Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

VĂN HÓA SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI

HH

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 24/11/1946 tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc hội nghị, Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, tự chủ. Văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới với ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa có liên lạc với chính trị là rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích cá nhân. Người khẳng định số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Với tư cách là nền tảng tinh thần xã hội, là bộ lọc, định hướng giá trị và điều tiết hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa suy cho cùng là hướng tới xây dựng con người. Con người làm nên lịch sử và quyết định tương lai của chính mình, trong đó có văn hóa, các đặc trưng văn hóa cộng đồng, dân tộc. Văn hóa định hình các giá trị chuẩn mực của con người, phù hợp với điều kiện lịch sử, các giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia. Đó cũng là cơ sở để phân biệt sự khác nhau về văn hóa giữa các dân tộc, cũng như sự thấm sâu của văn hóa trong hoạt động của con người, trong sự vận hành của chế độ xã hội. Khi tổ quốc bị xâm lăng, văn hóa lại chính là chất keo kết dính, cố kết cộng đồng, sức mạnh nội sinh để đánh bại kẻ thù xâm lược. Kinh tế lâm vào khó khăn, chính trị xa rời tính nhân văn, xã hội khủng hoảng niềm tin, đạo đức xuống cấp, khi đó văn hóa đóng vai trò điều chỉnh trực tiếp, thông qua các giá trị cốt lõi như niềm tin, đạo đức, giá trị thẩm mỹ, truyền thống dân tộc, là động lực để giúp cho đất nước vượt qua những khó khăn đó. Trên ý nghĩa đó, văn hóa soi đường quốc dân đi.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu thực tiễn đất nước, ngày 24/11/2021 Ban Bí thư trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là sự kiện văn hóa lớn (được coi như Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3) nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là hội nghị rất quan trọng nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhất là qua 35 năm đổi mới và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Chúng ta tin tưởng rằng với thành công của hội nghị, văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển và có những đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển đất nước để "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta tin tưởng rằng với thành công của hội nghị, văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển và có những đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển đất nước để "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Trả lờiXóa