Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

VAI TRÒ CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA ĐẤT NƯỚC

Phạm Trung

Tham gia phát triển kinh tế là một trong những chức năng cơ bản của quân đội ta, thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, Quân đội ta cần tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, góp phần hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”[1]. Vai trò quan trọng của Quân đội trong phát triển kinh tế đất nước thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, Quân đội góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp quân đội sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, khai khoáng, ngân hàng..., đã đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, góp phần giải quyết nhiều vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp quân đội vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, vừa đầu tư để tạo điều kiện phát triển các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa; luôn đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, trong đó có hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Không chỉ hoạt động hiệu quả ở trong nước, một số doanh nghiệp quân đội đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mạnh mẽ ở thị trường nước ngoài. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp quân đội luôn quan tâm gắn kết giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững và nâng cao uy tín của cộng đồng doanh nghiệp quân đội, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, là cơ sở để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hai là, Quân đội là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, gian khổ, địa bàn trọng yếu của đất nước.

những nơi khó khăn, gian khổ, địa bàn trọng yếu của đất nước, các đối tượng, thành phần kinh tế khác không muốn làm hoặc không thể làm thì đã có các doanh nghiệp Quân đội đảm nhiệm. Với địa bàn đóng quân trải rộng khắp cả nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, các Đoàn Kinh tế - quốc phòng là lực lượng tại chỗ giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Nhiều dự án của Nhà nước được các đơn vị quân đội thực hiện trong điều kiện địa hình hiểm trở, địa chất phức tạp, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, xa dân, rủi ro cao, lợi nhuận thấp, như làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, xây dựng các công trình chiến đấu, phủ sóng thông tin vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., nhưng các đơn vị quân đội đã đảm nhiệm thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt.

Ba là, Quân đội chủ động đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, công nghệ lưỡng dụng, góp phần tiết kiệm, giảm chi ngân sách nhà nước.

Việc mua sắm những trang thiết bị quân sự hiện đại từ nước ngoài rất tốn kém và bị động. Do vậy, thời gian vừa qua, Quân đội đã chủ động đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới để dần thay thế việc đi mua bằng việc tự trang bị. Đồng thời, những sản phẩm nghiên cứu, phát triển của Quân đội được đưa ra khu vực dân sự cũng sẽ thúc đẩy khoa học, công nghệ của đất nước phát triển, góp phần tăng nguồn lực xã hội để tái đầu tư trở lại cho Quân đội. Quân đội còn chủ động phát triển công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng để vừa sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng trên nền tảng kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ cao như: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển và logistics, đóng mới và sửa chữa tàu biển, xăng dầu, viễn thám, đo đạc, bản đồ, tư vấn thiết kế, xây dựng công trình, xây dựng cầu - hầm lớn, vận tải, khai thác khoáng sản, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hậu cần nghề cá... trên các địa bàn chiến lược.

Bốn là, Quân đội góp phần dạy nghề và đào tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao cho đất nước.

Thông qua hoạt động lao động sản xuất, Quân đội còn góp phần dạy nghề và đào tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao cho đất nước. Hệ thống  trường dạy nghề của Quân đội trải rộng trên toàn quốc đã tổ chức tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hàng vạn lượt quân nhân xuất ngũ và lao động địa phương. Các nhà trường quân đội thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đào tạo ra hàng vạn cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ có trình đội cao. Quân đội với vai trò là trường học lớn đã bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo ra lực lượng lao động có kỷ luật, sức khỏe và ý thức phục vụ tốt. Các chiến sĩ làm nghĩa vụ quân sự, khi ra quân là lực lượng lao động có chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các doanh nghiệp quân đội có tính kỷ luật cao, tự giác và hăng say lao động sản xuất.

Như vậy, ngoài chức năng chủ yếu là đội quân chiến đấu, việc thực hiện chức năng là đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, thời gian qua Quân đội đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là ở những nơi khó khăn, gian khổ, địa bàn trọng yếu của đất nước; góp phần vào hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, công nghệ lưỡng dụng, góp phần tiết kiệm, giảm chi ngân sách nhà nước; góp phần dạy nghề và đào tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao cho đất nước.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.157.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét