Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

GỌI ĐÚNG TÊN “NGỤY QUYỀN”

Cương Trực

Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam nói riêng. Chiến thắng đó không chỉ có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ngày nay vẫn có những kẻ cố tình muốn xóa nhòa đi chiến thắng đó, kêu gào đòi thay đổi cái tên gọi “ngụy quyền”. Đây là một nhận thức ấu trĩ, lệch lạc, cần phải loại bỏ.

Luận nghĩa chữ “ngụy” là 1 từ gốc Hán trong tiếng Việt, tồn tại dưới 2 dạng tính từ và danh từ, thường dùng để chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, không chính danh. Với ý nghĩa là một tính từ, “ngụy” bao hàm sự giả tạo, ví dụ như ngụy tạo, ngụy biện, ngụy trang, ngụy quân, ngụy quyền. Trong lịch sử, về mặt chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đại hoặc một chính quyền do soán đoạt ngôi mà có, hoặc do bọn ngoại bang nước ngoài dựng lên một cách bất hợp pháp, không được người dân công nhận, để hợp thức hóa sự đô hộ, xâm lược với một nước khác. Về bản chất, chính quyền này không có thực quyền, chỉ là “hữu danh vô thực”, bị bọn xâm lược nước ngoài khống chế, mang tính bất hợp pháp và không chính danh. Trong lịch sử các nước châu Á, ngoài Việt Nam thì các quốc gia khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, từ “ngụy triều, ngụy quyền” cũng được sử dụng nhiều trong các văn bản, thư tịch lịch sử. Chẳng hạn như cách gọi các triều đình “ngụy Sở” (1127-1128) của Trương Bang Xương, “ngụy Tề” (1130-1137) của Lưu Dự… Với ý nghĩa là một danh từ, “ngụy” dùng để chỉ địa danh, tên gọi tại Trung Quốc trước đây, như nước Ngụy thời Xuân Thu Chiến Quốc - một nước chư hầu thời Tây Chu, nhà Tào Ngụy thời Tam quốc, huyện Ngụy ở phía Nam tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày nay hay dòng họ Ngụy tại Đông Nam Á. Từ “Ngụy” này được viết hoa.

Như vậy có thể thấy, chữ “ngụy” là sản phẩm ngôn ngữ của nhiều nước trên thế giới. Chữ “ngụy” đã được sử dụng từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam, nhằm ám chỉ những chế độ, triều đình mang tính không chính danh, soán quyền, đoạt ngôi như nhà Mạc soán ngôi nhà Hậu Lê nên bị các sử gia thời Lê Trung hưng gọi là “ngụy Mạc”. Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam năm 2007 định nghĩa: “Ngụy quyền là chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ xâm lược, nô dịch họ”. Như vậy, theo các định nghĩa đã nêu, đương nhiên cả chính quyền Bảo Đại (1949-1954) và chính quyền Sài Gòn (1954-1975) do Pháp và Mỹ dựng lên ở Việt Nam đều là “ngụy quyền”. Do đó, tên gọi “ngụy quyền” là hoàn toàn đúng đắn. Điều này được khắc vào lịch sử và không thể thay đổi được.


1 nhận xét: