Phạm Trung
Nhân dịp Lễ Giáng sinh (25/12) nhớ về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào Cơ đốc giáo. Từ lúc sinh ra đến tuổi trưởng thành, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho giáo nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu về các tôn giáo khác. Ngày 3-9-1945, sau khi đất nước giành độc lập được một ngày, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết” trong những việc cần phải làm ngay của Chính phủ lâm thời. Hiểu được phong tục và ý nghĩa quan trọng của ngày Lễ Thiên chúa giáng sinh trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ đốc giáo, mừng Giáng sinh 25 tháng 12 năm 1945, với cương vị là Chủ tịch nước, Người đã gửi thư cho các vị linh mục và đồng bào theo đạo Công giáo.
Nội dung bức thư thể hiện tấm lòng rộng mở, không định
kiến tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã ca ngợi tấm gương hy sinh triệt
để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hoà bình, vì công
lý của Chúa Giêsu, “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày
hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hy sinh
phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000
năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra đã
khắp, thấm vào đã sâu”[1].
Đây là lần đầu mà đồng bào công giáo Việt Nam làm lễ
Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong một đất nước độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, đồng bào công giáo và lương giáo cần phải đoàn kết với nhau, bởi vì cùng là con một nhà. Ở ngoài chiến trường, các chiến sỹ giáo - lương cùng chung một chiến
hào đánh thực dân Pháp đang đe dọa nền độc lập của dân tộc, “xương máu của chiến
sĩ công giáo và ngoại công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để cản
lại kẻ thù chung là bọn thực dân Tây”. Ở hậu phương, giáo dân Thiên chúa giáo và lương
giáo không chỉ “đem cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc”, mà
còn sẽ đoàn kết, cùng nhau vui vẻ, đón mừng lễ Thiên Chúa Giáng sinh trong bầu
không khí hoà bình, độc lập, tự do. Đây cũng là tinh thần cao thượng của đức Chúa
Giêsu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt
niềm tin vào đồng bào công giáo: “Tôi chắc rằng dưới sự
lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào công giáo quyết một
lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó. Tôi xin thay mặt
đồng bào toàn quốc chúc các vị Giám mục Việt Nam và toàn thể đồng bào công
giáo, ngày lễ Nôen vui vẻ sung sướng”[2].
Các
giáo dân Cơ đốc giáo hẳn sẽ không thể nào quên được Nôen 1945, không thể quên được tình cảm, sự quan tâm
đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư mừng lễ
Thiên Chúa giáng sinh mùa Nôen năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm ấm lòng
các con chiên của Chúa, góp
phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đưa
sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi cuối cùng.
Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch
Hồ Chí Minh đối với các tôn giáo nói chung, đồng bào công giáo Việt Nam nói
riêng là nền tảng tư tưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục đề ra và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên thực tế
quan điểm, đường lối, chính sách về tôn giáo và công tác tôn giáo, góp phần xây
dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch để Việt Nam tiến
hành thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét