LTS - Trong những năm gần đây, kẻ thù, thế lực thù địch và đối tượng bất đồng chính kiến trong, ngoài nước thường soi xét các hoạt động của quân đội để bình luận, phủ nhận thành quả công tác, nhằm hướng tới mục đích đòi “phi chính trị hóa” quân đội.
Đây là âm mưu không mới, nhưng nguy hiểm bởi thủ đoạn ngày càng tinh vi, núp bóng dưới nhiều chiêu thức, trong đó có hiện tượng lợi dụng các sự việc xảy ra để chống phá.
Bài viết “Phi chính trị hóa” quân đội nhìn từ thiên tai sẽ tập trung làm rõ những âm mưu đằng sau thủ đoạn thâm độc này, qua đó đề xuất những giải pháp góp phần đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống của các đơn vị quân đội.
Bài 1: Thiên tai, đất vàng của những kẻ “bới lông tìm vết”
Việc lợi dụng thiên tai, lợi dụng những sự việc xảy ra trong quân đội để suy diễn, bôi xấu quân đội, chia tách quân đội với nhân dân với Đảng không mới nhưng nguy hiểm bởi cường độ, tần suất ngày càng tăng lên giống như nước chảy đá mòn, phá vỡ tinh thần đoàn kết quân dân cá nước, phá vỡ sự lãnh đạo tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng với quân đội.
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 5 tìm kiếm nạn nhân mất tích tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: VĂN CHUNG. |
Ngày 19-12-2021, khi những hình ảnh và thông tin gần 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) tham gia chữa cháy rừng tại khu vực dãy núi Đền thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội thì trên mạng xuất hiện một số bình luận ác ý, thiếu tính xây dựng.
Họ cho rằng, chiến sĩ cầm cuốc, cầm cành cây để dập lửa là biểu hiện hình thức, là “đùa vui với bà hỏa”. Bởi những dụng cụ chữa cháy cầm tay thô sơ ấy không ngăn được lửa bùng phát trong tiết trời và gió mùa Đông Bắc hanh khô thổi mạnh.
Họ kết luận, quân đội sinh ra là để bảo vệ Tổ quốc chứ không phải để điều đi chữa cháy rừng. Có tài khoản mạng xã hội còn đặt ra tình huống, nếu chiến sĩ đi làm nhiệm vụ này không có phương tiện đặc chủng, không có các thiết bị bảo hộ và chẳng may bị tai nạn thương vong thì sẽ tính thế nào?
Một số bình luận rằng, tiền mua phương tiện, mua trang bị đã được các “quan” nấu thành đường và chảy vào túi quan trên. Lính chỉ được phân “cuốc, xẻng” thôi. Tội đâu lính chịu... Họ so sánh, ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, chữa cháy rừng là công việc của lực lượng dân sự chuyên trách và được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, nhất là máy thổi khí dập lửa. Họ được huấn luyện bài bản nên xử lý tình huống và có khả năng dập tắt đám cháy rất nhanh. Ở ta, sau bao năm hô hào xây dựng chính quy, hiện đại, quân đội vẫn đi chữa cháy bằng dụng cụ thô sơ. Làm như vậy thà không đi làm còn hơn!
Việc phê phán quân đội yếu kém, chỉ làm mầu, không có khả năng thực chiến trên chiến trường, trong thực hiện các nhiệm vụ đã có từ lâu, nhất là khi một vài đơn vị quân đội có quân nhân bị sự cố, bị tai nạn trong huấn luyện hoặc trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn một việc cụ thể.
Còn nhớ vào năm 2016, trên đường đi tìm kiếm, cứu nạn phi công lái máy bay Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) bị rơi trên biển, máy bay tuần thám CASA mang số hiệu 8983 của Trung đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) bị mất tích cách đảo Bạch Long Vỹ hơn 40 hải lý về hướng Nam Tây Nam, khiến 9 cán bộ, chiến sĩ và phi hành đoàn hy sinh.
Lợi dụng thông tin này, nhiều kẻ bất đồng chính kiến trong và ngoài nước đã lợi dụng và tung tin bịa đặt rằng, quân đội bớt xén kinh phí, mua hàng đểu do hãng Airbus sản xuất nên “chim cắt” về quân đội Việt Nam sử dụng trở thành “chim cút”.
Facebook của Bùi Thanh Hiếu. |
Hiện nay, những bình luận, đồn thổi hạ thấp vai trò, uy tín của quân đội trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã không còn là hiếm trên mạng xã hội, nhất là trên Facebook và Zalo vốn được nhiều người Việt Nam ưa sử dụng.
Gần đây, khi trò chuyện với Đại tá Mai Văn Thanh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 414 (Quân khu 4) chúng tôi nghe được câu chuyện hết sức phi lý. Chuyện là, sáng 7-8-2019, sau khi lực lượng của Lữ đoàn 414 bắc cầu phao VSN-1500 vượt qua sông Luồng vào vùng lũ Sa Ná (Quan Sơn, Thanh Hóa) thì đến tối mưa nguồn đổ về rất mạnh, lưu tốc dòng chảy lớn, buộc chỉ huy lữ đoàn phải nhả liên kết, di chuyển các đốt cầu vào gần bờ để neo giữ. Sáng 8-8-2019, khi không thấy cầu phao nữa, đoàn người đi từ thiện giúp nhân dân vùng lũ bị ùn tắc.
Từ đây trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các thông tin chỉ trích. Họ cho rằng, chính quyền, và quân đội đang ngăn cấm hoạt động tiếp tế, từ thiện cho nhân dân vùng lũ, trái với những gì đã được đưa trên truyền hình Trung ương sau khi cầu phao được bắc xong ngày 7-8. Họ lớn tiếng đòi quân đội phải bắc cầu trở lại để nhân dân đi tiếp tế, từ thiện thay vì ưu tiên phục vụ các đoàn cán bộ lãnh đạo địa phương và Trung ương.
Từ những thông tin trên, các đối tượng ở nước ngoài cũng liên tục tung những công kích cho dù không nắm chắc tình hình thực tế. Anh Thanh kể, lúc ấy dư luận dồn ép khiến lãnh đạo tỉnh và quân khu hết sức bức xúc, lệnh cho Lữ đoàn 414 phải gấp rút tổ chức lại cầu phao nối liền hai bờ trong điều kiện lưu tốc dòng chảy vượt quá yêu cầu kỹ thuật của bộ khí tài.
Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 phải tổ chức tìm mua một loại dây thuyền đặc biệt có khả năng chịu lực tốt to hơn cổ tay mãi tận vùng giáp biển, cách nơi thi công cầu phao cả trăm ki-lô-mét. Đêm đó, họ tích cực làm việc trên dòng sông có lưu tốc lớn bất chấp nguy hiểm để bắc cầu. Cuối cùng, sáng 9-8-2019, chiếc cầu được nối lại. Để bảo đảm an toàn trong di chuyển, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã phối hợp với công an địa phương, tổ chức duy trì kỷ luật nghiêm ngặt cho nhân dân đi tiếp tế và từ thiện qua cầu phao an toàn. Những luồng dư luận trái chiều cũng từ đó giảm mạnh rồi mất hẳn.
Cuối năm 2020, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân khu vực miền Trung. Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong đó có cả những đồng chí mang cấp hàm thiếu tướng.
Tuy nhiên, sau sự cố sạt lở đất rạng sáng ngày 13-10-2020 tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) khiến 13 cán bộ bị vùi lấp mấy ngày thì trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều “thuyết âm mưu”, gây ra những nghi ngờ, hoang mang trong dư luận. Điển hình là tài khoản facebook có tên “Thanh Hiếu Bùi”-Bùi Thanh Hiếu (Người buôn gió) đã tung tin đồn rằng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 là 1 trong số 13 cán bộ gặp nạn trong đoàn cứu hộ tại Tiểu khu 67 có quan hệ hàng xóm với Nguyễn Đại Lợi, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Trường Sơn, đơn vị đang tiến hành xây dựng thủy điện Rào Trăng 3. Từ đây dẫn đến một loạt các đồn đoán, suy diễn cho rằng, thủy điện Rào Trăng 3 là doanh nghiệp “sân sau”, được lãnh đạo Quân khu 4 bảo kê...
Trong trận lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung hồi tháng 10-2020, nhiều tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là những người đi “từ thiện tự do” đã vu cho các đơn vị quân đội và chính quyền tội ngăn cấm đường vào, không cho người dân từ thiện. Thậm chí có kẻ còn độc mồm độc miệng cho rằng, việc ngăn cấm đó là nhằm để quân đội và lực lượng vũ trang được “độc quyền” phân phối các loại mặt hàng từ thiện, qua đó để dễ bề bớt xén.
Cũng trong thời điểm này, khi Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đưa ra quyết định cấp lương khô cứu trợ cho đồng bào vùng lũ thì xuất hiện hàng loạt các tin đồn ác ý, suy diễn rằng cán bộ ở Quảng Trị chia nhau hàng cứu trợ lương khô quân đội. Từ sự việc này, một số tờ báo trong nước đã bình luận, phỏng vấn chuyên gia, đại biểu Quốc hội như là sự việc có thật và đã xảy ra.
Từ đây, các thế lực thù địch chống phá trong và ngoài nước liên tục công kích, chia rẽ quân đội với các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã khẳng định trên truyền thông rằng, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc cán bộ ở Quảng Trị chia nhau hàng cứu trợ lương khô quân đội là không đúng sự thật.
Mục đích của những thông tin bẩn, suy diễn trên là gì nếu không phải là để chia rẽ quân đội, lực lượng vũ trang với nhân dân và với Đảng, với cấp ủy, chính quyền địa phương. Về bản chất, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của chúng là nhằm chuyển hướng chính trị từ quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sang kiểu quân đội tư bản, nhà nghề do giai cấp tư sản lãnh đạo, phục vụ cho mục đích của giai cấp tư sản. Từ đó, làm cho Quân đội ta mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các bước tiếp theo giống như kiểu: “Mùa xuân A-rập”, “Cách mạng Hoa hồng”, “Cách mạng Đường phố”, “Cách mạng Cam”,... mà chúng đã thành công ở hàng loạt nước trên thế giới.
Thực hiện mục tiêu này, trong những năm qua, bất kể một hiện tượng gì xảy ra trong quân đội, các thế lực thù địch, nhất là những kẻ bất đồng chính kiến ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những trang web tiếng Việt có máy chủ ở nước ngoài luôn tìm cớ và phương cách tạo ra những thông tin trái chiều để bôi xấu hình ảnh, gây nghi ngờ trong xã hội.
Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch xác định “phi chính trị hóa” quân đội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục. Chúng đưa ra các thông tin bẩn để cán bộ, chiến sĩ xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Chúng chứng minh quân đội không liên quan đến chính trị và lập luận: Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ cần bảo vệ biên giới lãnh thổ, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng phải được nhân dân bàn bạc công khai và quyết định, thông qua diễn đàn Quốc hội.
Chúng lợi dụng những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội để kích động, gây mâu thuẫn giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ quân đội. Rõ nhất là sau sự việc quân nhân Trần Đức Đô ở Trường Quân sự Quân khu 1 và Nguyễn Văn Thiên ở Bộ CHQS tỉnh Gia Lai tử vong. Nguy hiểm hơn, chúng còn sử dụng không gian mạng để tán phát những bài viết, clip, thổi phồng, xuyên tạc sự thật, khoét sâu mâu thuẫn,... nhằm kích động tư tưởng công thần, địa vị, bè phái, cục bộ địa phương, đòi hưởng thụ đãi ngộ; kêu gọi Quân đội ta từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, liên minh với quân đội một số nước để tiến lên hiện đại, trở thành quân đội “nhà nghề” như quân đội các nước tư bản...
Những bịa đặt, vu khống từ thuyết âm mưu của những cái đầu “siêu ảo tưởng” nhằm đạt tham vọng “phi chính trị hóa”, ly khai quân đội thoát khỏi sự lãnh đạo của Đảng được các thế lực thù địch tập trung đẩy mạnh, nhất là mỗi khi có sự cố như đã trình bày ở trên. Để lấp vào khoảng trống ấy, những đối tượng bất đồng chính kiến đề xuất giải pháp thay thế quân đội bằng lực lượng dân sự chuyên trách trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong thực tế thấy rằng, thiên tai, sự cố thường đến bất ngờ và việc khắc phục phải khẩn trương, nhanh chóng. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng lực lượng dân sự chuyên trách đảm bảo dịch vụ trong phòng, chống thiên tai là không phù hợp vì chi phí rất lớn và tốn công sức. Thế nên, việc đề xuất một lực lượng có thể thay thế quân đội là không khả thi và đó là một phương án “siêu ảo tưởng”.
Có thể thấy, những vấn đề trình bày ở trên là hết sức nguy hiểm, dễ tác động đến tâm tư, tình cảm và tư tưởng của lớp trẻ và nhân dân trong xã hội. Đoán trước âm mưu của chúng để có cách đấu tranh, phòng, chống hiệu quả đang trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết, không thể lơ là. (Còn nữa)
ĐỨC TÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét