Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

VỀ LUẬN ĐIỆU LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC BẢO KÊ CHÙA BA VÀNG



HT
Gần đây, chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh bị báo chí và dư luận chỉ trích về hiện tượng “buôn vong, đi ngược giá trị Phật giáo”. Ngay sau đó, hàng loạt trang tin phản động “Việt Nam thời báo”, “Chân trời mới media”, “Tiếng dân”, “Mychildren.us” cùng nhiều tài khoản FB mang tên Đường Thái, Thuan Van Bui, Hoa Mai, Hien Chi Vo, Nguyen Hanh, Đặng Huỳnh Lộc,… đã đăng tải hàng loạt bài viết cho rằng “chùa được lãnh đạo bảo kê”, “lãnh đạo làm cổ đông”, “không có người chống lưng chắc họ không dám làm thế”...
Trước sự việc tiêu cực như vậy của chùa Ba Vàng, các thế lực thù địch “dân chủ” đã nhảy vào dàn dựng kịch bản “lãnh đạo bảo kê, chống lưng cho chùa Ba Vàng”, đồng thời tung ra hàng loạt hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân, rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã từng đến thăm viếng chùa Ba Vàng.
Nhìn tấm ảnh Thủ tướng cùng phu nhân thắp hương, vái Phật thành tâm, không hiểu sao nhiều kẻ có thể suy diễn méo mó bản chất tốt đẹp của vấn đề như vậy. Phải chăng chúng luôn mang tư tưởng hiềm khích với những ý đồ đen tối cùng cái tâm không trong sáng như ông Tô Đông Pha trong câu chuyện Phật Ấn nên nhìn đâu cũng thấy tiêu cực?
Tin rằng có rất nhiều phật tử, người dân lên chùa mang một lòng hướng Phật, tĩnh tâm an lạc. Là tôi, nếu có dịp đến công tác tại Quảng Ninh thì tôi cũng muốn đến chùa Ba Vàng để xem ngôi chùa lớn của Đông Dương này có gì đặc biệt và cầu bình an chứ đừng nói gì lãnh đạo đất nước. Nói như những kẻ ba hoa, bịp bợm kia thì hàng ngàn, hàng triệu phật tử, người dân đến thăm viếng, trong đó có cả những người trí thức, doanh nhân thành đạt đến kính khẩn Đức Phật cũng là “bảo kê”, “chống lưng” cho nhà chùa làm việc thất đức sao?
Huống hồ, Thủ tướng hay các vị lãnh đạo khác đến chùa Ba Vàng còn xuất phát từ sự quan tâm, chăm lo đến đời sống, tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân; mong muốn người dân hướng thiện, hiểu giáo lí của Phật giáo để hành thiện cứu giúp người. Còn chuyện chùa Ba Vàng “thỉnh oan gia trái chủ”, “buôn thần bán thánh” khiến dư luận bức xúc thì chính trụ trì và tăng ni của ngôi chùa đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, giáo hội Phật giáo xem xét chấn chỉnh và xử lý. Không thể dựa vào vài ba bức ảnh rồi quàng trách nhiệm cho Thủ tướng hay bất kỳ vị lãnh đạo nào được.
Đáng nói là, từ trước đến nay, Nhà nước vẫn luôn tôn trọng và quan tâm đến Phật giáo nói riêng và tất cả các tôn giáo khác nói chung, không can dự vào công việc nội bộ của bất kỳ tôn giáo nào, chỉ trừ phi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng mới can thiệp điều tra mà thôi. Nếu nói lãnh đạo từng đến thăm chùa Ba Vàng là “bảo kê”, “chống lưng” thì trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đến thăm và chúc mừng Tòa Tổng Giám mục Huế và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến chúc mừng Tòa Giám mục Đà Nẵng cũng là “bảo kê”, “chống lưng” cho các nhà thờ này sao?
Không chỉ riêng lãnh đạo Việt Nam quan tâm, chăm lo đến tôn giáo tín ngưỡng mà trên thế giới, các vị lãnh đạo khác cũng đã và đang làm điều như vậy. Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng gia đình đã từng tới thăm nhiều nhà thờ và cầu nguyện. Như vậy có gọi là “bảo kê”, “chống lưng” cho việc 300 linh mục Mỹ xâm hại tình dục hơn 1000 trẻ em không?
Luật nhân quả là triết lý chính của đạo Phật nhưng nó đang bị trụ trì Thích Trúc Thái Minh cũng như bà Phạm Thị Yến diễn giải sai để trục lợi. Thay vì tạo sự từ bi, tâm thanh thản cho chúng sinh thì họ gieo rắc sự bất an thông qua “marketing sợ hãi”, gây nên thiệt hại kinh tế rất lớn cho hàng chục ngàn người.
Theo luật nhân quả thì nghiệp của họ không phải nhỏ. Trong sự việc chùa Ba Vàng thì không chỉ trụ trì, tăng ni hay bà Yến tạo nghiệp mà những kẻ chuyên dựng chuyện, gán ghép trách nhiệm cho lãnh đạo cũng tạo nghiệp lớn rồi. Cũng may đã có những lớp người trí thức, đã có những người theo Phật giáo chính thống và thực sự hiểu biết để nhận thức vấn đề.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIM CỦA CÁN BỘ,
 ĐẢNG VIÊN LÀM PHÁ SẢN, THẤT BẠI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN
 LỢI DỤNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Trong bối cảnh mới, việc nhận thức rõ và có trách nhiệm cao trong đấu tranh chống sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại cách mạng của các thế lực thù địch là vấn đề không đơn giản. Trước sự tác động của kinh tế thị trường với những hoạt động kinh tế sôi động, sự mải mê làm giàu, những lo toan về cuộc sống cho gia đình và bản thân… dễ dẫn đến làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không nhận thức đúng, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, thấy rõ tính chất nguy hiểm, những tác hại từ âm mưu, thủ đoạn đó đối với cách mạng nước ta, đối với cuộc sống của nhân dân ta hoặc không quan tâm, thiếu trách nhiệm, bàng quan, thờ ơ trước sự phá hoại của các thế lực phản động, thù địch, trong đó có sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng của chúng, cho rằng nhiệm vụ này là của ai đó, là của lực lượng chuyên biệt làm công tác tôn giáo, của lực lượng vũ trang... Nếu không có nhận thức đúng, không có ý thức trách nhiệm cao, thì việc đấu tranh chống sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch không thể đạt được hiệu quả mong muốn.
Cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác tôn giáo tại địa bàn, địa phương, họ là lực lượng, chủ thể trực tiếp sống trên địa bàn vùng có đông đồng bào các tôn giáo sinh sống, hiểu địa bàn, gần gũi với đồng bào nắm vững những diễn biến phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, đặc biệt là ở những nơi có “điểm nóng”, đồng thời họ nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật, thì vai trò của họ càng trở nên quan trọngđó là cơ sở để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Trước hết, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về về nguồn gốc, bản chất, tính chất, chức năng, vai trò của tôn giáo trong lịch sử, trong đời sống xã hội. Tín ngưỡng, tôn giáo nẩy sinh từ sự bất lực của con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Giáo dục cho đồng bào những vấn đề cơ bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng, tôn giáo; về việc đấu tranh chống sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống lại nhân dân, phá hoại cách mạng…; về việc không được tuyên chiến với tôn giáo, bởi vì, tuyên chiến với tôn giáo “đó chỉ là một luận điệu vô chính phủ chủ nghĩa”[1]. V.I.Lênin cũng đã nhiều lần nhắc nhở những người cách mạng phải xây dựng cho người dân thế giới quan vô thần khoa học, “phải lấy quan điểm duy vật mà giải thích nguồn gốc tín ngưỡng và nguồn gốc tôn giáo của quần chúng”[2]. Trong nội dung giáo dục này, cần làm cho các đối tượng hiểu sâu sắc một quan điểm rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa”, “Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”[3], làm cơ sở động viên, tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thực hiện tốt nội dung trên, mới tạo được cơ sở khoa học vững chắc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp thu, hình thành, phát triển thế giới quan và niềm tin khoa học. Từ đó, tạo cơ sở khoa học vững chắc trong quá trình đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng giáo dục tuyên truyền quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nướcViệt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo. Làm cho toàn xã hội thấy rõ, trong quá trình cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; luôn coi đoàn kết đồng bào các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên sức mạnh to lớn cho cách mạng. Làm cho toàn xã hội nhận thức đúng đắn và sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng ta tại Đại hội XI: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”[4]. Hiểu rõ tự do tín ngưỡng, tôn giáo không đồng nghĩa với việc tuỳ tiện "vô chính phủ" bất chấp pháp luật. Bất cứ một nhà nước có chủ quyền nào, cũng đều có những biện pháp can thiệp cần thiết để ngăn cản những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo kích động, chia rẽ khối đoàn kết thống nhất quốc gia dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi sinh hoạt tôn giáo là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, được pháp luật bảo hộ, Nhà nước tôn trọng và tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo; nhưng đồng thời, những hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật, tuyên truyền, xuyên tạc, chống đối chính quyền đều phải được xử lý nghiêm minh bằng pháp luật. Đó là quan điểm đúng đắn, nhất quán và rõ ràng của Đảng, Nhà nước ta, cần phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân nhận thức thấu đáo, làm cơ sở để thực hiện tốt công tác tôn giáo và đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch trong lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Giáo dục mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ, đồng bào các tôn giáo cũng là người Việt Nam, đồng bào có lòng yêu nước thiết tha, là quần chúng của Đảng, luôn tin tưởng và theo Đảng làm cách mạng, đã có đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo đúng pháp luật, đúng những nghị quyết, quy định, nghị định, Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp được đông đảo quần chúng tín đồ các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.
Giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo và có tín ngưỡng hiểu rõ những quan điểm, chính sách của Đảng ta: "Xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo" trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành"; "Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống "tốt đời, đẹp đạo", phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo"[5]; “Động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6]. Chú trọng giáo dục những quan điểm của Đảng tại Đại hội XI về tín ngưỡng, tôn giáo: “Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”[7] và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 của Nhà nước trong mọi tầng lớp nhân dân. Đó là quan điểm, chính sách đúng đắn, phù hợp.
Những quan điểm, chính sách này không những tạo cơ sở tư tưởng, chính trị và pháp lý cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta, mà còn tạo điều kiện cho đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo biết cách đấu tranh để bảo vệ lấy mình, bảo vệ tín ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo, trực tiếp làm phá sản sự lợi dụng, chia rẽ, kích động, lôi kéo, chống phá của các thế lực thù địch.
Cần giáo dục cho các tầng lớp nhân dân hiểu đúng đắn những quan điểm cơ bản: người có tín ngưỡng, tôn giáo và người không có tín ngưỡng, tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau; không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau"[8]. Không ai có quyền bắt người khác phải từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo mà họ đang theo, hoặc bắt người khác phải theo một tôn giáo nào đó, phải chấp hành một giáo luật, giáo lý của tôn giáo nào đó. Mọi tín đồ và chức sắc các tôn giáo không được tuyên truyền nói xấu, lôi kéo, công kích, chống đối lẫn nhau. Mọi người đều phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người khác, tôn trọng quyền theo tôn giáo và quyền không theo một tôn giáo nào đó của người khác; nghiêm cấm mọi biểu hiện, hành vi lôi kéo, áp đặt, những hoạt động truyền đạo trái pháp luật, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. “Trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đồ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác”[9].
Một vấn đề cần chú ý thực hiện tốt hiện nay là, phải giáo dục cho các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng về những giá trị, những nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta chưa chú trọng đúng mức về vấn đề này, làm cho một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ hiểu sai lệch về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. Vì thế, hiện nay chúng ta cần phải giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng: tín ngưỡng, tôn giáo cũng là một trong các yếu tố cấu thành văn hóa dân tộc, cấu thành đời sống tinh thần xã hội. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là một biểu hiện của sinh hoạt văn hóa xã hội, đã trở thành nhu cầu tinh thần thiết yếu của nhiều người. Tín ngưỡng, tôn giáo đã bù đắp cho những thiếu thốn, những mong mỏi, những ước vọng của con người, tuy là hư ảo, nhưng đó vẫn là sự bù đắp tinh thần đang cần thiết đối với một bộ phận quần chúng nhân dân.
Nét đẹp tín ngưỡng và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới ở Việt Nam. Trong các giáo lý và giáo luật, các tôn giáo lớn đều có những quy định khuyến khích tín đồ hướng thiện, vươn lên thực hiện những giá trị nhân văn, nhân đạo vì cuộc sống của cá nhân mình và của nhóm, hoặc cộng đồng. Đạo đức Phật giáo khuyên các tín đồ "từ bi, cứu khổ cứu nạn", làm điều thiện, tránh điều ác; trong ngũ giới, tứ ân, đạo Phật khuyên con người không trộm cắp, không sát sinh, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, giữ ân đức với tổ tiên, cha mẹ, đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại, xác định bổn phận của bậc làm cha mẹ phải ngăn chặn con cái không làm điều ác, khuyến khích con cái làm điều thiện, dạy con cái có nghề nghiệp, để lại gia tài, cưới vợ xứng đáng cho con… Công giáo và Tin lành, trong kinh Cựu ước và Tân ước đều nêu lên sự thương yêu, quý trọng con người, bình đẳng giữa cha mẹ và con cái, coi con cái là cơ nghiệp, là của quý của cha mẹ mà Chúa đã ban cho; quy định con cái phải hiếu thảo và nghe theo lời cha mẹ với những điều Chúa răn dạy.
Những nét đẹp văn hóa này của tôn giáo cần phải được giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng, làm cơ sở tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm cộng đồng dân cư, gia tăng sức mạnh, làm phá sản âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Làm cho mọi người dân hiểu rõ, ở Việt Nam tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm tính chất dân tộc, không đối lập với dân tộc. Hầu hết các vị thánh thần được tôn thờ là có công với nước, với dân; về phương diện đạo đức, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên khích lệ con cháu làm điều lành, uống nước nhớ nguồn, đó còn là nền tảng cho những tôn giáo khác ở Việt Nam, là nét văn hóa đặc sắc và là bộ phận tinh thần thiêng liêng của người Việt Nam. Những yếu tố tích cực đó của tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm phong phú, lành mạnh, tích cực.
Tuy không phải tất cả nôi dung đạo đức tôn giáo đều phù hợp với đạo đức mới, nhưng những điều dăn dạy tránh điều ác, làm điều thiện và niềm tin ở khả năng đạt tới hạnh phúc an lạc tuyệt đối đã giúp con người, đồng bào theo tôn giáo không đắm say vào lạc thú thế tục, tầm thường, nhờ đó mà đỡ sa vào những cám dỗ vật chất, ít phạm tội, hướng theo cái thiện, phù hợp với đạo đức mới.
Việc giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cho cả đồng bào không tín ngưỡng, tôn giáo và cả đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo hiểu một cách đúng đắn và rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Làm tốt điều đó, các tầng lớp xã hội càng hiểu nhau hơn, gần gũi với nhau hơn, khắc phục được những tư tưởng kỳ thị tôn giáo, kỳ thị giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, đồng bào càng gắn bó với nhau trong xây dựng cuộc sống của mình, có trách nhiệm cao hơn đối với xã hội. Do đó, các thế lực phản động, thù địch cũng khó khăn hơn trong việc tìm cách lợi dụng, lôi kéo, kích động đồng bào, đặc biệt là đồng bào các tôn giáo. Những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đã bị một “bức tường” cố kết cộng đồng dân tộc chặn lại, làm suy giảm ảnh hưởng nguy hại và làm phá sản, thất bại sự lợi dụng chống phá đó.
Tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng, ý thức cảnh giác cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Nội dung giáo dục này nhằm khơi dậy và phát huy động lực và sức mạnh cơ bản của dân tộc, của mọi người dân vào cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi người Việt Nam, không kể lương hay giáo, ai cũng có tinh thần yêu quê hương, đất nước. Tình cảm thiêng liêng, lòng tự hào dân tộc và ý thức sâu sắc về cội nguồn, về nơi chôn nhau, cắt rốn là động lực to lớn để đồng bào ta đoàn kết thành một khối vững chắc. Cho nên, phải động viên đồng bào “nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo"[10].
Giáo dục đồng bào các tôn giáo, đặc biệt là đội ngũ chức sắc trong các tôn giáo, nhất là trong các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo…, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, tình cảm gắn bó với dân tộc, với đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tích cực, chủ động và kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ,  lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; cùng nhau đoàn kết hăng hái thi đua đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải “chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”[11].
Giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, tất cả các các cấp, các ngành, cho mọi người dân đối với cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Ngoài việc thực hiện tốt những nội dung giáo dục nêu trên, ở đây cần làm cho mọi người nhận thức sâu sắc âm mưu và những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm trong lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch; thấy rõ thực chất phản động, phản cách mạng, chống lại nhân dân, chống Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa của những âm mưu, thủ đoạn đó.
Làm cho mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên thấy rõ tính chất nguy hiểm và những tác hại của hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch đối với sự ổn định và phát triển đất nước, đối với cuộc sống của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người dân trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch.
Một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là, phải quan tâm giáo dục, trang bị cho mọi người dân, kể cả đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo, đặc biệt là những lực lượng, chủ thể trực tiếp trên mặt trận đấu tranh này, biết cách đấu tranh. Trong thực tiễn, các thế lực thù địch thường rất khôn khéo trong việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng. Chúng lợi triệt để dụng chính ngay những điều trong giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, lòng tin của đồng bào vào tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng những sở hở trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và trong thực hiện chính sách… để tìm cách lôi kéo, kích động, chống phá. Chúng cố làm ra vẻ, những hoạt động của chúng là vì tín ngưỡng, tôn giáo, vì “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của người dân, vì đồng bào theo tôn giáo; làm ra vẻ là người một lòng một dạ “vì dân”, “vì nước”, nên chúng ta rất khó nhận biết dã tâm đích thực của các thế lực thù địch và rất khó đấu tranh, vạch mặt.
Vì vậy, yêu cầu rất quan trọng hiện nay là chúng ta phải biết cách đấu tranh. Điều đó có nghĩa là, trên cơ sở nhận rõ âm mưu, dã tâm đích thực của chúng, nắm chắc quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước…, biết vạch mặt, chỉ rõ thực chất âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch; biết tổ chức lực lượng đấu tranh, thực hiện những nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả; biết cách làm hạn chế những ảnh hưởng, tác động tiêu cực, khắc phục những hậu quả từ sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch… Đồng thời, còn biết cách làm gia tăng sức mạnh của tổ chức, đơn vị, cơ quan, địa phương; tăng cường sự cố kết cộng đồng, sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đời sống của đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo.  



[1] V.I Lênin, Toàn tập, tập 17, NxbTiến bộ, M. 1979. tr. 511.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 17, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 514.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 197.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 81.
[5] Tài liệu học tập các nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2003, tr. 120.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 245.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 81.
[8] Tài liệu phổ bién Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 2004, tr. 9-10.
[9] Tài liệu phổ bién Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 2004, tr. 15-16.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2003, tr. 49.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 245.

2 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.

    Trả lờiXóa