Ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí (QHBC) toàn quốc đến năm 2025. Nội dung QHBC theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Trên cơ sở QHBC, Nhà nước sẽ có cơ sở để đề ra cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng năm nay, chúng ta có nhiều niềm vui lớn. Bên cạnh những thành tựu kinh tế xã hội là vị thế quốc gia, dân tộc được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại khóa họp thứ 73, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 7-6-2019, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối. Đó là minh chứng sống động cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, xã hội ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là duy trì nhịp độ tăng trưởng, hạn chế phân cực giàu nghèo, âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đặc biệt là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay diễn ra trong bối cảnh internet, mạng điện tử phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều thách thức mới với nhà báo, người cầm bút.
Những thủ đoạn của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, những kẻ tự xưng là “người bất đồng chính kiến” thường chỉ trích, phê phán rằng xã hội ta là “độc tài”, là “phản phát triển”, mất tự do, dân chủ, nhất là xuyên tạc Việt Nam “không có tự do báo chí”! Chúng cổ vũ cho mô hình xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) hiện đại, tâng bốc tự do dân chủ, tự do báo chí kiểu phương Tây.
Bác bỏ những thông tin xấu độc, những quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, báo chí, người cầm bút cần chỉ ra bản chất, chân lý. Chân lý ở đây không phải là mô hình xã hội nào tiên tiến hơn mà là mô hình xã hội phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và lịch sử của dân tộc. Đấu tranh với các thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhà báo, người cầm bút cần dựa trên quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1985), lợi ích của dân tộc ta gắn liền với hệ tư tưởng, với lợi ích chung của cả hệ thống XHCN thì ngày nay, lợi ích của quốc gia, dân tộc độc lập được đặt ở vị trí cao hơn tất cả. Nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tất cả các nước trong hệ thống XHCN đều là anh em thì ngày nay, tất cả các nước, không phân biệt ý thức hệ, chế độ chính trị, đều có thể trở thành đối tác.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”.
Về tư duy kinh tế - chính trị, nhà báo, người cầm bút nắm vững quan điểm đổi mới theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 ngày 18-5-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân”.
Trên lĩnh vực đấu tranh chống suy thoái về đạo đức lối sống, báo chí ngày nay đã góp phần tích cực đưa ra trước công luận những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Đặc biệt là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, mắc bệnh “thành tích”, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”, những cán bộ có chức, có quyền thao túng trong công tác cán bộ...; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
Hiện nay, Đảng ta đang chuẩn bị cho Đại hội XIII, báo chí tham gia vào công tác chuẩn bị Đại hội bằng đưa tin, ý kiến của các nhà khoa học, của người dân tham gia đóng góp vào dự thảo các văn kiện. Báo chí nêu cao tính giám sát, phản biện, chống những phần tử tham vọng quyền lực, cơ hội, tham nhũng, tìm cách “chạy chức, chạy quyền” để vào danh sách đề cử, ứng cử dịp đại hội; những luận điệu sai trái, chống phá của kẻ địch.
Trên lĩnh vực đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều bài viết phân tích, chỉ ra những biểu hiện lấy cớ đổi mới, lấy cớ “phản biện” quan điểm, đường lối của Đảng, nhưng thực chất là hành vi phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận nền dân chủ XHCN, đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Làm rõ những hành vi “xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu.
Nhà báo có những vinh dự và trọng trách đặc biệt, đó là có quyền tiếp cận đầy đủ thông tin (trừ những điều pháp luật cấm và hạn chế), quyền truyền tải thông tin tới người dân. Pháp luật cũng quy định các cơ quan chức năng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin mà báo chí yêu cầu (trừ những thông tin bí mật Nhà nước, bí mật chuyên ngành). Tuy nhiên, ngoài quy định của pháp luật còn là những đòi hỏi về lương tri, đạo đức của nhà báo, của người cầm bút.
Hiện nay, dư luận đang bức xúc với những biểu hiện thương mại hóa báo chí, đặt nặng lợi ích kinh doanh, lợi nhuận khiến thông tin truyền tải bị “méo mó”. Không ít báo chí coi nhẹ việc đưa những thông tin chân thực, những mặt tốt đẹp của dân tộc, của đời sống xã hội mà tập trung vào các mặt tiêu cực, lệch lạc. Từ kỹ thuật câu view, câu like bằng mọi giá như rút tít (title) giật gân, ly kỳ, tìm kiếm những câu chuyện “tiền, tình, tù, tội” đến việc “hư cấu” đưa thông tin không kiểm chứng…
Nhân dân mong rằng trong thời gian tới, không còn những biểu hiện sai lệch về chính trị, tư tưởng, gây phương hại đến an ninh quốc gia. Phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp nhà báo lợi dụng quyền hạn để “đánh” doanh nghiệp với mục đích dọa dẫm để kiếm “phong bì”, thu lợi bất hợp pháp… Bởi vậy có thể nói, để thực hiện được trọng trách của mình, báo chí cũng cần đấu tranh với những biểu hiện suy thoái trong đội ngũ những người làm báo, những người cầm bút.
Nhân dân mong rằng có nhiều hơn những bài báo phát hiện những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ bổ nhiệm cán bộ sai quy định, sai nguyên tắc ở Thanh Hóa... Hoặc gần đây, từ phóng sự về vụ chùa Ba Vàng ở Uông Bí, Quảng Ninh đã buộc cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết rốt ráo việc lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi bất chính.
Không gian đổi mới, sáng tạo rộng mở và chính báo chí đã đồng hành, giúp cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh có hiệu quả tệ tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện lệch lạc trong đời sống xã hội.
Thế nhưng, nhiều hãng báo chí phương Tây vẫn “bổn cũ soạn lại”, nhai lại điệp khúc xuyên tạc, bịa đặt về tự do báo chí ở Việt Nam. Họ phỏng vấn những cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam, bị xử lý, chụp mũ dưới danh nghĩa “bất đồng chính kiến” để vu cáo rằng: quản lý báo chí là bóp nghẹt tự do ngôn luận, là ép báo chí phải thực hiện “cái gậy chỉ huy của Đảng Cộng sản Việt Nam”…
Những kẻ đưa tin xấu độc phê phán sự lãnh đạo, quản lý báo chí, xuyên tạc về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam thường là những đối tượng phạm pháp, cơ hội chính trị, làm tay sai cho các thế lực chống phá Việt Nam.
Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống của báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, giới báo chí Việt Nam nhất định sẽ bảo vệ và tôn tạo một nền báo chí vì Tổ quốc, vì nhân dân, tôn trọng sự thật và góp phần bảo đảm quyền con người.
TS. Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Nếu nói Việt Nam không có tự do báo chí thì cả thế giới không có nước nào có tự do báo chí
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
Xóa