so với năm 2021).

Hiện nay, Việt Nam là một điểm đến được nhiều bạn bè quốc tế lựa chọn. Không chỉ đến với mục đích du lịch ngắn ngày, số người nước ngoài đến Việt Nam cư trú, lao động, học tập dài ngày ngày càng nhiều. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2021, Việt Nam có 101.550 lao động nước ngoài, đến từ  hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số đó, có không ít người là chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Như vậy thử hỏi, nếu tình hình nhân quyền của Việt Nam “hết sức tồi tệ” thì liệu điều này có thể xảy ra hay không?

Xin nhắc lại lời than của “nhà dân chủ” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi sống ở xứ sở cờ hoa trong mùa dịch COVID -19 rằng: “Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ”. Rõ ràng, ở quốc gia nào cũng tồn tại những góc khuất, những vấn đề còn bức xúc trong đời sống xã hội, dù đó là những nước đang phát triển hay nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ cũng vậy.

Vì vậy, không thể tuyệt đối nền dân chủ, nhân quyền của một quốc gia, một chế độ nào và coi đây là hình mẫu bắt buộc cho đất nước khác. Một quốc gia có nhân quyền hay không, có tốt đẹp hay không thì chỉ người dân đất nước đó mới có thể đánh giá. Đồng thời, trước khi đánh giá về tình hình Việt Nam, các quốc gia, tổ chức quốc tế hãy tự nhìn lại chính mình, tự xoá bỏ “bóng tối dưới chân đèn” của chính mình.

Anh Tú

1 nhận xét:

  1. Trước khi đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thì các quốc gia, tổ chức quốc tế hãy tự nhìn lại chính mình, tự xoá bỏ “bóng tối dưới chân đèn” của chính mình đi đã

    Trả lờiXóa