Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

HIỂU CHO ĐÚNG VỀ “TỰ DO BÁO CHÍ”



Phạm Trung
Ngày 07/4/2019, đối tượng Bá Tân đã phát tán bài viết “Báo chí là sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội, chứ không phải công cụ của Đảng cầm quyền” trên trang blog Tiếng Dân. Nội dung của bài viết xuyên tạc, phủ nhận tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, kêu gọi đội ngũ nhà báo “không nghe, không tin và bất tuân” sự chỉ đạo của Đảng. Bá Tân đã cố tình làm cho mọi người hiểu tự do báo chí có nghĩa là tự do bất chấp mọi quy định của Hiến pháp và pháp luật, tự do báo chí mà không cần quan tâm đến tính đúng đắn của thông tin, quyền tự do của người khác, an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của xã hội. Với quan điểm như vậy, Bá Tân đã cổ súy cho những tư tưởng tự do báo chí một cách tuyệt đối, bất chấp Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc, Hiến pháp và pháp luật của các quốc gia dân tộc.
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định: Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc cho rằng: Việc tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt để tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.
Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, nơi được mệnh danh là “Thế giới tự do” cũng có những quy định rất chặt chẽ về tự do báo chí. Đạo luật Phản loạn được quốc hội Mỹ thông qua năm 1798 và Ðiều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ quy định rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực.
Ở Việt Nam, Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định rõ: Cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích; trường hợp không đăng, phát phải trả lời, nêu rõ lý do khi có yêu cầu; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới không chấp nhận báo chí tự do ngoài vòng pháp luật. Luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều thừa nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của mọi tổ chức, cá nhân, nhưng cũng khẳng định, đó không phải là quyền “tự do tuyệt đối”. Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân. Bài viết của Bá Tân thực chất là cố tình ngụy biện, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết rất hữu ích, xin cảm ơn

    Trả lờiXóa
  2. Để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá đất nước thì các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và tìm ra các đối tượng phản động, để xử lý thật nghiêm minh.

    Trả lờiXóa