Kỳ Anh
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam có bước phát triển mới so với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Cụ thể, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: Hải quân, phòng không-không quân, tác chiến điện tử, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”.
Có thể khẳng định mục tiêu,
phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân như trên là hoàn toàn đúng đắn,
phù hợp trong tình hình mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng. Cả cơ sở lý
luận và thực tiễn đều cho thấy, việc xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến
lên hiện đại là đòi hỏi tất yếu khách quan và hoàn toàn phù hợp. Trước hết, về
cơ sở lý luận, theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, quân đội kiểu mới để giành chính quyền
và bảo vệ thành quả cách mạng phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư
tưởng và tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sức mạnh của quân đội
cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Con người, tổ chức, vũ khí,
trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó, chính trị-tinh thần là yếu tố có ý
nghĩa quyết định.
Truyền thống dân tộc ta, từ xa
xưa ông cha ta đã đề ra kế sách “sâu rễ, bền gốc”: “Quốc phú, binh cường, nội
yên, ngoại tĩnh”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” vì đây chính là trụ cột của
“thái bình, thịnh trị, quốc thái, dân an”, là quy luật sinh tồn của dân tộc. Đồng
thời, ông cha ta đã đúc kết thành bài học kinh nghiệm “Quân cốt tinh, không cốt
đông”.
Tiếp thu tinh hoa truyền thống
quân sự Việt Nam, năm 1958, trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 14
năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1958), Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã căn dặn: "...Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta
thành một Quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính
quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”.
Trên cơ sở lý luận Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa truyền thống của dân tộc, đặc biệt
là thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt
Nam, quan điểm của Đảng ta về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
từng bước hiện đại đã được hình thành từ sớm và từng bước bổ sung, hoàn thiện.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) xác định: “Xây dựng Quân đội nhân
dân chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ
chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng
chiến đấu và sức chiến đấu cao”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội VII của Đảng (năm 1991) thông qua, xác định:
“Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ,
với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh
chiến đấu”. Từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), mục tiêu, nhiệm vụ xây
dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trở thành chủ
trương nhất quán của Đảng ta trong lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ
Tổ quốc.
Bước sang thế kỷ 21, sự xuất hiện
của các hình thái chiến tranh hiện đại và phương thức tác chiến mới, càng đòi hỏi
các quốc gia trên thế giới phải đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, coi trọng
xây dựng quân đội hiện đại. Chính vì vậy, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
năm 2013 hiến định rõ tại Điều 66: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực
lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp,
làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng
ta xác định: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc;
xây dựng LLVT nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu
tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”.
Như vậy, điểm thay đổi trong
phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân mà văn kiện Đại hội XIII của
Đảng xác định so với Đại hội Đảng lần thứ XII là: Từ chỗ “ưu tiên hiện đại hóa
một số quân chủng, binh chủng, lực lượng” phát triển thành “ưu tiên hiện đại
hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: Hải quân, phòng không-không quân,
tác chiến điện tử, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động,
kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ
cao, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân,
Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Đại hội XIII của Đảng xác định rõ
phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân như đã nêu trên là xuất phát
từ tình hình thực tế trong nước và thế giới với những yêu cầu rất cao đặt ra đối
với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cụ thể là:
Về dự báo tình hình, so với Đại hội
XII, Đại hội XIII của Đảng có những nhận thức mới: Thế giới đang trải qua những
biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp
tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó
khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra
dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn... Chủ nghĩa dân tộc cực đoan,
chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia
tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn,
thách thức mới... Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tranh chấp chủ quyền
lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa
bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng
trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột... Cách mạng công nghiệp 4.0
phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh và phương thức tác
chiến mới rất hiện đại, công nghệ cao, các thách thức an ninh phi truyền thống
ngày càng phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, việc đổi mới tư duy quân sự,
quốc phòng, hiện đại hóa quân đội là xu thế chung trên thế giới và nước ta
không thể đứng ngoài cuộc.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
XHCN đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi mới, ngày càng nặng nề, phức tạp hơn.
Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này, phải làm
công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ
Tổ quốc (nhiệm vụ được Đảng ta xác định là trọng yếu, thường xuyên); chủ động xử
lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; vừa ngăn ngừa nguy cơ
xung đột, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ,
biên giới, biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất
nước.
Hơn nữa, việc xây dựng quân đội
cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc chính là
cơ sở quan trọng để thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” theo kế
sách “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy”, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh,
xung đột, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Sự vững mạnh của quân đội, công
an và nền quốc phòng, an ninh là tiền đề để đất nước phát triển ổn định, bền vững,
là điều kiện quan trọng mở rộng và thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy kinh tế
phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Phương hướng, mục tiêu xây dựng
quân đội mà Đại hội XIII của Đảng xác định là tất yếu khách quan, rất cần thiết
trong tình hình mới. Cùng với đó, điều rất quan trọng nữa là chủ trương này phù
hợp với điều kiện của nước ta và hoàn toàn có tính khả thi khi tình hình kinh tế-xã
hội đất nước phát triển, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo 35
năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và chắc chắn sẽ đạt
được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; tiềm lực kinh tế và quốc phòng của nước ta
có bước phát triển nhanh, có điều kiện đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng
theo hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời kết hợp mua sắm phương tiện,
trang bị vũ khí hiện đại tăng cường sức mạnh cho quân đội, tăng cường sức mạnh
bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn thực hiện chủ trương “ưu tiên hiện đại hóa một số
quân, binh chủng, lực lượng” trong những năm qua, chúng ta cũng đạt được những
kết quả quan trọng và thu được nhiều kinh nghiệm quý. Đây chính là cơ sở vững
chắc để phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại.
Để đạt được mục tiêu “đến năm
2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân ta, được triển
khai thực hiện dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản
lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Trong quá trình xây dựng quân đội tiến
lên hiện đại, chúng ta phải thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng: Quân đội
ta tiến lên hiện đại trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế
thừa truyền thống dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Quán triệt quan điểm hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt
Nam phải bắt đầu từ sự tinh nhuệ về chính trị, trước hết là xây dựng quân đội vững
mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thực hiện “người trước,
súng sau”. Mục đích xây dựng quân đội vững mạnh là để phòng thủ và sẵn sàng đập
tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm,
từ xa... Việt Nam luôn nhất quán không tham gia liên minh quân sự nào; không sử
dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế...
Để góp phần triển khai thực hiện
hiệu quả phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam mà Đại hội
XIII của Đảng đã xác định, cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trước hết là cấp ủy, người
chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải quán triệt thật sâu sắc và đề cao trách
nhiệm trong tổ chức thực hiện ở cơ quan, đơn vị mình theo đúng sự lãnh đạo, chỉ
đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trước hết, phải tiếp tục nâng cao bản
lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng,
Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập sát
thực tế chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;
đồng thời duy trì thực hiện nghiêm nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; tập
trung xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững
mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Bảo đảm thực hiện đồng bộ, toàn diện các
giải pháp đã xác định trong định phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Đặc biệt, các quân chủng, binh chủng, lực lượng
được ưu tiên hiện đại phải thực sự nỗ lực phấn đấu rất cao để hiện đại hóa đồng
bộ cả về con người, tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị, phương thức và trình độ
tác chiến cùng các mặt bảo đảm khác, đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ trong
tình hình mới, đồng thời tạo tiền đề vững chắc để xây dựng quân đội hiện đại,
đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa