Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

TẠI SAO THỦ TƯỚNG SINGAPORE LÝ HIỂN LONG LẠI PHÁT BIỂU NHƯ VẬY VỀ VIỆT NAM?


Như đã biết, phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm trước khiến ASEAN dậy sóng khi ông cho rằng Việt Nam đã xâm lược (invasion) và chiếm đóng (occupation) Campuchia trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Như để bồi thêm, ngày hôm qua (7/06/2019), chủ tịch quốc hội Singapore, Tan Chuan-Jin, cũng đã tái khẳng định ủng hộ lập trường của ông Lý. Như vậy, có thể thấy rõ phát ngôn của ông Lý Hiển Long không hề là bộc phát nhất thời, mà là 1 đường lối chính trị xuyên suốt của chính phủ Sing trong giai đoạn này.
Tạm bỏ qua những tình cảm cá nhân về phát biểu của ông Lý. Chúng ta không thể không đặt nhiều dấu hỏi cho động cơ thực sự phía sau của ông về những phát biểu này:
— Tại sao một chế độ man rợ đã bị Việt Nam tiêu diệt hơn 40 năm trước lại được "triệu hồi" ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh khá nhạy cảm giữa những chuyển động không ngừng của chính trị thế giới?
— Tại sao Lý Hiển Long lại ném 1 quả táo bất hòa ra giữa một khối ASEAN đang có thể tạm gọi là hòa bình, thịnh vượng?
— Tại sao Singapore sẵn sàng gây sứt mẻ cho mối quan hệ tốt đẹp vốn đã được gầy dựng gần 20 năm qua giữa 2 nước Việt & Sing?
Về mặt lịch sử, hành động Việt Nam đưa quân sang Campuchia để lật đổ chế độ Khmer Đỏ và xây dựng nên chính phủ Heng Samrin vốn vẫn là 1 câu chuyện nhạy cảm mang nhiều góc nhìn. Dĩ nhiên, với quan điểm của 1 người Việt, thì hành động trên của chúng ta là hoàn toàn chính đáng xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của thời cuộc và tình hình chính trị. Nói nôm na là chúng ta đã làm những việc CẦN làm, NÊN làm và PHẢI làm ở thời điểm đó, trong tình huống đó. Thế nhưng, với góc nhìn quốc tế thì không phải ai cũng cho rằng những việc làm đó là chính đáng. Đây là việc mà dù muốn dù không, chúng ta cũng phải chấp nhận trong một thế giới luôn vận động theo quy luật "cá lớn nuốt cá bé" và đầy rẫy những bất công.
Về mặt ngoại giao, những phát biểu của ông Lý và chính phủ Sing là khó có thể chấp nhận khi nó khơi lại nỗi đau không chỉ cho nhân dân Campuchia mà còn đánh vào lòng tự tôn của Việt Nam. Ngay lập tức, Campuchia đã có những phản ứng gay gắt ở cấp độ nhà nước, thủ tướng Hun Sen cũng đã lên tiếng và chính bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh của ta cũng đã điện đàm với người đồng cấp Singapore để bày tỏ thái độ.
Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế, nếu chỉ xét đơn thuần về bài phát biểu của ông Lý Hiển Long tại Hội nghị thượng đỉnh Shangri-La năm nay thì những phát biểu đó không hề mới. Nó phù hợp với mạch quan điểm nhất quán của chính phủ Singapore trong suốt hơn 1 năm qua và trái ngược hoàn toàn so với những quan điểm của chính họ thời gian trước đó. Nhưng để từng bước bóc tách động cơ của Singapore, đầu tiên, chúng ta phải nhìn lại lịch sử của khối ASEAN.
ASEAN & TUYÊN BỐ BANGKOK 1967 [1]
Nếu không phải Lý Hiển Long dành nhiều thời lượng để đề cập đến, e rằng sẽ không nhiều người nhớ rằng ý định ban đầu của ASEAN là nhằm lập nên một "liên minh quân sự để chống lại Chủ nghĩa Cộng Sản". Mặc dù mục tiêu công khai của ASEAN khi được tuyên bố thành lập là hợp tác kinh tế và văn hoá - xã hội, nhưng thực chất đây là một tập hợp chính trị giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa cộng sản (cả từ bên ngoài lẫn bên trong), đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến ở Việt Nam khi đó đang gây nên những tác động lớn đến tình hình khu vực [2].
Lý Hiển Long đương nhiên biết rằng hiện đang có hai quốc gia theo chế độ XHCN trong số các thành viên ASEAN; ông cũng thừa biết Việt Nam ngày nay vẫn luôn coi việc mình đưa quân vào Campuchia là một cuộc chiến chính nghĩa. Nhưng ông cũng biết rõ những điều trên là cơ sở lịch sử để đặt cha ông (Thủ tướng Lý Quang Diệu) vào vị trí trở thành ngọn cờ ngoại giao của ASEAN. Chính vì những nỗ lực ngoại giao của ông Lý Quang Diệu trong giai đoạn lịch sử quan trọng nói trên mà Singapore hôm nay mới có quyền được thay mặt ASEAN phát ngôn tại diễn đàn quốc tế.
Thế nên, việc Singapore dùng "chuyện cũ nhắc lại" trong những lời đầu tiên để mở màn cho hội nghị Thượng đỉnh Shangri-La năm nay, cũngcó thể ngầm hiểu là một đòn phủ đầu ngay trước khi VN đảm nhận ghế Chủ tịch ASEAN và trong bối cảnh "Việt Nam đang chuẩn bị được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực". Ở đây, cần phải nhớ rằng, thời điểm mà ông Lý đưa ra phát biểu chỉ đúng một tuần trước khi Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu bầu 5 thành viên không thường trực vào ngày 7/6 (tức hôm qua) và Việt Nam là ứng cử viên duy nhất từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Bên cạnh đó, Sing cũng muốn lợi dụng diễn đàn quốc tế để tập hợp sự đồng thuận của ASEAN về cuộc va chạm thương mại Trung – Mỹ.
Vậy tại sao Sing lại muốn phủ đầu Việt Nam?
Để trả lời câu hỏi trên, hãy đặt 1 câu hỏi khác: Vậy giữa Việt Nam & Sing, ai sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi cuộc chiến Thương mại Trung – Mỹ nổ ra?
VA CHẠM TRUNG – MỸ
Về cuộc chiến Thương mại Trung – Mỹ, hiện nay thái độ của các nước ASEAN thực sự khá tinh tế và chia thành nhiều nhóm mục đích. Một nhóm bao gồm các quốc gia đã cảm thấy hơi nóng của cuộc chiến phả tới sau gáy (như Sing & Malaysia) đều có ý khuyên Trung – Mỹ giảng hòa. Nhóm khác gồm các quốc gia được hưởng lợi như Việt Nam, Myanmar, Indonesia thì im lặng, mặc nhiên tiếp nhận những nguồn lợi ích kinh tế từ cuộc chiến.
Thế nhưng, nếu đặt lên bàn cân thì trong cuộc chiến Thương mại Trung – Mỹ này, Việt Nam là người hưởng lợi nhiều nhất. Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, quy mô đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng kỷ lục so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây [3]. Cùng ngày mà Lý Hiển Long phát biểu, truyền thông Singapore đã dẫn lại một bài viết từ hãng tin Bloomberg, mà qua đó có thể phần nào củng cố cho nhận định trên: "Được lợi từ va chạm thương mại Trung – Mỹ, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore sau 10 năm nữa" [4]. Điều đó khiến Singapore không khỏi chột dạ khi nhìn đến mối nguy cơ tiềm tàng từ Việt Nam trong tương lai.
Xét riêng từ góc độ kinh tế, Singapore là quốc gia có diện tích rất nhỏ, khó có thể hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển giao chuỗi công nghiệp. Nếu tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam và Indonesia tăng lên, thì chỉ có thể đem lại cho Singapore sự gia tăng một phần nguồn khách du lịch và các ngành dịch vụ khác, hiệu ứng lan tỏa tích cực không rõ ràng. Về tổng quan chung, mặc dù một số nước ASEAN có thể hưởng lợi từ va chạm thương mại, tăng cơ hội việc làm và xuất khẩu ngoại thương, nhưng một khi nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái do va chạm thương mại, thì môi trường của ASEAN cũng sẽ xấu đi trông thấy, được không bằng mất.
VỊ THẾ SINGAPORE
Tuy nhiên, những mối quan ngại về kinh tế chưa phải điều cốt yếu. Như ông Lý Hiển Long nhiều lần nhấn mạnh, điều Singapore lo lắng hơn là cuộc đối đầu chiến lược Trung – Mỹ sẽ dẫn đến căng thẳng theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Bởi tác động chính trị của một cuộc đối đầu toàn diện giữa 2 siêu cường sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế quốc tế đặc biệt mà Singapore nhờ nỗ lực miệt mài qua nhiều thập kỷ mới có được.
Kể từ khi thành lập đất nước, Lý Quang Diệu đã ý thức rõ 1 điểm: là quốc gia có diện tích nhỏ nhất ở Đông Nam Á, nền tảng lập quốc của Singapore chắc chắn không phải là thiện chí của các cường quốc láng giềng, cũng không thể nhờ sức mạnh cứng rắn dựa vào thực lực của bản thân. Mà PHẢI là quan hệ chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và an ninh do quan hệ đó mang lại. Nếu không thể đại diện cho ASEAN, thì Singapore không là gì cả; nếu chỉ có ASEAN, thì Singapore cũng không là gì trong ASEAN – Lý Quang Diệu đã quán triệt nguyên tắc ngoại giao này cực độ. Cuối cùng, ông đã trở thành người trung gian và nhân tố đảm bảo cho mối quan hệ giữa các cường quốc bên ngoài khu vực và ASEAN; là đồng minh an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực; là người đặt cược kinh tế cho Trung Quốc và người phát ngôn ngoại giao của ASEAN. Nhờ đó đã mang lại cho Singapore một vị thế ngoại giao và uy tín quốc tế vượt xa nguồn lực của chính mình.
Nếu Trung và Mỹ đi đến một cuộc đối đầu toàn diện vào thời điểm này, không chỉ làm "môi trường" xung quanh Singapore biến mất, mà đối với một nước theo chủ nghĩa thực dụng như Mỹ, thì vị trí chiến lược của Indonesia và Việt Nam còn cao hơn nhiều so với Singapore. Khi ấy, sợ rằng Singapore sẽ từ vai trò ngọn cờ biến thành khán giả, thậm chí có nguy cơ trở thành quân cờ. Viễn cảnh đó rõ ràng không phải là điều Lý Hiển Long muốn thấy. Vì vậy, Singapore mới liên tiếp kêu gọi (đến một mức độ nhiều chưa từng thấy) để xoay chuyển sự thù địch giữa các nước lớn trong khu vực Đông Á; thậm chí không ngần ngại sử dụng giọng điệu tâng bốc, lấy lòng để giành được sự công nhận và hiểu biết của các nước lớn.
"ĐỔI CHIỀU" CHIẾN LƯỢC
Chính vì vậy, không lạ khi chiến lược ngoại giao của Singapore đã đổi chiều 180° trong hơn 1 năm qua.
Tại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen trong bài phát biểu của mình đã khẳng khái chỉ trích cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Ông Ng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực bằng việc quân sự hóa Biển Đông, và chỉ trích Mỹ gây căng thẳng trên phương diện kinh tế, thương mại toàn cầu bằng chính sách bảo hộ dưới chủ trương "America First" của Tổng thống Donald Trump.
Thế nhưng tại Shangri-La 2019, trong bài phát biểu dẫn đề của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long dành gần 1/2 thời lượng để bênh vực Trung Quốc, từ phương diện an ninh, quốc phòng, cho đến kinh tế. Và dĩ nhiên, ông cũng không bỏ qua cơ hội chỉ trích Mỹ gây chiến tranh thương mại, ảnh hưởng toàn bộ thế giới. Ông Lý cũng công khai nói Singapore ủng hộ mạnh mẽ chiến lược "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh, và kêu gọi các quốc gia khác cùng hợp tác để hiện thực hóa chiến lược này…
Khi ông Donald Trump ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Singapore – cũng như nhiều quốc gia châu Âu – đã tỏ ra khó chịu và lo lắng. Bởi nếu thắng cử, dựa trên tính cách của ông Trump và đề cương tranh cử có màu sắc dân túy, đối nghịch với xu hướng toàn cầu hóa, tự do thương mại và di dân, thì viễn cảnh Mỹ rút khỏi các hiệp ước, hiệp định quốc tế, cắt giảm sự hiện diện quân sự ở nhiều khu vực… là hoàn toàn có thể xảy ra. Là một quốc gia thịnh vượng chủ yếu nhờ thương mại, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài, được bảo an nhờ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng châu Á – Thái Bình Dương hơn nửa thế kỷ qua, dĩ nhiên Singapore có lý do để quan ngại trước những chủ trương của Tổng thống Donald Trump.
Trên thực tế, sau hơn 2 năm nắm quyền, ông Trump đã thực hiện rất nhiều lời hứa khi tranh cử bất chấp phản ứng trong nước lẫn quốc tế (mà gần nhất là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Singapore chịu ảnh hưởng xấu). Chưa hết, có thể nói triển vọng ông Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kì nữa (cho đến thời điểm này), là khá cao khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng được các tầng, giới tại Mỹ ủng hộ. Chính vì thế, từ hy vọng biến thành thất vọng, Singapore cảm thấy không còn tin tưởng vào đồng minh (ít nhất là cho đến khi Donald Trump còn trên cương vị Tổng thống) và có biểu hiện hướng sang quốc gia đang đem lại lợi ích kinh tế lớn to lớn cho họ, đó là Trung Quốc.
VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM
Đối nghịch với sự thất vọng của Sing, từ Shang-ri La 2017, Việt Nam có chiều hướng "tin tưởng" hơn ở Tổng thống Donald Trump. Bởi thông qua Bộ trưởng Quốc phòng James Matis, Mỹ đã có những "đề xuất cụ thể hơn những người tiền nhiệm" trong quan hệ quốc phòng với khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng [5].
Việt Nam trong tư cách một quốc gia, cũng hết sức ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và các nước trong bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) đã khơi mào từ Shang-ri La 2018, dù chiến lược này chưa có gì rõ ràng lắm.
Ngược lại, Singapore – từ các phát ngôn của chính phủ, giới quân sự, lẫn học giả… lại không ủng hộ chiến lược này. Cơ bản là họ không tin vào một tổng thống Mỹ được cho là "sáng nắng chiều mưa", tính khí thất thường và cho rằng chiến lược này với chủ đích là bao vây Trung Quốc, sẽ gây cạnh tranh và bất ổn cho khu vực. Đây là một thái độ trái ngược với sự ủng hộ nhiệt thành cho chiến lược tái cân bằng về châu Á – Thái Bình Dương của Chính quyền Obama trước đó.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng vị thế của VN trên trường quốc tế đang ngày càng gia tăng. Không phải tự nhiên mà mối quan hệ Việt – Mỹ gần đây ngày càng nồng ấm, không phải đơn giản mà Mỹ chọn VN làm địa điểm cho hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Và cũng không phải vô cớ khi Việt Nam trúng cử vào vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với tỷ lệ cao khó tin: 192 / 193 phiếu [6].
.
Đến đây, câu trả lời cho bài toán "Vì sao Lý Hiển Long lại tấn công Việt Nam vào thời điểm này?" cũng đã phần nào có lời giải. Đó là cố tình nhắc lại quá khứ để gợi lại góc nhìn về một "Tiểu bá" trong khu vực; nhằm gây nghi ngờ, giảm năng lực tập hợp của Việt Nam; hòng tránh sự gần gũi Việt – Mỹ lan vào nghị trình ASEAN 2020 và đồng thời làm giảm vị thế đang lên của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, từ những sự kiện và phân tích trên, có thể nhận thấy đường lối chính trị của Singapore trong thời gian sắp tới sẽ (có thể) xoáy vào 3 điểm chính:
— Có sự đổ vỡ "lòng tin chiến lược" giữa Singapore và người Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
— Singapore đang dần "xoay trục" về phía Trung Quốc?
— Singapore đang làm giá với cả 3 bên Mỹ, Trung & ASEAN mà phát biểu của Lý Hiển Long chỉ là một phép thử [7]. Tiến trình xoay trục vẫn có thể tiếp diễn (nhiều) lần nữa bởi Sing không hẳn sẽ hoàn toàn ủng hộ TQ, nếu TQ nhất quyết đào kênh Kra – loại bỏ con đường hàng hải qua eo biển Malacca – cũng chính là túi tiền của Sing [8].
Nhưng cần nói rõ, hành động "tái cân bằng" này của Singapore xuất phát hoàn toàn vì lợi ích quốc gia của họ chứ không phải vì ông Lý Hiển Long hay ¾ người dân Sing có gốc từ TQ. Sự xoay trục của Singapore, nói cho cùng, chỉ là một biểu hiện cụ thể cho đường lối thực dụng nhất quán trong chính trị từ thời Lý Quang Diệu, mà có thể đúc kết như nhận xét của nhà báo lão thành Chin Kah Chong:
— Lý Quang Diệu không tôn thờ chủ nghĩa nào, không ngả hẳn theo bất cứ bên nào. Vào một thời điểm nào đó, điều gì, nước nào có thể mang lại lợi ích cho Singapore là ông ấy làm và xích lại gần thôi. Ông ấy là một người thực tiễn, thực dụng, mà nếu nói là cơ hội thì cũng không quá lời —
Người khôn ngoan thì có thể làm cho những điều nhỏ bé trở nên lớn lao và bài phát biểu của ông Lý Hiển Long là một biểu hiện cho cuộc đấu tranh của Singapore, một quốc gia nhỏ vì lợi ích của chính mình trong tình hình quốc tế biến đổi liên tục.
Nhưng hãy cẩn thận, toan tính thì luôn đi kèm với hệ lụy. Liệu Singapore và ông Lý đã lường trước được những gì đang chờ đón mình trong canh bạc sắp tới chưa?
.
© Hiệu đính & Biên tập: son.le
© Ảnh: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu mở màn đối thoại Shangri-La 2019
© Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn trong & ngoài nước, trong đó có 2 nguồn rất giá trị:
1. Bài phân tích của tác giả Trữ Ân: "Phát biểu của ông Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La rốt cục nói thay cho ai?" đăng trên Trang tin Hoa ngữ độc lập "Đa Chiều". Bài viết được báo Viettimes dịch và đăng lại:
2. Bài viết của nhà báo Thuc Minh (nguyên Trưởng ban đại diện báo Thanh Niên khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore)
• Chú thích:
[1] — Tuyên bố ASEAN (hay còn gọi là Tuyên bố Bangkok) là văn bản thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Văn bản được ký kết tại Bangkok ngày 8 tháng 8 năm 1967 bởi 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia và Thái Lan
[2] — Theo quyển "The Asia-Pacific Profile" của các tác giả Bernard Eccleston, Michael Dawson, Deborah J. McNamara (1998), trang 311.
[7] — Ngay sau khi Bộ trưởng Phạm Bình Minh điện đàm, người đồng cấp Singapore đã hết sức xoa dịu và khẳng định mối quan hệ chiến lược giữa 2 nước (https://thanhnien.vn/…/bo-truong-ngoai-giao-singapore-phat-…)
[8] — Nhiều người cho rằng con đường qua kênh đào Kra là lý do khiến Sing hành động như vậy, nhưng chúng tôi không cho rằng đó là lý do chính. Bởi nó lại trái ngược với quan điểm đang ve vuốt Trung Quốc ở trên.
.
Cre The X-File of History

1 nhận xét:

  1. Bài phát biểu xuyên tạc sự thật của ông Lý Hiển Long đã bị Việt Nam, Campuchia và rất nhiều nước phản ứng mạnh mẽ; đề nghị ông Lý Hiển Long phải công khai xin lỗi hai nước

    Trả lờiXóa