Hồng Hạc
Gần đây, nếu quan tâm theo dõi tình hình, có thể thấy sự xuất hiện của một vài ý kiến đòi xem xét lại nội dung cốt lõi nền tảng tư tưởng của Đảng. Có người thì tỏ ra nhẹ nhàng “hiến kế”, “tâm thư”, “góp ý” rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, nên thay bằng những thứ mà họ gọi là “chủ thuyết phát triển mới”, rằng nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không có gì mới, vẫn là “bổn cũ soạn lại”, “sao chép theo lối mòn”, thiếu tầm tư duy chiến lược, không biết tiếp thu những tinh hoa của nhân loại.
Có người thì công khai phủ định, phản bác Chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Họ đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,
xây dựng chế độ xã hội theo mô hình phương Tây... Những quan điểm mang tư tưởng
xét lại, chống phá nói trên nếu không được phản bác, ngăn chặn sẽ gây hoang
mang trong nhân dân, làm suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào CNXH
và con đường đi lên CNXH.
Thực tế thì không phải bây giờ mà ngay từ lúc C.Mác,
Ph. Ăngghen và V.I.Lênin còn sống, những thành phần đòi xét lại Chủ nghĩa Mác -
Lênin đã xuất hiện. Những người theo chủ nghĩa xét lại vẫn chấp nhận các lý
tưởng cùng nền tảng lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng phê bình
những luận điểm của C.Mác, V.I.Lênin về cương lĩnh, chiến lược và sách lược
cách mạng... mà họ cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trên thế
giới và ở từng nước. Một số người đưa ra quan điểm rằng, trong giai đoạn chủ
nghĩa tư bản (CNTB) bước sang thời kỳ phát triển tương đối hòa bình, các hình
thức đấu tranh nghị trường được sử dụng rộng rãi, mâu thuẫn cơ bản của CNTB sẽ
dịu đi và vì vậy, không cần đấu tranh xóa bỏ sự bóc lột của tư bản chủ nghĩa,
mà chỉ cần sự thâm nhập hòa bình của khuynh hướng XHCN là thực hiện được mục
tiêu xóa bỏ áp bức, bóc lột. Những người khác thì lập luận rằng, những thứ như
tự do chính trị, dân chủ, quyền công dân trong CNTB sẽ loại bỏ tính tất yếu đấu
tranh chính trị của giai cấp công nhân. Vì thế, mục tiêu cuộc đấu tranh của
giai cấp công nhân là thiết lập dân chủ tư sản, cải cách CNTB, điều hòa xung
đột giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân.
Dù tên gọi, biến tướng có khác nhau nhưng tựu
trung, chủ nghĩa xét lại có hai khuynh hướng chính. Chủ nghĩa xét lại “tả
khuynh” tìm cách đánh tráo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những
quan điểm vô chính phủ, duy ý chí có tính tiểu tư sản, phủ nhận tính tất yếu
đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản
và chuyên chính vô sản. Chủ nghĩa xét lại “hữu khuynh” thì đòi bác bỏ Chủ nghĩa
Mác-Lênin, muốn thay thế những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những
quan điểm, cải cách tư sản. Và dù ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào, dù có
những điều chỉnh nhất định, chủ nghĩa xét lại cũng không thể che giấu được động
cơ là xa rời mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân, từ bỏ cuộc đấu tranh
giành thắng lợi cho CNXH.
Thực tế cho thấy, khi Liên Xô và các nước XHCN
Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới thoái trào, những người mang tư tưởng xét
lại bắt đầu tỏ ra bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH.
Có người quy kết nguyên nhân đổ vỡ này là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin và
sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Có người thì quay ra phụ họa với các luận
điệu công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám
hối về một thời đã tin theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường XHCN, cho rằng cần
phải đi con đường khác. Các quan điểm “tân Mác-xít”, “hậu Mác-xít”... thi nhau
trỗi dậy, gây xáo trộn về tư tưởng.
Ở Việt Nam, trong quá trình đấu tranh cách
mạng lâu dài, phức tạp, ở những bước ngoặt, chúng ta cũng thấy xuất hiện tư
tưởng cơ hội, xét lại dưới nhiều màu sắc “hữu khuynh”, “tả khuynh”. Dù chỉ tồn
tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng chứ chưa định hình rõ như “chủ nghĩa”;
biểu hiện ở lời nói, trang viết và hành động nhỏ lẻ của một số người, một nhóm
người nhưng tư tưởng xét lại cũng gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Trong thời
kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi cuộc chiến ở vào thời kỳ quyết liệt, đã
có những người tỏ ra dao động trước sức mạnh tàn bạo của kẻ thù, trước hy sinh,
gian khổ nên không kiên định với đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam, ảo
tưởng về con đường chung sống hòa bình. Vào thời điểm Liên Xô và các nước Đông
Âu sụp đổ, phong trào cộng sản suy thoái, đất nước thì lâm vào khủng hoảng kinh
tế-xã hội sâu sắc, một số người bắt đầu dao động, ngả nghiêng, do dự, mơ hồ,
hoài nghi vào con đường đi lên CNXH. Thậm chí có người cho rằng lý luận về CNXH
đã sụp đổ, cần phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng
chế độ xã hội theo mô hình phương Tây, phi chính trị hóa quân đội...
Hiện nay, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, trong đó có tư tưởng xét lại, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã trở
thành vấn đề cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh
đốn Ðảng. Trước hết, phải thấy rằng theo đà phát triển không ngừng của thực
tiễn và khoa học, bất cứ học thuyết nào tự bản thân nó cũng không phải là một hệ
thống lý luận giáo điều, và chính Mác cũng đã từng đưa ra câu cách ngôn “Mỗi
bước tiến của phong trào thực tiễn còn quan trọng hơn hàng tá cương lĩnh”. Học
thuyết Mác-Lênin mặc dù rất khoa học và đúng đắn cũng không thể giải đáp đầy
đủ, chi tiết, cặn kẽ mọi vấn đề, ở mọi thời đại, của mọi quốc gia. Nó chỉ là
thế giới quan và phương pháp luận khoa học, là vũ khí tư tưởng của con người
trong cuộc đấu tranh vì chân lý khoa học và chính nghĩa nhân văn để nhận thức
và cải tạo thế giới mà không phải là “cái đã xong xuôi” hay “nhất thành bất
biến”.
Chính vì thế, học thuyết Mác - Lênin phải được
bổ sung, phát triển không ngừng cùng với tiến trình phát triển tri thức, khoa
học, thực tiễn của nhân loại. Tuy nhiên, dù bổ sung, phát triển ở bất cứ nội
dung nào thì cũng phải đặt trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa
Mác-Lênin, bởi xa rời những nguyên lý này thì chắc chắn lý luận sẽ bị lệch lạc,
bóp méo, mất định hướng và dễ sa vào chủ nghĩa xét lại. Bổ sung, phát triển thì
cũng phải vì mục đích bảo vệ, chứ không phải là từ bỏ, là phản bội Chủ nghĩa
Mác - Lênin. Với cách mạng Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu, bổ sung, phát
triển lý luận phải nhằm mục tiêu góp phần xác lập một đường lối chính trị độc
lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo để dẫn dắt, chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây
dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là phủ nhận, đổi hướng.
Đây là việc làm không dễ dàng nhưng lịch sử
cho thấy Đảng ta luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách trong những thời điểm
mà thực tế đòi hỏi phải có những đổi mới, phát triển mà không sa vào xét lại,
chệch hướng bằng sự nhạy cảm chính trị và động cơ trong sáng vì nước, vì dân.
Đó là tấm gương đồng chí Kim Ngọc, người đã khởi xướng, chủ trì ban hành Nghị
quyết số 68-NQ/TU ngày 10-9-1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “Về một số vấn đề quản
lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết này khi đó bị
coi là vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp. Tuy
nhiên, thực tế dần cho thấy tính đúng đắn của Nghị quyết 68 và tư duy của đồng
chí Kim Ngọc. Sáng tạo đó đã được Đảng ta nghiên cứu, tiếp thu để năm 1981, Ban
Bí thư ra Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm
đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (Khoán 100).
Tiếp đó là năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý
kinh tế nông nghiệp (Khoán 10), tạo bước đột phá cho nông nghiệp và nông thôn
trong thời kỳ đổi mới.
Đó là câu chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Linh,
nguyên Tổng Bí thư của Đảng. Từ thập niên 1980, khi còn là Bí thư Thành ủy TP
Hồ Chí Minh, đồng chí đã thử nghiệm xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm
đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột
phá đầu tiên nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ nên bị nhiều người phê phán, cho
rằng chạy theo cơ chế thị trường nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn kiên trì
từng bước với cách làm này. Thực tế sau này chứng minh sự đúng đắn trong tư duy
sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, và đường lối đổi mới của Đảng hình thành
và phát triển chính là từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có
cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Và cũng chính thực tế sinh động của sự nghiệp đổi mới là bằng
chứng thuyết phục nhất về sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa
Mác-Lênin của Đảng ta mà không sa vào tư tưởng xét lại, chệch hướng, “đổi màu”.
Sau 35 năm đổi mới, từ một nước chậm phát triển, đến cái ăn cũng không đủ, Việt
Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một nước xuất khẩu gạo và
nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Giờ đây, Việt Nam là hình ảnh của
một đất nước đang vững bước đi lên với một tư thế mới, tư thế của người làm chủ
và biết làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước
độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển; với một tầm ảnh
hưởng mới, ảnh hưởng của một đối tác đang chuyển mạnh từ “tham gia tích cực”
lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”, một
đối tác luôn có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu. Đúng như
lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn,
chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. “Đổi mới” đã song hành với “Việt Nam”
đến khắp nơi trên thế giới, đã vang lên trên các diễn đàn quốc tế lớn như là
một hiện tượng đặc biệt, một kỳ tích trong thế giới hiện đại. Thành công của
đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn con đường đi mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn
cho đất nước, dân tộc./.
Những kẻ lật sử là những kẻ phản bội Tổ quốc, bán rẻ lương tâm; chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ
Trả lờiXóa