Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Đột phá chiến lược trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường


Cảng biển Hải Phòng (Ảnh minh họa)
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Đây là lựa chọn chiến lược hoàn toàn đúng đắn cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi chóng mặt do cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Việc nhận diện những bế tắc, cản trở và tìm ra dư địa cho việc đột phá hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng trong tháo gỡ. Khi thành công trong đột phá về thể chế sẽ mang lại hiệu quả tức thời, tác động tích cực tới hai đột phá còn lại.
VẪN CÒN TƯ DUY BAO CẤP
Những năm qua, Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để tạo khung pháp lý ngày một hoàn chỉnh hơn nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những văn bản, thông tư, nghị định theo tư duy cũ, không phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Đơn cử trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, quản lý môi trường hiện có 3 bộ liên quan. Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá công nghệ xử lý môi trường; Bộ Xây dựng quản lý chất thải rắn đô thị, tham dự vào tất cả dự án môi trường đô thị, đặc biệt can thiệp sâu vào đánh giá, lựa chọn công nghệ, đơn giá định mức suất đầu tư; Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn về môi trường để quản lý.
Với cơ chế này, khi xảy ra sự cố ô nhiễm, tình hình ô nhiễm môi trường trở nên xấu đi thì Bộ Tài nguyên Môi trường là đơn vị phải đứng ra giải trình. Trong khi đó, quy trình lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư, suất đầu tư thuộc Bộ Xây dựng. Nhưng khi dự án thất bại, xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn như diễn ra ở các địa phương thì không thấy giải trình của Bộ Xây dựng trong nhiều trường hợp. Cụ thể như Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29-12-2017 của Bộ Xây dựng về công bố suất đầu tư xây dựng và chi phí xử lý chất thải rắn, mặc định đưa đơn giá công nghệ nước ngoài đắt hơn công nghệ trong nước từ 20-30%. Đây là cách quản lý rất lỗi thời. Xây dựng định mức suất đầu tư là nhiệm vụ của ngành Xây dựng từ thời bao cấp, khi các công trình dự án chỉ sử dụng nguồn vốn duy nhất là ngân sách nhà nước, để quản lý chi tiêu công là phù hợp. Nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động tuân theo quy luật giá trị. Theo đó, đáng lẽ cần huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để tham gia vào việc cung cấp dịch vụ xử lý rác thì lại đấu giá dịch vụ xử lý rác tính theo đơn vị tấn đáp ứng công suất theo yêu cầu của địa phương.
Tại sao lại đi can thiệp vào định mức suất đầu tư, lấy đó làm căn cứ để chủ đầu tư phải chạy thủ tục công nhận tổng mức đầu tư, rồi ấn định mức lợi nhuận tối đa của nhà đầu tư v.v.. dẫn đến rất nhiều thủ tục không cần thiết, trong nhiều trường hợp là quy trình buộc phải chạy, phải xin để được cho. Chính quy định như vậy đã dẫn đến hậu quả mà nhiều địa phương đang phải gánh chịu. Trong khi, nếu tiếp cận theo hợp đồng dịch vụ, trong đó quy định nhà máy hoạt động phải đáp ứng tất cả các quy định về môi trường, nếu vi phạm bị đóng cửa, chấm dứt hợp đồng, nhà đầu tư tự chịu rủi ro thì việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ xử lý rác sẽ đơn giản và rất minh bạch, ai rẻ hơn, ai có chất lượng xử lý rác tốt hơn thì được ký hợp đồng. Ký hợp đồng rồi, vi phạm quy định về tiêu chuẩn môi trường bị chấm dứt hợp đồng để doanh nghiệp khác có cơ hội tham gia.
Tệ hơn, quy định như trên và quy định về tính đơn giá định mức suất đầu tư của Bộ Xây dựng đã và đang làm thoái chí những nhà khoa học, những nhà sáng chế đam mê đổi mới sáng tạo. Bởi theo đó, công nghệ nào lạc hậu, sử dụng nhiều máy móc thiết bị, xây dựng nhiều, sử dụng nhiều lao động thì chi phí suất đầu tư cao hơn, cộng với lợi nhuận cũng theo định mức 12% thì được chấp nhận giá thành dịch vụ cao hơn?! Trong khi đó, đổi mới, sáng tạo là tạo ra những công nghệ đột phá, tạo ra sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh hơn về chất lượng và giá thành. Nhưng chi phí quá khứ, chi phí vô hình về nghiên cứu phát triển, về sở hữu trí tuệ, về bản quyền không dễ đánh giá và phản ánh trong giá thành một dự án. Có những công nghệ để được công nhận, để được thương mại hóa phải mất vài chục năm nghiên cứu, hàng chục tỷ đồng chi phí cho những thử nghiệm thất bại trong quá khứ mới có được. Theo quy định của Bộ Xây dựng, phải thuê công ty tư vấn xác định suất đầu tư là hết sức vô lý, rất thiếu khoa học và phi thị trường.
Nguyên nhân chính để tồn tại tình trạng trên là do vẫn còn nể nang, duy trì cái cũ, không mạnh dạn rà soát lại chức năng của các bộ; chưa phân định rõ, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chức năng nào của bộ, ngành còn phù hợp, chức năng nào không còn phù hợp. Bằng việc nhập nhèm, lẫn lộn, nên việc thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều cản trở.
KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG THỰC THI PHÁP LUẬT
Một hiện tượng đáng lo ngại không kém đó là kỷ luật, kỷ cương trong thực thi pháp luật. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nền hành chính hiệu quả, từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã dành mọi nỗ lực đặt trọng tâm vào việc cải cách hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo, ban hành nghị quyết Chính phủ, thành lập Tổ công tác về rà soát kiểm tra việc thực thi hành chính của các bộ, ngành, địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhưng trên thực tế, hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe” vẫn diễn ra ở khắp ngóc ngách cuộc sống. Luật Đầu tư đã tạo một khung pháp lý tiệm cận với thông lệ quốc tế, song khi thực hiện đã bị một bộ phận cán bộ thiếu đạo đức, hoặc yếu kém về năng lực làm giảm hiệu lực hiệu quả mong muốn của Luật. Luật tốt nhưng bị cản trở khi đi vào cuộc sống. Việc thẩm định phê duyệt dự án gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, thủ tục xin các loại giấy phép bị các cán bộ thực thi công vụ, tầng tầng lớp lớp bóp méo, tìm mọi cách gây khó để trục lợi. Quy định về hồ sơ đã rất cụ thể các tài liệu cần có, nhưng cán bộ thẩm định vẫn đòi hỏi giải trình những nội dung nằm ngoài quy định, hoặc những nội dung mà ai cũng biết chỉ có thể trả lời ở giai đoạn làm nghiên cứu khả thi, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phải xử lý, nhưng cứ đẩy lên cấp trên, hoặc lấy ý kiến các bộ, ngành khác, có việc đẩy đi, đẩy lại, dây dưa nhiều tháng trời.
Thậm chí việc ra văn bản thông báo ý kiến kết luận của lãnh đạo cũng bị chậm ban hành. Tình trạng đó xảy ra khi cán bộ tham mưu cố tình đưa những nội dung không có trong kết luận tại cuộc làm việc vào văn bản thông báo, hoặc cài đặt những câu chữ dẫn đến khó khăn cho người thực hiện.
Tất cả những biểu hiện trên ít nhiều không ngoài mục đích trục lợi, theo kiểu “be bờ bắt cá”!. Không chỉ nhà đầu tư bị đối xử bất công với những hành vi phổ biến như trên, mà ngay cả văn bản cấp tỉnh cũng bị phớt lờ, cũng phải chạy chọt. Không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả chính quyền địa phương cũng có tâm lý né tránh, ngại va chạm, sợ bị trả đũa, “đánh nguội” sau này nên đành chấp nhận chiều theo yêu sách hoặc từ bỏ cuộc chơi.
DƯ ĐỊA ĐỂ ĐỘT PHÁ
Những hạn chế trên có nguyên nhân trực tiếp từ cán bộ; là vấn đề đạo đức, năng lực cán bộ. Trước nay, ta vẫn cho rằng việc đánh giá năng lực và đạo đức cán bộ là rất khó vì không có thước đo. Nhưng qua kiểm tra chuyên đề về thực thi công vụ, hoàn toàn có đủ thước đo về năng lực và hành vi đạo đức của công chức. Chỉ có cách làm như vậy, chúng ta mới chấm dứt tình trạng cơ quan nào, cán bộ nào cũng đầy những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí xuất sắc, không phân định được người làm tốt, liêm chính với những kẻ yếu kém chuyên môn, tham lam trục lợi, dẫn đến cảm nhận của nhân dân và doanh nghiệp về chính quyền vẫn đầy bức xúc.
Bộ máy hành chính đã trở nên trong sạch và công minh, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện vượt bậc trong nhiệm kỳ này là kết quả của rất nhiều nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, của Thủ tướng Chính phủ và một số lãnh đạo các cấp, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế ghi nhận, liên tục thăng hạng qua từng năm.
Như vậy, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện là một thành tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường, đã có những bước đột phá, những bước đi đúng hướng. Nhưng qua những hạn chế, bất cập nêu trên cho thấy vẫn còn dư địa để làm tốt hơn thông qua các giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn.
Về thị trường vốn, trong mấy năm qua kênh huy động vốn vẫn chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng, kênh vốn trên thị trường chứng khoán tăng trưởng chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế. Chưa thu hút được đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn thông qua mô hình doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam để sau một thời gian hoạt động ổn định sẽ trở thành doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, thêm hàng hóa và tăng quy mô của thị trường chứng khoán. Đây là kênh huy động vốn vô cùng hiệu quả phổ biến trên thế giới, khác với đầu tư BOT là kết thúc dự án, nhà đầu tư rút hết tiền khỏi Việt Nam.
Về thị trường bất động sản, đất đai, chúng ta đã để thất thoát nguồn thu của Nhà nước đối với rất nhiều đất công. Kẽ hở lớn nhất là chuyển nhượng đất công thành đất tư trước khi quy hoạch. Cùng mảnh đất, trước quy hoạch, chưa có hạ tầng, giá rất thấp. Khi sang tay tư nhân, họ “chạy” quy hoạch xong, giá lên hàng chục, hàng trăm lần. Đây là lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên quốc gia. Nguyên nhân là do cùng lúc có 3 bộ cùng quản lý là Xây dựng, Tài chính và Tài nguyên Môi trường, xé lẻ mỗi bộ một nội dung quản lý, trong khi giá trị một mảnh đất không chỉ quản diện tích, mà là mục đích sử dụng trong quy hoạch. Tham nhũng đất công chủ yếu thực hiện qua kẽ hở trong quản lý quy hoạch đô thị. Bán đất trước quy hoạch không khác gì nhà nghèo phải đi bán lúa non.
Rất mừng là qua trả lời phỏng vấn trên báo chí, vị Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dù mới nhận nhiệm vụ nhưng đã nhanh nhạy nhận ra lỗ hổng này. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc quản lý của Ủy ban đang nắm giữ hàng trăm triệu m2 đất trên cả nước, nếu biết sắp xếp tổ chức lại theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị sản xuất hoặc phân phối trước khi cổ phần hóa sẽ mang lại hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển những hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế. Đây sẽ là một chính sách đột phá, theo đúng quy luật thị trường. Tuy nhiên, đề xuất này bắt đầu vấp phải sự phản kháng khá mạnh mẽ của nhóm lợi ích.
Về quản lý thị trường thương mại, việc buông lỏng quản lý để hàng nhập lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vượt hàng rào quản lý của nhiều cơ quan các cấp đang bóp chết các doanh nghiệp làm ăn chân chính, lao động thất nghiệp. Hệ thống thương mại, phân phối, bán buôn bán lẻ, logistics cần được củng cố. Những yếu kém trong quản lý thị trường vẫn xuất phát từ cán bộ yếu kém, tham nhũng. Vậy giải pháp đột phá ở đây là phải quy trách nhiệm của người đứng đầu, bổ từ trên xuống dưới. Nếu địa bàn quản lý để xảy ra hàng lậu hàng giả, nhân dân hay báo chí phát hiện, thì người đứng đầu ở đó và cả ban lãnh đạo phải bị xử lý trước hết. Lãnh đạo cấp trên, tư lệnh ngành bị trừ điểm cuối năm và cuối nhiệm kỳ. Theo phương thức này, đầu nhiệm kỳ hay mỗi năm người đứng đầu có 100 điểm là năng lực xuất phát; cứ với mỗi yếu kém, sai phạm của cấp dưới ở từng mức độ khác nhau thì bị trừ từ 1-2 điểm. Cuối năm hay cuối nhiệm kỳ nếu số điểm còn trên 50 thì tiếp tục được bổ nhiệm lại, dưới 50 điểm thì bị xem xét khi đề bạt và dưới 20 điểm thì miễn nhiệm. Chỉ có như vậy thì việc đánh giá cán bộ mới không chỉ dựa trên những lá phiếu cảm tính, có thể can thiệp hoặc tác động bằng nhiều kỹ xảo tinh vi.
Đề xuất của Chủ tịch ủy ban quản lý vốn gần đây về hình thành chuỗi liên kết về hệ thống thương mại và logistics là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta không thể kiểm soát được hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Nhưng nếu hệ thống phân phối theo chuỗi được hình thành, việc quản lý, kiểm soát thị trường trở nên đơn giản hơn. Một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của Ủy ban này chính là đầu tư vào những lĩnh vực mang tính chiến lược, định hướng, dẫn dắt cho nền kinh tế mà khu vực tư nhân không thể thực hiện, hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện. Không nên vội hiểu một cách thô thiển rằng Nhà nước không thể “đi buôn” hiệu quả hơn tư nhân được. Khi chuỗi phân phối đó ra đời tạo điều kiện quản lý thị trường hàng hóa được tốt hơn, giá trị doanh nghiệp lên sàn chứng khoán sẽ lên gấp hàng chục lần so với bán lẻ đất, khi đó vốn nhà nước rút ra, Ủy ban hoàn thành sứ mệnh.
Như vậy, có thể thấy động lực cho tăng trưởng, hay bức tường ngăn cản việc thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược nằm chính ở trong tay đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cơ quan quản lý. Chúng thực sự cần một giải pháp đột phá trong lựa chọn và quản lý cán bộ, xây dựng một đội ngũ công chức thực sự là công bộc của nhân dân để mở đường cho sự bứt phá trên con đường xây dựng đất nước./.
Đông Huy

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam đã đi rất đúng hướng, cho nên đất nước mới phát triển mạnh mẽ như vậy

    Trả lờiXóa