QĐND Online - "Đứng trên tuyến đầu, được góp công sức trong cuộc chiến chống Covid-19 bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là một điều thiêng liêng đối với tôi. Sát cánh cùng đồng đội trong những ngày ở tâm dịch Bắc Giang-Bệnh viện truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng) cho tôi những kỷ niệm thật đặc biệt".
Đó là chia sẻ của Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Khái, Phó chủ nhiệm khoa X-quang can thiệp (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y)-Chủ nhiệm Khoa X-quang Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng.
Những ngày không có bệnh nhân
Nhận lệnh, chúng tôi “thần tốc” hành quân triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng tại Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang). Chưa đầy 24 giờ, với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ, thầy thuốc, tất cả mọi công tác chuẩn bị để thu dung, đón tiếp bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành. Nhưng… chờ mãi mà… chưa có bệnh nhân.
Những lo lắng xuất hiện không chỉ với cá nhân tôi mà tất cả anh chị em đồng nghiệp. Không có bệnh nhân tất cả đều vừa mừng, vừa lo, vừa nóng ruột như mình đang mắc nợ chuyện gì mà chưa trả được.
Lo lắng bởi khi chưa đón tiếp bệnh nhân thì chưa đánh giá hết công tác chuẩn bị, chưa có kinh nghiệm để triển khai thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Liệu với những bệnh nhân “chưa có trong tiền lệ” này chúng tôi có cứu chữa được tốt không. Sau lo lắng còn là cảm giác bồn chồn vì không biết liệu các ca bệnh có nặng không, liệu sự xuất hiện của mình ở đây sẽ giúp cho bà con, liệu mọi thứ diễn ra có đúng theo kế hoạch?!
Chưa thấy bệnh nhân chúng tôi cũng… mừng vì không có bệnh nhân, tức là có thể người dân vẫn đang an toàn, chưa cần đến thầy thuốc. Và cũng mừng bởi khả năng của y tế địa phương có thể đảm nhiệm, chưa cần đến đơn vị tăng cường của chúng tôi.
Hay những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhưng chưa được phát hiện để đưa đến bệnh viện? Có khi nào bệnh nhân không hợp tác để được đưa đến viện… Rất nhiều tình huống đan xen trong chúng tôi như thế khi chưa đón bệnh nhân vào điều trị. Cảm giác thời gian, không gian cứ như đặc quánh lại, mọi thứ nhích đi rất chậm so với những gì tôi đã hình dung trước đó.
Các thầy thuốc Khoa X-quang Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng chuẩn bị bệnh nhân trước ca chụp Q-quang. Ảnh: HUY PHONG |
So với việc chiến đấu với con virus, việc chiến đấu với thời gian, sự đợi chờ và những cảm xúc đôi khi còn mãnh liệt hơn. Khi người ta chiến thắng được tất cả những yếu tố ngoại cảnh đó, tinh thần chiến đấu với virus mới thực sự bùng cháy mãnh liệt. Và chúng tôi những thầy thuốc chiến sĩ phải hiểu rằng mình luôn phải trong trạng thái sẵn sàng. Và điều đó được minh chứng khi chúng tôi căng mình đón tiếp, cứu chữa bệnh nhân trong những ngày tiếp theo.
Ngày thực hiện quyền công dân tại bệnh viện dã chiến
Những ngày đi chống dịch Covid-19, tôi luôn tự nhủ bản thân rằng: “Mọi khó khăn đều vượt qua, mọi kẻ thù đều chiến thắng” nên chút lợi ích bản thân, đều có thể được bỏ qua. Thế nhưng cảm giác không được… “đi bầu cử” thì cũng có chút bứt rứt.
Vậy mà hóa ra, cuối cùng chúng tôi lại được bầu cử ngay tại bệnh viện. Công tác tổ chức và không khí của cuộc bầu cử diễn ra hết sức trang trọng. Cảm giác thiêng liêng được cầm lá phiếu, được thực hiện quyền công dân tại một nơi đặc biệt-bệnh viện dã chiến truyền nhiễm chắc sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời. Tôi thực sự trân trọng trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, hội đồng bầu cử địa phương. Đúng là qua việc khó mới thấy trách nhiệm của những người làm “công bộc” cho dân.
Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Khái cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng. |
Đón sinh nhật ở nơi “chiến tuyến”
Với tôi ngày sinh nhật ra là ngày nhắc ta nhớ tại sao ta sống trên cõi đời này. Năm nay, sinh nhật tôi rơi vào đúng những ngày chống dịch tại bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng. Dù không được bên cạnh gia đình, nhưng tình cảm của những anh em đồng chí, đồng đội thật thiêng liêng, ấm áp.
Hơn tất thảy, đón tuổi mới khi đang làm nhiệm vụ, tôi càng thấy cuộc sống của mình giàu ý nghĩa hơn! Mỗi ngày, tôi có kiến thức, thêm kinh nghiệm và thêm cả ý chí để giúp đỡ người dân chống dịch. Tôi bỗng thấy tuổi tác chỉ còn là một con số mà không hề ảnh hưởng đến nhiệt huyết và tinh thần tôi.
Cuộc chiến chống Covid-19 của đất nước ta chắc sẽ còn dài. Rồi đây sẽ còn nhiều ngày đặc biệt, đáng nhớ. Nhưng đáng nhớ nhất, chính là những lời động viên từ hậu phương. Những chia sẻ từ gia đình, người thân chính là năng lượng và động lực mạnh mẽ nhất để chúng tôi-những thầy thuốc chiến sĩ thêm vững tâm, bền chí chiến đấu nơi tuyến đầu.
Bác sĩ CKII NGUYỄN XUÂN KHÁI (Phó chủ nhiệm khoa X-quang can thiệp (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y)-Chủ nhiệm Khoa X-quang Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng)
Cuộc chiến chống dịch bệnh này đã thể hiện rõ nét về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tới tính mạng của mọi người dân Việt Nam
Trả lờiXóa