Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

6 NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG Ở VIỆT NAM BỊ PHÁ HỦY THỜI PHÁP THUỘC


1. Quốc Tự Khải Tường, Gia Định
Năm 1832, vua Minh Mạng ra lệnh Bộ Công thiết kế bản vẽ xây dựng chùa Khải Tường tại thôn Tân Lộc, bên phải thành Gia Định để kỷ niệm nơi vua được sinh ra. Đây là quốc tự lớn nhất ở miền Nam, tại chính điện tôn trí một pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao khoảng 2m, do thợ tại kinh đô Huế điêu khắc.
Năm 1880, thực dân Pháp cho triệt hạ chùa Khải Tường để xây công trình mới, đem pho tượng Phật lớn về cất giữ ở trong kho Phủ Toàn quyền.
2. Quốc Tự Báo Thiên, Hà Nội
Được kiến tạo dưới triều vua Lý Thánh Tông (1054 - 1071), đặt tên là “Sùng Khánh Báo Thiên Tự”, ngoài vườn chùa có “Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp”, cao 12 tầng (khoảng 60m), chóp tháp đúc bằng đồng, các tầng xây bằng gạch ghi niên đại “Lý gia đệ tam đế, long thụy thái bình tứ niên tạo”. (1057). Bảo tháp này là một trong 4 công trình được mệnh danh “An Nam Tứ Đại Khí” thời Lý Trần.
Thời quân Minh xâm lăng nước ta, năm 1426 tướng giặc Vương Thông cần lấy đồng đúc khí giới chống lại nghĩa quân Lam Sơn nên đã cho phá hủy nóc tháp cùng với các bảo vật bằng đồng khác như chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Quỳnh Lâm.
Sau khi đuổi được giặc Minh, đến thời vua Lê Thái Tông (1434 - 1442), triều đình đã trùng tu tôn tạo lại chùa Báo Thiên. Cuối thế kỷ XVIII, vì nạn nội chiến ngoại xâm chùa lại đổ nát. Thời Nguyễn Thiệu Trị, Tổng đốc Hà Ninh Tôn Thất Bật noi theo dấu cũ tôn tạo trở lại thành ngôi danh lam, thỉnh Hòa thượng Phúc Điền trụ trì, là một trung tâm in ấn kinh sách, giáo dục tăng đồ lớn của đất Bắc.
Năm 1883, thành Hà Nội thất thủ, chùa Báo Thiên bị phá hủy. Nhà thờ Lớn Hà Nội xây dựng trên nền chùa vào năm 1884.
3. Chùa Báo Ân, Hà Nội
Chùa do Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai tổ chức xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847) trên nền cũ lầu Ngũ Long của chúa Trịnh, thuộc thôn Cựu Lâu, huyện Thọ Xương cạnh hồ Hoàn Kiếm.
Chùa có tên chính là "Báo Ân Tự", nhưng dân gian còn gọi là chùa Liên Trì hoặc chùa Quan Thượng. Chùa bị phá khi thành Hà Nội thất thủ, các bức tượng bị Công sứ Bonnal đưa về Pháp.
4. Quốc Tự Giác Hoàng, Kinh Đô Huế
Do ý chỉ của vua Minh Mạng (1820-1840), muốn xây dựng một ngôi chùa thờ Phật trên vùng đất phủ cũ của mình để tụ linh khí, cầu phước cho hoàng gia. Năm 1839, Bộ Công thiết kế bản vẽ, Bộ Binh tuyển chọn 500 lính thợ đảm trách xây dựng chùa. Theo bản vẽ hiện còn: chùa tọa lạc trên vùng đất rộng 29.069m2, ở góc Đông Nam (gần cửa Thượng Tứ) bên trong kinh thành, thuộc phường Thuận Thành, chùa quay mặt hướng Đông Nam.
Chùa được vua Minh Mạng ban tên “Ngự kiến Giác Hoàng Quốc Tự”. Bộ Lễ thỉnh Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định giữ chức Tăng cang, nắm giữ giềng mối đạo Phật tại kinh đô. Đây là nơi để tiếp sứ thần các nước trong khu vực đến chiêm bái, tổ chức các quốc lễ của triều đình, hoàng gia hàng năm. Vua Thiệu Trị xếp hạng Giác Hoàng là thắng cảnh thứ 17 trong số 20 danh thắng đất Thần kinh.
Sau khi Huế thất thủ năm 1885, quốc tự Giác Hoàng bị quân Pháp chiếm làm doanh trại. Đến năm 1902, chùa bị triệt hạ hoàn toàn để xây dựng “Cơ mật tân viện”, làm nơi hội họp giữa Nam triều với Chính phủ Bảo hộ Pháp.
5. Chùa Linh Hựu, Kinh Đô Huế
Tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mạng cho xây dựng quán Linh Hựu tại phường Ân Thịnh, bên trong kinh thành Huế.
Công trình này gồm điện Trùng Tiêu quay về hướng Nam. Hai bên xây tường lang nối liền với gác Từ Vần ở phía Đông và gác Tường quang ở phía Tây. Trước điện dựng tam quan hai tầng, xây la thành bao bọc chung quanh, có đường dẫn ra phường môn sát bến Ngự hà. Đây là nơi thờ phụng tiêu biểu cho Lão giáo.
Chùa bị Ngô Đình Khả phá để xây giáo đường. Ở Huế thời đó có truyền tụng mấy câu thơ châm biếm:
Khi xưa một cục cũng rằng không!
Bây chừ xây dựng cả một vùng
Đẹp mặt chúa cha trên thượng giới
Đau lòng con cháu với non sông!
6. Chùa Ba Làng (Lá Vằng), Quảng Trị
Theo tài liệu xưa còn lưu lại cho biết vào thời Minh Mạng (1820-1840) nhân dân 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ có chung nhau xây dựng một ngôi chùa khá lớn, thờ tự tượng pháp đầy đủ trang nghiêm tại vùng đất Lá Vằng (có nhiều cây lá vằng mọc hoang, người dân thường lấy lá phơi khô làm thuốc Nam) cách tỉnh thành Quảng Trị khoảng 6km.
Đến năm 1885, chùa bị đốt cháy và sau đó bị chiếm xây dựng thành nhà thờ La Vang. Kể từ đó, địa điểm này nhanh chóng phát triển và được Giáo hội Thiên Chúa giáo nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường.
Nguồn: Việt News

2 nhận xét: