Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

CẦN NHẬN RÕ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Cương Trực

Từ Đại hội VI của Đảng ta đến nay, chúng ta đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế đa hình thức sở hữu. Với chủ trương này, chế độ sở hữu ở nước ta trên thực tế đã là chế độ đa sở hữu gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu hợp tác, sở hữu tư nhân cá thể, sở hữu tư bản trong và ngoài nước… Không nên hiểu chỉ có sở hữu nhà nước và sở hữu hợp tác là sở hữu xã hội chủ nghĩa, còn các hình thức sở hữu khác là phi xã hội chủ nghĩa. Nhận thức đó làm cho hệ thống quan hệ sở hữu, các thành phần kinh tế cùng các giai tầng xã hội bị chia ra làm hai bộ phận đối lập nhau, một bên là xã hội chủ nghĩa và bên kia là phi xã hội chủ nghĩa. Sự đối lập này sẽ làm tăng tính đối kháng giữa hai hệ thống, thậm chí tuyệt đối hóa và xem nhẹ làm triệt tiêu động lực phát triển.

Tất cả các quan hệ sở hữu ở nước ta hiện nay đều có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi pháp nhân thuộc mọi hình thức sở hữu đều phải hoạt động theo thể chế đó, do vậy không thể chỉ có sở hữu nhà nước và hợp tác mới có tính định hướng xã hội chủ nghĩa, mà mọi hình thức sở hữu đều có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống quan hệ sở hữu của nước ta sẽ không bị phân chia ra thành hai bộ phận đối lập nhau như trước, mà là một thể thống nhất, có một mục đích chung là thúc đẩy đất nước phát triển.

Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và sở hữu tư nhân nói riêng ở nước ta phải phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và các thể chế của nước ta, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước và giải quyết các vấn đề xã hội… Không thể và không có lý do để khu vực sở hữu tư nhân đi ngược với định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ quá độ, do trình độ phát triển khác nhau của lực lượng sản xuất, nên còn nhiều chế độ sở hữu, nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Vì vậy còn nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế là một tất yếu khách quan. Việc phân định các thành phần kinh tế mới hiểu được các đặc trưng cơ bản và xu hướng vận động của chúng để có chính sách phù hợp nhằm phát huy được tiềm lực của chúng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đảng ta khẳng định “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[1].



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr.128-129.


1 nhận xét: