Mừng lễ Phật đản Vesak 2019
BỨC TRANH TƯƠI SÁNG VỀ NHÂN QUYỀN VÀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Năm 2018, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đi vào chiều sâu, đáp ứng được lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tại buổi hội đàm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 27-2-2019, Tổng thống Donald Trump cho rằng: “Cùng hướng tới phía trước với tư cách là đối tác của nhau, chúng ta sẽ đạt được sự thịnh vượng và thành công rất lớn cho cả người dân Hoa Kỳ và người dân Việt Nam”. Như vậy, quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi đã trở thành “dòng sông lớn” xuôi chảy theo quy luật tự nhiên của xu thế toàn cầu hóa.
Thế nhưng, trong bản Phúc trình Nhân quyền và Tôn giáo năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những nhận xét xuyên tạc sự thật về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. “Phúc trình” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoàn toàn trái ngược với kết quả rà soát định kỳ khảo sát chu kỳ III mà Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam.
Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách tư pháp cũng như trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ nhằm hoàn thiện cả về mặt pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, tạo nền tảng vững chắc mang lại những kết quả thực tiễn đáng khích lệ.
Hiến pháp 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó có riêng Chương II với 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi và ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013. Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian này, trong đó, có một số luật lần đầu tiên được ban hành để thể chế kịp thời các quy định về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 (Luật Trung cầu ý dân 2015, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018…).
Từ năm 2013 đến nay, nhiều chính sách mới quan trọng cũng được ban hành với mục tiêu để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, đặc biệt là nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động. Với cam kết mạnh mẽ triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên của quốc gia.
Tại chu kỳ II của Cơ chế UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị. Tính đến tháng 10-2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), trong đó, có 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn toàn, 16 khuyến nghị đã được thực hiện một phần và đang được tiếp tục thực hiện. 7 khuyến nghị đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Không có khuyến nghị nào đã được chấp thuận mà chưa được xem xét thực hiện.
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định tại Hiến pháp 2013. Đặc biệt, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Tính đến năm 2017, tổng diện tích đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng là 14.850 ha, thuộc 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thành lập trên 450 cơ sở y tế, 270 trường mầm non, 1.000 nhóm, lớp mầm non; hỗ trợ chăm sóc 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.
Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Từ lần rà soát trước đến nay, có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo; phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản VESAK 2014, 2019 và 500 năm Cải chánh đạo Tin lành 2017. Tự do tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được bảo đảm.
Báo chí trong nước phát triển không ngừng, cùng với sự tôn trọng các cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam luôn luôn là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ bảo vệ quyền của người dân, lợi ích của xã hội, hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chính sách. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của Internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Tính đến tháng 12-2017, tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet là 28,35%, số người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 50 triệu người, chiếm 54% dân số (so với 30,8 triệu người năm 2013). Việt Nam có 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook.
Quyền lập hội được quy định trong Hiến pháp 2013. Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt với tội “Xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân” (Điều 163). Đến năm 2017, Việt Nam có 68.125 hội, trong đó có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.
Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của công dân được bảo đảm. Nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững đã đem lại những kết quả tích cực về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6,68%, 6,21%, 6,81%, 7,08% trong 4 năm 2015, 2016, 2017, 2018. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên cả nước, góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo từ 15-20%. Tỷ lệ nghèo về thu nhập đã giảm nhanh trong suốt giai đoạn từ năm 1998 - 2018. Năm 2018 chỉ còn 5,34%. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp (2,1-2,3%). Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số cả nước, trong đó 48% là nữ giới và 28,3% là trẻ em. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện trợ cấp cho 1.006.923 người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân 2015 quy định số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bảo đảm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách. Tỷ lệ phụ nữ trúng cử vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 26,71% tổng số đại biểu, tăng hơn nhiệm kỳ trước tới 2,62%; tham gia vào Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,54% (tăng 1,37%), cấp huyện đạt 27,85% (tăng 3,23%), cấp xã 26,59% (tăng 4,88%). Những số liệu nêu trên là những điểm nhấn trong bức tranh tươi sáng về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, đã được cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc rà soát kỹ lưỡng và đồng thuận thông qua.
NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VÀ THIẾT CHẾ ĐỂ HIỆN THỰC HÓA CÁC QUYỀN CON NGƯỜI
NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VÀ THIẾT CHẾ ĐỂ HIỆN THỰC HÓA CÁC QUYỀN CON NGƯỜI
Vậy tại sao hai bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại xuyên tạc, bóp méo về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam như vậy? Có thể nhận ra nguyên nhân là do những người làm báo cáo vẫn bám giữ những quan điểm từ thời kỳ “Chiến tranh lạnh”. Những thông tin mà hai bản phúc trình đưa ra chỉ là sự cóp nhặt, sao chép cẩu thả những thông tin trên mạng, ngôn ngữ phiếm chỉ với những nhận định không hề được kiểm chứng.
Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ muốn sử dụng hai bản phúc trình thường niên này như một điều kiện trong quan hệ giữa hai nước thì họ nên thay đổi cách tiếp cận vấn đề đã quá cổ hũ, lỗi thời của họ. Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam D.B.Peterson (nhiệm kỳ 1997-2001) đã từng khẳng định, những tiến bộ đạt được của Việt Nam về quyền con người trong thời gian qua là rất quan trọng, nhiều cơ sở hành đạo đã được tự do hoạt động và nhiều áp lực đã được dỡ bỏ. Ông cũng bày tỏ chính kiến khi cho rằng: “Không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Hoa Kỳ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia”. Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã xác định: “Công bố bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và toàn thể xã hội luôn nhớ tới bản Tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ”.
Là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, Việt Nam đã nhận thức rõ các yêu cầu và nội dung của Tuyên ngôn Nhân quyền, ngày càng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người. Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo luôn đặt con người vào vị trí trung tâm, không có mục đích nào cao cả hơn là vì tự do và hạnh phúc của con người. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người là nguyên tắc hiến định ở Việt Nam. Thực tiễn sinh động này là lời bác bỏ đanh thép những luận điệu cố tình xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam./.
Nguyễn Hồng
Nước Mỹ hãy lo cho những gì hiện đang xảy ra tại Mỹ đi trước khi lo cho nước khác; những bất công, phân biệt chủng tộc... Ở Mỹ còn rất nhiều
Trả lờiXóaNước Mỹ còn rất nhiều bất công; nhưng Mỹ không lo cho Mỹ mà đi lo cho nước khác
Trả lờiXóa