Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Ngăn chặn các sự “chạy”!


Vốn là những người từng trải, lại có thời gian nghe ngóng, tìm hiểu thông tin nhiều mặt, thế nên câu chuyện của mấy ông bạn hưu trí cao niên khi gặp nhau lúc rảnh thường là bàn luận về “nhân tình thế thái”.
Một lần nọ gặp nhau, có ông khơi mào: “Có những sự thêm thì đáng mừng, đáng vui. Nhưng cũng có những cái thêm lại đáng buồn, đáng suy ngẫm. Ví như từ 9 loại “chạy” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ ra (Chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội) đến Quy định số 08-QĐi/TW của Đảng lại chỉ ra thêm 2 loại “chạy” (Chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu). Và mới đây, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người “chạy cơ cấu”. Như vậy, chưa hết nhiệm kỳ mà Đảng ta đã vạch mặt 12 loại “chạy”. Nghĩa là có cả “một tá… chạy” rồi đấy”!
Rồi các ông tập trung phân tích: Trong số các loại “chạy”, đáng lưu ý là những người “chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu”. Hai cái loại “chạy” này tinh vi lắm, không phải ai cũng dễ nhận diện được đâu.
Có không ít người muốn được quy hoạch vào một chức danh quan trọng nào đó, không chỉ khéo léo “đi cửa sau” đối với các “ông thường vụ”, “bà cấp ủy”, mà còn phải “đi tắt, đón đầu” với các đối tượng được quyền bỏ phiếu tín nhiệm. Những người “chạy” có “đặc điểm chung” là vào những thời điểm “nhạy cảm”, họ khôn khéo thực hiện phương châm “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào theo chiều ấy” để cố gắng không mất lòng ai, cố gắng tạo ra một hình ảnh cá nhân thân thiện. Thế nên, ở nhiều nơi hiện nay xuất hiện câu “ca dao đời mới”: “Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười/ Nhún nhường, nhã nhặn là người phiếu cao”(!)
“Chạy” được phiếu tín nhiệm rồi, họ tiếp tục lao vào cuộc đua “chạy phiếu bầu” và tăng tốc “dồn dập” nhất là gần đến ngày tổ chức đại hội. Chỗ quen biết, thân tình thì nhã ý nhắn tin “ủng hộ tôi nhé”. Chỗ chưa thân quen lắm thì dành thời gian gặp gỡ, hỏi han, mời nhau ra quán xá, nhà hàng gọi là “lâu ngày giao lưu, hội ngộ”, rồi “chén anh, chén chú” vui ngất trời, thậm chí sau “cuộc nhậu” lại còn lót tay cả quà cáp,.... “Người mời”- tức người muốn “chạy phiếu bầu” thì được tiếng là chân tình, hào phóng, biết “ăn ở”; còn không ít “người được mời” dù biết đang bị “lấy lòng, mua chuộc” một cách tinh vi nhưng vẫn chẳng thấy do dự, ngại ngần gì vì chí ít họ cũng được hưởng chút lợi cả về vật chất lẫn tinh thần cơ mà.
Một ông thắc mắc: “Vậy, cái sự “chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu” có gì giống và khác với cái sự “chạy chức, chạy quyền” không?”.
Ông khơi mào câu chuyện lý sự tiếp: “Giống nhau ở chỗ là các loại “chạy” này đều có động cơ vụ lợi, đều có mục đích là giành “ghế”. Nhưng “chạy phiếu tín nhiệm”, “chạy phiếu bầu” khác “chạy chức, chạy quyền” ở chỗ: người “chạy phiếu tín nhiệm”, “chạy phiếu bầu” phải chạy vạy, cậy nhờ, lôi kéo nhiều đối tượng hơn; hình thức chạy phải tinh vi, “ma quái” hơn; cách thức chạy phải uyển chuyển, kín đáo hơn; thời gian chạy phải ma-ra-tông, vòng vo hơn; nguồn “tạm ứng” cho việc “chạy” cũng phải được “phân bổ” hợp lý hơn với từng đối tượng cần “chạy”.
Nếu ở đâu, khi mà công tác cán bộ chủ yếu do mấy “ông, bà thường vụ” và cá nhân người đứng đầu quyết định thì những người “chạy” tập trung “nguồn lực chạy” những người có “quyền sinh, quyền sát” này. Còn khi công tác cán bộ đòi hỏi phải mở rộng dân chủ hơn, thông qua nhiều quy trình chặt chẽ, bài bản hơn, thì “quá trình chạy” diễn ra theo hình tháp nhọn, tức là “quy trình chạy” sẽ từ thấp đến cao, từ những ông, bà cán bộ cấp vụ, cấp sở, cấp phòng đến các ông, bà “có chân” trong cấp ủy và cuối cùng “đỉnh tháp” là mấy “ông thường vụ” và người đứng đầu. Và khi “chạy” đủ số phiếu tín nhiệm, số phiếu bầu, thì thời cơ, vận hội “thay đời, đổi danh” của kẻ “chạy” chắc chắn nằm trong tay rồi!”.
Nghe vậy, các ông khác than phiền: Ôi, cái sự “chạy” sao mà nó nhiêu khê đến thế!
Chung quy, cái sự “chạy phiếu tín nhiệm”, “chạy phiếu bầu” mặc dù đang diễn ra tinh vi, ngấm ngầm ở chỗ này hay chỗ kia trong bộ máy công quyền, nhưng là một điều cảnh tỉnh, cảnh báo nghiêm khắc rằng, nếu không có cơ chế, biện pháp hữu hiệu, đủ mạnh để ngăn chặn các sự “chạy” này thì nguy cơ suy thoái, mọt ruỗng thể chế là rất đáng quan ngại, niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền chắc sẽ không còn!./.
THIỆN VĂN

3 nhận xét:

  1. Hiện nay, không ít người muốn được quy hoạch vào một chức danh quan trọng nào đó, không chỉ khéo léo “đi cửa sau” đối với cấp trên, mà còn phải “đi tắt, đón đầu” với các đối tượng được quyền bỏ phiếu tín nhiệm. Chúng ta phải đấu tranh để loại bỏ các kiểu chạy này.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu chúng ta không có cơ chế, biện pháp hữu hiệu, đủ mạnh để ngăn chặn các sự “chạy” này thì nguy cơ suy thoái, mọt ruỗng thể chế là rất đáng quan ngại.

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi người dân Việt Nam khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền... nên tố giác để kịp thời ngăn chặn, góp phần ngăn chặn các trường hợp tiêu cực xảy ra.

    Trả lờiXóa