Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

HÃY QUAN TÂM VÀ YÊU THƯƠNG ĐÚNG CÁCH

 Phương Ngọc

Năm 2010, dư luận trong nước bị rúng động khi vụ việc ông bà chủ đầm tôm tại Cà Mau bạo hành cậu bé làm thuê Hào Anh khi đó 14 tuổi như thời trung cổ. Những kẻ bạo hành đã lĩnh bản án thích đáng trong khi Hào Anh được sự thương cảm của toàn xã hội trước nỗi đau về thể xác và tinh thần không thể bù bắp được.

Trong nỗ lực bù đắp cho Hào Anh, rất nhiều nhà hảo tâm đã không tiếc tiền để quyên góp, ủng hộ cho Hào Anh. Cho đến năm 2014, khi Hào Anh đủ 18 tuổi, đủ trách nhiệm nhận tiền và tiêu tiền thì số tiền đã gần 1 tỷ đồng.

Được cả xã hội yêu thương, ý thức được số tiền rất lớn mình sẽ được hưởng khi 18 tuổi và có lẽ di chứng về cả mặt tâm lý mà Hào Anh bắt đầu tìm cách quậy, tìm cách bỏ học, bỏ trốn khỏi Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh. Tròn 18 tuổi, Hào Anh đã tự mình mua đất, cất nhà và tiện tay đuổi luôn mẹ ruột, cha dượng ra đường. Có tiền, không ai dạy bảo hay giám sát, Hào Anh nhanh chóng sa ngã vào các cuộc chơi bời thâu đêm đến hết cả tiền. Kết quả là đến năm 2015, chỉ sau khi nhận được gần 1 tỷ đồng thì Hào Anh bị bắt và xét xử vì hành vi cạy cửa nhà người dân để trộm bộ máy vi tính.

Hào Anh sa ngã, lỗi không hoàn toàn phụ thuộc vào tiền của các nhà hảo tâm mà lỗi ở đây đó là đã để Hào Anh biết mình có nhiều tiền quá sớm, thiếu đi một sự quản lý, định hướng sử dụng số tiền đó một cách hợp lý. Không chỉ thiếu cần câu, mà con cá các nhà hảo tâm đưa ra quá to với 1 cậu bé 18 tuổi.

Từ vụ việc của Hào Anh trước đây, khi xem xét sự việc cô bé nữ sinh ăn trộm chân váy ở Thanh Hóa những ngày vừa qua. Người ta chuyển hóa sự giận dữ với hành vi của vợ chồng chủ Shop quần áo thành sự tiếp nhận cái sai của nữ sinh vô điều kiện. Người ta tìm cách giải thích thay vì tìm giải pháp để giáo dục 1 cháu bé biết liêm sỉ, biết tự trọng, biết giữ lấy lề. Có thông tin cho rằng, đây không phải là lần đầu cô bé nữ sinh có hành vi như vậy. Vậy đâu là nguyên nhân ngoài cái nghèo. Phải chăng cứ cấp tiền là con người ta trở nên lương thiện. Đừng vì lòng thương cảm một cách theo số đông, đừng vì những hình ảnh bề nổi như ăn bánh mì đi dép tổ ong mà chúng ta làm từ thiện một cách nửa vời. Khi một bàn tay chìa ra cứu vớt nhưng nó lại trơn tuột toàn mồ hôi để rồi người cần cứu vớt lại ngã sâu hơn vào vũng bùn lầy.

 


1 nhận xét: