Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

CẢNH GIÁC VỚI NGUỒN THÔNG TIN KHI CHIA SẺ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 Phương Ngọc

Thời gian gần đây, số người lây nhiễm Virus Sars- Cov-2 có dấu hiệu tăng trở lại ở khu vực phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân đã lo lắng tiếp nhận thông tin về vấn đề này trên báo chí chính thống và cả trên các trang mạng xã hội. Hiện nay đang xuất hiện việc nhiều cá nhân, kể cả một bộ phận cán bộ, đảng viên đang chia sẻ, chuyển tiếp cho nhau các clip về “Cách phòng chống virus Sars-Cov-2”, “Biến chủng Sars-Cov-2 ở Ấn Độ đã xuất hiện, chia sẻ ngay cách bảo toàn sinh mạng”… Nội dung của các clip này cũng dẫn thông tin từ một vài nguồn ban đầu nghe nhầm tưởng là có cơ sở khoa học để khuyên mọi người phòng tránh lây nhiễm virus Sars-Cov-2, nhưng nếu nghe kỹ thì những thông tin ấy cũng đã có nhiều ở trên báo chí.

Điều đáng nói là các đoạn video clip đó được cắt ra, làm ra từ các trang thông tin xấu độc của các thế lực thù địch như kênh Facebook, Youtube: Vietlive.tv, “nước Mỹ trở lại” … và nhiều trang thông tin chưa rõ nguồn gốc khác với những nhân vật xướng ngôn nói xấu Đảng, nói xấu chế độ như “MC Thanh Tâm”, “MC Việt Dũng”. Các trang xấu độc này được tiếp sức ngầm từ các thế lưc thù địch đang hằng ngày, hằng giờ thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Có một số cá nhân khi chia sẻ nội dung trên còn nói rằng “nội dung tôi chia sẻ không có gì xấu độc”. Tuy nhiên, khi lan tỏa các nội dung người dân hiện nay quan tâm như tình hình dịch bệnh và cách phòng chống Sars-Cov-2 đi kèm hình ảnh nhân vật và logo hình hiệu của các kênh trên thì họ đã vô tình (hay cố ý) lan tỏa các nhận diện thương hiệu "ngược” về hình hiệu, về nhân vật “xướng ngôn” đến với người dân trong nước. Khi đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của người đọc thì các thế lực thù địch và phần tử xấu sẽ đưa vào những thông tin giả mạo, xấu độc, lồng ghép với các nội dung chống Đảng, Nhà nước, làm người đọc không phân biệt được những thông tin thật – giả, gây hoang mang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Thực tế, khi tìm hiểu sâu về các kênh thông tin này và các nhân vật “MC”, rất dễ phát hiện ra đã có rất nhiều nội dung thông tin chống phá chế độ đang được các đối tượng trên chia sẻ, lan tỏa. Ví dụ “MC Thanh Tâm” tên thật là Trần Hoàng Thanh Tâm - MC của Vietlive - hiện là giám đốc của Đài Truyền hình SBTN, đây là một trong những đài thường xuyên chống phá Việt Nam tại Canada, có nội dung phần lớn mang tính một chiều, cực đoan. Ngay kênh "Vietlivetv" đã từng bị Đài Truyền hình Việt Nam chỉ tên là kênh thông tin xấu độc trong bản tin 19h tối ngày 8/10/2020.

Nhận thức rõ những hậu quả do chia sẻ nguồn tin trên mạng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần cảnh giác, không chia sẻ các thông tin từ những nguồn không có kiểm chứng, không phải là báo chí chính thống để không tiếp tay lan tỏa các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Trước hết cán bộ, đảng viên cần tuân thủ triệt để Quy định số 37-QĐ/TW về một số điều đảng viên không được làm liên quan đến mạng internet và mạng xã hội: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng” (Điều 3); “Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Điều 4); “Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định” (Điều 5). Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong việc ứng xử trên mạng xã hội.

Cùng với chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật phát ngôn và còn phải thực hiện tốt quy định về cung cấp thông tin trên mạng xã hội theo Luật An ninh mạng 2018. Mỗi cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu quán triệt và thực hiện nghiêm bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là mỗi cán bộ, đảng viên phải là người “Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa”…; đặc biệt phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và cả cộng đồng.

  

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Trả lờiXóa