Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Kết nối người Việt trên thế giới vì sự phát triển của Việt Nam

Sự kiện này do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) đồng chủ trì tổ chức trong hai ngày 30 và 31-3. Đây là lần đầu tiên những người Việt có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới cùng thảo luận các giải pháp để nâng cao thương hiệu quốc gia và xây dựng một mạng lưới tri thức có chung mong muốn đóng góp vào việc phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS, TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE Global), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói rằng đây là cơ hội rất tốt để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, cũng như mong muốn đóng góp vào việc xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của người Việt phục vụ công cuộc phát triển của đất nước. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chương trình hành động dài hạn và thiết thực để huy động tri thức Việt ở nước ngoài đóng góp cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Đức Khương, với cộng đồng hơn 4 triệu người ở nước ngoài, trong đó nhiều người có trình độ học vấn cao và thành công trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước tiến lớn nếu tận dụng được tiềm năng to lớn từ nhân tài toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nói rằng cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước, thông qua nhiều hoạt động từ tư vấn, kết nối đầu tư đến triển khai các dự án cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ông đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn này với mục tiêu rất có ý nghĩa, đó là tập hợp, kết nối nhân tài người Việt trên khắp thế giới vì một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.
Tại diễn đàn có chủ đề “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam,” các đại biểu tập trung thảo luận việc đánh thức tiềm lực quốc gia, đưa thương hiệu và giá trị Việt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, du lịch, đổi mới và tăng trưởng, văn hóa và con người để nâng cao cạnh tranh trên trường quốc tế.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về việc phát huy tiềm năng của người Việt ở nước ngoài.
Nhiều đại biểu đánh giá cao sáng kiến việc tổ chức diễn đàn cũng như việc thành lập mạng lưới nhân tài người Việt toàn cầu. Giáo sư Trần Thanh Vân, nhà khoa học Việt kiều tại Pháp kết nối khoa học Việt Nam với thế giới nhiều năm qua, nói: Tôi cho rằng "Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2019" là rất tốt. Tôi khẳng định rằng gần 100% người Việt Nam ở nước ngoài đều có ước mong có thể giúp cho đất nước Việt Nam phát triển. Chúng tôi mong muốn người Việt thành đạt ở nước ngoài hướng tới lớp trẻ ở quê nhà để sau này họ sẽ là trụ cột của đất nước.
Đây là lần đầu tiên tổ chức được hội nghị tập hợp trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong nước để tạo thành diễn đàn đóng góp ý kiến xây dựng cho sự phát triển và tiến bước của Việt Nam trong những năm tới. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Toàn Trung ở Pháp cho rằng hội nghị này đáp ứng được mong đợi của các trí thức người Viêt Nam ở nước ngoài luôn trăn trở về tương lai phát triển của đất nước, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay đất nước ta đang chuyển mình vào thời kỳ mới, thời kỳ quyết định cho sự phát triển của Việt Nam trong vòng 30 hoặc 50 năm tới.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Toàn Trung nói: Để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn phải có sự kết nối của tất cả trí thức, trí tuệ Việt Nam và câu hỏi Việt Nam lớn hay nhỏ được nêu ra tại đây, hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có tập hợp được nhau hay không, cùng đi được với nhau hay không theo tôi điều đó quyết định ở hai hướng. Thứ nhất, là sự quan tâm Đảng và Nhà nước. Thứ hai, cần tạo cho mỗi người khả năng kết nối sức mạnh giống như hội nghị hôm nay. Đó là giai đoạn bắt đầu của việc tổ chức và kết nối. Chúng ta nên học những nước họ đang rất phát triển như Pháp, Nhật vì họ đã đặt ra những vấn đề cấp bách. Chẳng hạn như chúng ta xây dựng trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo phải tập trung vào lĩnh vưc gì? Chúng ta cần phải thảo luận kỹ hơn về vấn đề đó. Vấn đề quản trị nhà nước chúng ta phải quản trị như thế nào? Thương hiệu Việt Nam là gì? Là chất lượng, uy tín, giúp Việt Nam trở thành nước lớn , trở thành địa chỉ đến của tất cả mọi người.
Ông Trần Ngọc Anh, Phó giáo sư, Giảng viên Đại học Indiana tại Mỹ, cho rằng Việt Nam có lợi thế vô cùng quan trọng. Đó là lực lượng các nhà khoa học kỹ thuật nhiều kinh nghiệm đang làm việc ở nước ngoài, sẵn sàng đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước. Trong nền kinh tế hiện đại, quan trọng nhất là tri thức, không chỉ thông qua sách vở mà còn phải qua những trải nghiệm thực tế thu được trong nhiều năm.
Với chủ đề “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam,” các đại biểu tập trung thảo luận việc đánh thức tiềm lực quốc gia, đưa thương hiệu và giá trị Việt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, du lịch, đổi mới và tăng trưởng, văn hóa và con người để nâng cao cạnh tranh trên trường quốc tế. Những ý kiến tại các phiên thảo luận cho rằng, ngoài các động lực kinh tế như thu hút đầu tư và khách du lịch, thương hiệu quốc gia có thể mang lại những tác động tích cực khác. Đó là tăng cường quan hệ ngoại giao, thúc đẩy sự phát triển nền nghệ thuật, củng cố văn hóa và giá trị quốc gia, mang lại lợi ích ổn định lâu dài cho sự phồn vinh của dân tộc.
Sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp những người Việt có nhiều thành công ở nước ngoài thảo luận cơ hội trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cũng như sự hưởng ứng của những người Việt đang sinh sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Đức Khương nói: Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào được đón tiếp rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè và những cây "đại thụ" của Việt Nam trong nhiều ngành nghề khác nhau. Họ là những người đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và đang truyền cho những thế hệ người Việt kế cận những hoàn bão của mình thành công và dám thất bại để thành công.
Đây là điểm khởi đầu có tính chất hội tụ nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng mạng lưới người Việt Nam có tầm ảnh hưởng, có thành công trong cuộc sống của họ ở trong nước hay ở nước ngoài. Mạng lưới này đã vận hành và thực chất nó đã mang lại kết quả tốt. Ban tổ chức và các đại biểu chia sẻ niềm tin rằng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, đưa được giá trị thương hiệu Việt Nam ra trường quốc tế tốt hơn nữa.
Tôi tin rằng mỗi người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu đều có mong muốn đóng góp cho sự phát triển tích cực của đất nước. Nền tảng của chúng ta có sợ chỉ chung đó là lịch sử, văn hóa dân tộc đã thể hiện tầm vị trí và ảnh hưởng. Chúng ta có ưu thế, nền tảng để đạt được vị trí cao hơn nữa trong trường quốc tế. Tôi mong muốn bằng những hành động cụ thể, chúng tôi có thể thuyết phục và có nhiều bạn đồng hành hơn nữa. Trong hai ngày diễn đàn chúng tôi sẽ học hỏi trao đổi kiến thức với nhau nhiều hơn và từ đó những ý tưởng dự án sẽ nảy sinh."
Trong khuôn khổ diễn đàn, sẽ diễn ra lễ thành lập Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Network). Sau sự kiện này, những người Việt ở nước ngoài được kỳ vọng sẽ kết nối chặt chẽ để cùng có đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực cho đất nước trong thời gian tới.
KHẢI HOÀN-ĐÌNH TUẤN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

1 nhận xét: