11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy (nay là Dinh Thống Nhất)
NHỮNG LỜI DỐI GIAN
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhưng phải trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và thiện chí. Đáng buồn là gần đây, một số nghệ sĩ, nhân vật có tên tuổi tuy không phải là người trong cuộc nhưng lại đưa ra những đánh giá, bình luận phiến diện về cuộc kháng chiến, phán xét quá khứ một cách sai lệch, xuyên tạc. Năm ngoái, nhạc sĩ Tuấn Khanh khi trả lời một tờ báo nước ngoài đã nói: “chắc không lâu nữa, 30-4 sẽ được kỷ niệm, chỉ như một ngày tái lập hòa bình và thống nhất trên đất nước này”. Ông ta cho rằng, kỷ niệm ngày chiến thắng không phải là một việc “tử tế”.(!) Cù Huy Hà Vũ, kẻ sinh ra trong một gia đình cách mạng nhưng lại lạc đường. Trong một chương trình trên Đài Châu Á tự do, Cù Huy Hà Vũ nêu quan điểm: Hòa hợp dân tộc không dừng ở hòa hợp giữa hai bên “thắng cuộc” và thua cuộc sau ngày 30-4-1975 mà còn là hòa hợp giữa những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ với chính quyền hiện nay. Chỉ có thể hòa hợp được nếu chọn chế độ đa nguyên chính trị. Chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp hòa giải”.
Kênh truyền hình SBTN hải ngoại cũng từng có bài đưa quan điểm lệch lạc: Cộng sản và dân tộc như nước với lửa, không thể có hòa hợp dân tộc nếu còn chế độ cộng sản (!). Còn kênh truyền hình Người Việt TV hải ngoại thì kêu gọi muốn hòa giải phải “phục hồi danh dự cho những người trong chế độ Việt Nam cộng hòa”, phải thừa nhận đó là cuộc “nội chiến” và phải xóa bỏ chế độ cộng sản…
Tác giả Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston (Hoa Kỳ) thì hồ đồ: Thật là một cuộc chiến vô ích và vô nghĩa đối với dân tộc Việt Nam. Vì cả Việt cộng cũng như Việt quốc, không bên nào thành đạt được mục tiêu tối hậu theo lý tưởng của mình, thông qua cuộc chiến “Nồi da xáo thịt”. Rồi từ đó, ông ta nêu quan điểm: “Ước gì, từ nay vào mỗi dịp 30-4 hằng năm, ngày chấm dứt “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc - Cộng” tại Việt Nam, nhà đương quyền Việt Nam đừng ăn mừng như một ngày “Chiến thắng!” nữa mà hãy chủ động đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa đất nước để mau chấm dứt giai đoạn cuối cùng của “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” này; là cái đuôi của “The Vietnam War”. Ông ta cho rằng, đó mới là tạo tiền đề thống nhất toàn lực quốc gia để xây dựng phát triển toàn diện đất nước đến phú cường, văn minh, tiến bộ ngang tầm cao thời đại; và để có thế lực đập tan cuồng vọng xâm lăng bất cứ từ đâu tới”. Tháng 9-2018 vừa qua, tại Washington (Mỹ), cái gọi là “tập hợp vì dân chủ cho Việt Nam” đã tổ chức và làm rùm beng về hội thảo có chủ đề “Nhìn lại chiến tranh Việt Nam”. Họ tiếp tục đưa ra một số luận điểm bịa đặt, phi lịch sử để biện hộ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ kêu gọi: “43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của người trẻ tại hải ngoại là phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ.”
Cũng xung quanh bộ phim tài liệu 10 tập “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) vừa được Mỹ công chiếu, một số người trong nhóm gọi là Văn Đoàn Độc lập đã tung hô và xét lại lịch sử. Họ cho rằng: Việt Nam cũng nên noi gương Mỹ, “nhìn lại lịch sử” cuộc chiến tranh sau 50 năm, để có cái nhìn khác về cuộc kháng chiến. Tham gia ca ngợi bộ phim có những người như Nguyên Ngọc, Huy Đức, Bùi Tín… Họ đưa ra nhận định ảo tưởng: “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của đất nước thì quý biết nhường nào?”.
Chiến tranh đã kết thúc 44 năm, nhưng vẫn còn không ít người nhai lại những luận điệu cũ rích: “Cuộc nội chiến giữa Cộng sản và Quốc gia (?)”, “Cuộc chiến tranh ủy nhiệm” của 2 phía (tư bản và cộng sản) trong chiến tranh lạnh. Đó thật sự chỉ là những lời dối gian, xóa nhòa lịch sử, không thể mang lại những nhận thức tích cực cho hiện tại.
SỰ THẬT TỪ CHÍNH LỜI NGƯỜI TRONG CUỘC
Nhà văn Bảo Ninh, một người lính - người cầm bút kinh qua cuộc chiến tranh từng nêu lên một nhìn nhận đáng suy nghĩ: Thường những người không qua “đánh nhau”, không cầm súng thì lại hay phán xét về cuộc chiến. Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, tác giả cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-1975” xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với mục đích sẵn sàng đối thoại trên tinh thần sự thật nói: “Tôi quan điểm lịch sử là tự nó diễn ra. Lịch sử là sự thật. Không phải anh thắng thì nói thế nào cũng được, mà anh thua thì muốn nói thế nào cũng xong. Nếu có tranh cãi nhau cũng phải tranh cãi bằng sự thật.”
Vậy thì chỉ cần nhìn lại, nghe lại những gì người trong cuộc nói về cuộc chiến tranh, cũng đủ thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ có phải là “nội chiến”, “chiến tranh ủy nhiệm”, người Việt Nam hôm nay có cần đi về con đường xóa bỏ Đảng Cộng sản mới có thể “hòa hợp dân tộc”?
Những người chiến thắng trước thềm Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử, giải phóng Sài Gòn.
Ảnh: Internet
|
Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản, đã ghi lại cảm tưởng của mình vào ngày hôm ấy: “Đó là một cuộc chiến tranh lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”. Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…”. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã viết: “Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao... Mỹ nắm hết. Rồi chính Mỹ đã từ bỏ miền Nam Việt Nam.”
Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, đồng thời là Tổng tham mưu trưởng Việt Nam Cộng hòa sau này trả lời phóng vấn Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chiến thắng 30-4-1975 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam... Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại”.
Cựu Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Cao Kỳ nhận xét về việc các cựu quan chức Việt Nam Cộng hòa lưu vong ở hải ngoại gọi ngày 30-4 là “quốc hận” và đòi “phục quốc”,”Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Nhưng những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây cho Tàu đâu mà phục quốc?” Trong cuốn “Tường trình một người lính”, Tướng W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1946-1968) đã viết: “Lịch sử rất có thể đánh giá lại rằng, nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước chúng ta”. Ông cũng thừa nhận: “Mỹ phải chịu trách nhiệm đặc biệt về cuộc chiến tranh Việt Nam”.
TÔN TRỌNG SỰ THẬT ĐỂ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã phần nào đúc kết truyền thống khoan dung, hòa hiếu của dân tộc ta, ngay cả với kẻ thù xâm lược chứ chưa nói đến đồng bào lầm lỗi. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, trong khi phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm nhân văn: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Hơn 10 năm sau, Người một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa kết thúc, giữa đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, khi nghe câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trả lời: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc!”.
Trả lời báo chí về bộ phim tài liệu “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam), Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước”. |
Một dẫn chứng sinh động ghi nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong hòa hợp dân tộc phải kể đến việc ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn sau khi về Việt Nam đã có phát biểu: “Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều”; “Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người chưa hiểu: Đã đến lúc phải hòa hợp, hòa giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người - một bộ phận rất nhỏ - cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phát ngôn nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi đất nước”. Chứng kiến sự đổi thay của đất nước và những chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ đã công nhận rằng những người cộng sản Việt Nam hiện đang làm rất tốt và làm tốt hơn các ông.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng có nhận xét sâu sắc: “Có những người chứng kiến sự hy sinh của dân tộc quá lớn, họ cứng như thép, không dễ xoay chuyển được... Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng khẳng định: “Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ… Tôi cho rằng thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là số người Việt ở Mỹ ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay”.
Mẫu số chung cho câu chuyện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc chính là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đó là sự ổn định để phát triển. Và như thế, những quan điểm định kiến, hẹp hòi, kích động thù hận, khơi sâu thêm chia rẽ như những viên sỏi nhỏ sẽ nhanh chóng chìm trong biển cả bao la của hòa hợp dân tộc, của tình yêu quê hương đất nước./.
Nguyễn Văn Minh
____________________________________
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo số 4/2019
Lịch sử thì không thể phủ nhận và chúng ta phải tôn trọng lịch sử
Trả lờiXóaChính những người bên kia chiến tuyến cũng phải thừa nhận Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ
Trả lờiXóa