Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – thành tựu bác bỏ mọi sự xuyên tạc


Năm 2019, thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động khó lường, kinh tế tăng trưởng chậm, rủi ro, bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng và đạt được những thành tựu to lớn. Thực tế đó là minh chứng và là câu trả lời rõ ràng nhất cho những luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
1. Không thể phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế ở Việt Nam
Chống phá đường lối phát triển kinh tế ở Việt Nam, một số phần tử phản động cố tình xuyên tạc tình hình Việt Nam, chúng cho rằng: “Việt Nam kiên định theo đường lối, chủ nghĩa Mác – Lê đã làm đất nước ta không phát triển, suy sụp đến tận cùng”. Thực tế thì sao?
Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới với điểm khởi đầu là Đại hội VI, kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc, không những khắc phục được sự trì trệ của cơ chế cũ mà còn đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng về đầu tư và phát triển. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donal Trump khẳng định: “Vào đầu thập niên 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống chỉ với một vài đô la một ngày, và cứ một trên bốn người không có điện. Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế tăng gấp 30 lần và học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới, điều này rất đáng phục”. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 tiếp tục hạ xuống 3,2%, tuy nhiên với Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng khoảng 6,5% năm 2019; Ngân hàng thế giới dự báo ở mức 6,6%; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì lạc quan với dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,8%. Trong khi đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ. GDP Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 đạt ngưỡng 6,98%. Tính đến nay, nước ta đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; 71 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; nước ta cũng đã ký 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước, trong đó 11 hiệp định đã có hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đẩy mạnh các hoạt động vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu… Với những con số thống kê rõ ràng và nhận xét khách quan của quốc tế, sao lại có thể cho rằng: “Việt Nam lầm than, khổ nghèo và nô lệ”?, sao lại có thể cho rằng “kinh tế thị trường ở Việt Nam là mơ hồ”? Hay ngược lại, đây phải chăng là nhận thức mơ hồ của một số “trí thức giả cầy”, “nhà dân chủ rởm”, là sự vu cáo vô căn cứ, không có cơ sở, cố tình xuyên tạc, phá hoại Việt Nam.
2. Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là phù hợp quy luật khách quan
Không phủ nhận được sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, một số kẻ lại quay ra cho rằng: “đường lối kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự chắp vá, đều là sự “đầu phục” kinh tế thị trường tư bản”, “kinh tế thị trường cộng sản chỉ là ngụy danh, thật ra là tư bản đỏ”…
Trước hết, phải thấy rằng, kinh tế thị trường không phải là một chế độ kinh tế xã hội. Nó là một hình thức, phương pháp vận hành nền kinh tế. Ở đó, các quy luật của thị trường chi phối việc phân bổ tài nguyên, quy định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Đây là một kiểu mô hình kinh tế hình thành và phát triển do những đòi hỏi khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất. Quá trình hình thành phát triển kinh tế thị trường là quá trình mở rộng phân công lao động xã hội, phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Dễ dàng thấy, sự phát triển của kinh tế thị trường gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại, của khoa học kỹ thuật và của lực lượng sản xuất. Nó là sản phẩm của sự phát triển khách quan của lịch sử xã hội loài người. Và như vậy, kinh tế thị trường không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản, càng không phải là chủ nghĩa tư bản, dù theo bất kỳ cách tiếp cận nào. Thật nực cười cho những kẻ luôn mang danh “trí thức”, “học giả” nhưng một vấn đề hết sức cơ bản về kinh tế lại không nhận ra được.
Một sự thật hiển nhiên là, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, mục đích chủ yếu của nền kinh tế là mang lại lợi ích cho giai cấp bóc lột. Và như vậy, dù có cố gắng điều chỉnh, thích nghi như thế nào đi chăng nữa, thì nó vẫn gây ra tình trạng người bóc lột người, bất bình đẳng trong xã hội. Điều này là hoàn toàn khác biệt so với mục tiêu của kinh tế thị trường XHCN. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một dạng mô thức kinh tế mới, chưa từng có trong lịch sử, cũng có thể nói phát triển kinh tế thị trường là “cái phổ biến”, còn kinh tế thị thường định hướng XHCN là “cái đặc thù” của Việt Nam. Nhấn mạnh yếu tố “định hướng XHCN” là nhấn mạnh đích đến của phát triển kinh tế ở Việt Nam là nhằm bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Do vậy, luận điệu phủ nhận đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam của một số thế lực thù địch gần đây thực chất là những quan điểm phản động, muốn hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa, là sự xuyên tạc, vu cáo thâm độc với chủ đích phá hoại, tạo hoài nghi, hòng gây mất niềm tin của nhân dân vào chế độ và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế./.

3 nhận xét:

  1. Thực tế ở Việt Nam trong những năm qua là minh chứng và là câu trả lời rõ ràng nhất cho những luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.

    Trả lờiXóa
  3. Trước những luận điệu sai xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa