QĐND Online - Mỗi câu chuyện của những người vợ lính sinh con trong thời Covid-19 là một hoàn cảnh, một nỗi niềm nhưng có lẽ cái chung nhất chính là sự thiếu vắng của những người chồng, người cha trong lúc người vợ “vượt cạn”.
Câu chuyện thứ nhất
Sau dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, Thượng úy Đào Mạnh Hùng, Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Lục quân 1 cùng đồng đội tiếp tục tham gia lớp dự khóa Cao học tại Trường Sĩ quan Chính trị. Hùng tâm sự: Trưa ngày 5-5-2021, vợ tôi báo tin, tỉnh Bắc Ninh có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại huyện Tiên Du. Mặc dù nhà tôi ở thôn Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, nhưng diễn biến của dịch mỗi lúc một phức tạp, tôi thấy lo lắng, không yên tâm cho gia đình, nhất là vợ tôi.
Thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, cũng là lúc, vợ tôi mang bầu ở tháng thứ 8 (dự kiến sinh cuối tháng 5 Dương lịch). Do đó, tôi luôn dõi theo tình hình dịch bệnh ở quê nhà. Mỗi ngày, mỗi giờ cập nhật thông tin, lòng tôi như lửa đốt. Bắc Ninh, Bắc Giang…trở thành điểm nóng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tôi tự trấn an, cũng may, thời gian vợ mang thai, chúng tôi đã quyết định vợ nghỉ việc, ở nhà dưỡng thai. Tuy vậy, khi dịch bùng phát, tôi càng lo lắng, thường xuyên gọi điện, động viên, nhắc vợ chú ý giữ gìn sức khỏe, hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đồng thời đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con. Tôi phải tự động viên mình, phải bình tĩnh trước diễn biến của dịch, tôi phải là chỗ dựa để vợ tôi yên tâm. Nhưng không quên nhiệm vụ ôn thi đầu vào cao học để khi hết dịch, thi xong, về phép chăm vợ đẻ.
Kíp phẫu thuật mổ bắt con cho sản phụ chuyển dạ trong thời gian cách ly/Ảnh minh họa/ Báo Người lao động. |
Ngày 14, 15-5, tôi bước vào kỳ thi cao học. Hoàn thành xong nhiệm vụ, tôi hồi hộp, báo kết quả cho vợ yên tâm. Vợ chồng tôi bước vào giai đoạn, đếm ngược thời gian chào đón em bé ra đời.
Ngày 16-5, tôi và đồng đội nhận quyết định trở về đơn vị sau khi hoàn thành nhiệm vụ thi cao học. Tôi báo cáo lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Lục quân 1 về tình hình gia đình. Theo quy định, để bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống dịch, tôi cùng cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường thực hiện nghiêm quy định cấm trại, ăn ở tập trung tại đơn vị và thực hiện “Vừa chống dịch, vừa tham gia giảng dạy, học tập và công tác”.
Sáng 19-5, ở quê, gia đình điện lên, vợ tôi có dấu hiệu chuyển dạ. Tôi vô cùng lo lắng (vợ sinh trước 10 ngày, ngoài dự kiến). Tôi báo cáo chỉ huy. Nhưng tình hình dịch tiếp tục có chiều hướng phức tạp, cán bộ, chỉ huy các cấp đã động viên để tôi yên tâm công tác. Dịch ổn định, đơn vị sẽ báo cáo để giải quyết trường hợp của tôi.
Dù sốt ruột, vợ nằm viện hơn một ngày vẫn chưa sinh, tôi cố gắng tự trấn an. Bởi trong cùng thời điểm này, đại đội của tôi có 3 đồng chí cùng trong hoàn cảnh có vợ sinh con lần đầu như tôi. Vợ sinh con, vì điều kiện dịch bệnh, chúng tôi không thể về chăm sóc. Nhưng luôn dõi theo từng bước để kịp thời động viên, chia sẻ.
Rạng sáng ngày 20-5, sau nửa tiếng vào phòng sinh, gia đình gọi điện thông báo, vợ tôi sinh con trai, mẹ tròn, con vuông, cháu nặng 3,5kg và đặt tên cháu là Đào Minh Khang. Tôi vừa mừng, vừa hồi hộp, lúc đó tôi chỉ mong chạy thật nhanh về bên vợ, để được ôm con vào lòng cho thỏa nỗi khát khao, chờ đợi…
Đến nay, con tôi được hơn một tháng. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tôi và đồng đội dù rất nóng lòng về bên gia đình, nhưng chúng tôi luôn động viên, yên tâm công tác cũng là chống dịch! Tôi biết, rất nhiều anh em, đồng đội của tôi đang trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, có những trường hợp cả 2 vợ chồng cùng tham gia, các con gửi ông bà chăm sóc. Tôi thấy, mình còn may mắn. Vợ sinh, dù không ở bên, nhưng luôn có sự động viên kịp thời của 2 bên gia đình nội, ngoại. Tôi yên tâm công tác và xác định tốt nhiệm vụ.
Câu chuyện sinh con thời Covid- thứ 2 và 3
Kể cho tôi nghe chuyện đồng đội cùng chung hoàn cảnh như mình, Hùng bộc bạch: Đại đội tôi còn có gia đình Đại úy Phan Văn Đạt, Phó đại đội trưởng và Trung úy Nguyễn Văn Thái, Trung đội trưởng có vợ sinh con cùng đợt với nhà tôi. Cả 2 đồng chí cùng quê ở Nghệ An. Nhưng vất vả, khó khăn hơn là gia đình Đại úy Phan Văn Đạt, Phó đại đội trưởng. Vợ chồng Đạt thuộc diện hiếm muộn, sau 3 năm cưới nhau, vợ chồng Đạt đã nhờ y học can thiệp.
Giúp chúng tôi hiểu cụ thể hơn, Đạt kể: Đầu năm 2020, đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vợ chồng tôi chờ đợi thời gian tương đối dài, khi dịch ổn định y học mới có thể can thiệp. Cũng may, ngay lần đầu y học can thiệp, vợ chồng tôi đã thành công. Trong suốt thời gian vợ chồng tôi đi làm xét nghiệm hơn một năm nay, vợ tôi nghỉ việc ở nhà. Đến nay, con gái đầu lòng của chúng tôi đã được hơn 2 tháng. Nhớ lại ngày vợ đi sinh, Đạt kể:
Sáng 23-4, vợ tôi có dấu hiệu chuyển dạ. Tôi đưa vợ đi Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bà nội gấp rút bắt xe từ Nghệ An ra. Ngày 27-4, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khu vực phía Bắc. Tôi lo, dịch lan tràn, mẹ tôi không kịp về quê thu hoạch hoa màu. Nên đã quyết định để mẹ về quê, bà ngoại từ Thanh Hóa ra chăm cháu. Vợ tôi sinh mổ, bà ngoại ra được 10 ngày, quê vào vụ gặt. Bà ngoại về quê. Mình vợ, tôi lo không xoay sở được, nên đưa 3 mẹ con, bà cháu về Thanh Hóa nhờ ông bà ngoại. Bao ngày chờ đợi, giây phút hạnh phúc được chăm sóc, yêu thương con, dịch bệnh bùng phát, gần 2 tháng tôi ở đơn vị, không về thăm nhà.
Tôi hiểu, đó là hoàn cảnh chung của cả đất nước khi diễn biến dịch Covid-19 đang mỗi lúc một phức tạp. Nhân dân cả nước căng mình chống dịch. Nhất là tại các khu vực cách ly, y bác sĩ và cả những đồng chí, đồng đội của tôi đang vất vả chống dịch, chống nắng. Tôi thấy, mình thật may mắn. Bởi mỗi lần gọi điện, được tin vợ, con và cả gia đình mạnh khỏe, bình an, đó là hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Hiện nay, tôi đã đón vợ con ra khu nhà công vụ, để sau mỗi ngày làm việc vất vả, tôi cùng vợ chăm sóc, dõi theo sự phát triển của con mỗi ngày. Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi, nhưng vô cùng lớn lao với Đạt và các gia đình.
Với Trung úy Nguyễn Văn Thái, Trung đội trưởng, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, dù vợ sinh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhưng vợ Thái sinh tại bệnh viện Sơn Tây, gần nhà nên thuận lợi hơn. Trước ngày vợ sinh, do dịch bệnh không về được, bà ngoại đã từ Tân Kỳ, Nghệ An ra để chăm cháu cho 2 vợ chồng. Ngày 16-5, khi vợ sinh, tuy Thái không ở bên, nhưng lúc nào cũng có người thân giúp đỡ là nguồn động lực để Thái yên tâm công tác.
Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có lẽ không chỉ với 3 cán bộ Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Lục quân 1 có vợ sinh con, mà có lẽ còn rất nhiều những trường hợp khó khăn, vất vả hơn. Sinh ngay tại khu cách ly hay những gia đình, bố mẹ phải gửi con cho người thân đi chống dịch… Mỗi hoàn cảnh là một tâm trạng, một cung bậc cảm xúc cảm xúc khác nhau, nhưng vượt lên trên là sự cố gắng của mỗi gia đình, mỗi quân nhân để cùng chung tay với cả nước chống dịch, nhanh chống đẩy lùi dịch bệnh để mỗi nhà, mỗi người được xum vầy bên gia đình và người thân.
Bài, ảnh: LÊ THỊ QUYẾT
Thời kỳ dịch bệnh như vậy sinh con thì vất vả lắm
Trả lờiXóa